Thứ Năm, 19/3/2015 20:19'(GMT+7)
Truy tố 7 bị can trong vụ nghe lén 14.140 thuê bao điện thoại
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa ra cáo trạng truy tố bảy bị can trong vụ án nghe lén 14.140 thuê bao điện thoại ra trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử theo thẩm quyền.
Đây là vụ án thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận xã hội về tính chất và tác động phức tạp trên mọi mặt đời sống xã hội.
Bảy bị can trên gồm Nguyễn Việt Hùng (41 tuổi, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Việt Hồng; Lê Thanh Lâm (33 tuổi), Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Việt Hồng) và năm nhân viên kỹ thuật Công ty Việt Hồng là Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi), nhân viên kỹ thuật Công ty Việt Hồng; Nguyễn Ngọc Kiều (29 tuổi), Lê Sỹ Phán (27 tuổi), Trần Minh Ngọc (25 tuổi), Nguyễn Thị Nga (25 tuổi) cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet,” theo quy định tại Điều 226, khoản 2, điểm c Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, do muốn được hưởng nhiều lợi nhuận hơn, trong năm 2013, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Việt Hồng (có trụ sở tại số 110 Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Nguyễn Việt Hùng làm Phó Giám đốc Công ty, phụ trách mảng dịch vụ viễn thông công nghệ thông tin, kinh doanh phần mềm máy tính đã thuê Lê Thanh Lâm và trả lương cao (lên tới 20 triệu đồng/tháng), để Lâm viết phần mềm Ptracker có chức năng cơ bản xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, ghi âm môi trường xung quanh, định vị vị trí điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật (tắt) 3G/GPRS, phát tán phần mềm này để thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại.
Nguyễn Việt Hùng thuê Nguyễn Ngọc Kiều với mức lương 12 triệu đồng/tháng, Nguyễn Văn Tuấn với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng để hai người này cùng với Lâm hoàn thiện, chỉnh sửa phần mềm.
Nhóm trên đã cho đăng tải, quảng cáo các thông tin dịch vụ gói sản phẩm này trên một số trạng mạng xã hội và lập một số trang web để quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm đến người có nhu cầu sử dụng và trực tiếp cài đặt máy cho người sử dụng.
Hùng thuê Lê Sỹ Phán thiết kế giao diện trang web, logo sản phẩm, quảng cáo; thuê Trần Minh Ngọc viết video hướng dẫn người sử dụng, hỗ trợ khi có thắc mắc về việc sử dụng phần mềm; thuê Nguyễn Thị Nga trực nghe điện thoại khi có người sử dụng phần mềm Ptracker gọi đến để hướng dẫn cách cài đặt sử dụng, trực tiếp thu tiền và rút tiền từ các tài khoản ở ngân hàng về cho Công ty.
Bằng cách làm này, đã có tổng số 14.140 tài khoản từng bị cài phần mềm giám sát Ptracker mà Hùng và đồng bọn đưa lên mạng. Trong đó có 7.447 tài khoản chưa bị xóa dữ liệu (dữ liệu vẫn còn trong máy chủ của Công ty Việt Hồng), 6.693 tài khoản đã bị xóa dữ liệu khỏi máy chủ, 670 tài khoản vẫn đang còn trong thời gian giám sát (gói dịch vụ khách hàng mua vẫn còn thời hạn).
Theo xác minh của Cơ quan Công an, số tiền thu được từ dịch vụ trên là gần 1 tỷ đồng. Hành vi phát tán, cài đặt phầm mềm Ptracker với số lượng lớn đã gây tâm lý hoài nghi, lo lắng cho người sử dụng điện thoại và gây dư luận không tốt trong xã hội.
Toàn bộ hồ sơ vụ án đã được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội chuyển sang Tòa án nhân dân thành phố để xét xử theo trình tự pháp luật.
Dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm chú ý tới phiên tòa xét xử này, với mong muốn sẽ có bản án nghiêm khắc, tương xứng hành vi phạm tội của các bị can nhằm cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa những hành vi phạm tội tương tự có thể xảy ra./.
Theo VN+