Kênh truyền hình nhà nước Pháp FRANCE 24 (ngày 6/5) đưa tin 60 năm sau
cuộc chiến Điện Biên Phủ, Việt Nam đã tổ chức rất nhiều sự kiện kỷ niệm
chiến thắng này và không giống với không khí lặng lẽ ở Pháp, người dân
Việt Nam rất háo hức với ngày lễ trên.
Theo kênh truyền hình trên, từ nhiều ngày trước, những người tham gia lễ
kỷ niệm đã rất miệt mài với những buổi diễu binh tại Điện Biên Phủ.
Ngày 7/5 được coi là một ngày trọng đại đối với thành phố phía bắc Việt
Nam này.
Một cuộc diễu binh hoành tráng đã diễn ra trên các đường phố của nơi đã
trở thành lịch sử đối với thực dân Pháp. Nhiều bó hoa tươi cùng với
những nén nhang được đặt trên mộ của những chiến sỹ đã tử trận. Ngày
6/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp mặt thân mật với các
cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch.
Một bảo tàng mới rộng 22.000 m2 đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cắt
băng khánh thành. Tại buổi lễ, ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh công trình này
sẽ giúp nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước hiểu rõ hơn về một thời
kỳ khó khăn nhưng hào hùng của dân tộc. Theo ông, bảo tàng Điện Biên Phủ
được xây dựng cũng vì mục đích giáo dục thế hệ trẻ về sự hy sinh của
các bậc cha anh, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cũng như quyết tâm
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."
Người dân Việt Nam đang sống trong những giờ phút trọng đại của lễ kỷ
niệm. "Tất cả mọi người đều nói tới chiến thắng Điện Biên Phủ, nhất là
từ cách đây một tuần," Trần Hào, một phóng viên kiêm dẫn chương trình
của Đài truyền hình quốc gia Việt Nam nói với FRANCE 24. "Đây là sự kiện
trọng tâm của tất cả các phương tiện truyền thông, gồm báo viết, truyền
hình, các đài phát thanh và các báo điện tử. Đó là thắng lợi của toàn
thể nhân dân Việt Nam. Vì vậy, các hoạt động kỷ niệm đã diễn ra trên
khắp cả nước. Khắp nơi đều có trưng panô chào mừng và tại các tỉnh đều
có hoạt động biểu diễn ca múa nhạc vào buổi tối."
Trong khi ở Pháp, các hội cựu chiến binh kỷ niệm thất bại Điện Biên Phủ -
cuộc chiến đã khiến 2.293 binh sỹ thiệt mạng, 5.195 bị thương và 11.721
binh sỹ đứng dưới lá cờ Pháp bị bắt làm tù binh - một cách lặng lẽ và
hầu như không hiện diện trên các phương tiện truyền thông thì tại Việt
Nam, ngày kỷ niệm là một sự kiện trọng đại.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, một dân tộc bị áp bức đã thành
công trong việc đánh bại sức mạnh của thế lực đô hộ. Ngày 7/5/1954, sau
56 ngày đêm giao chiến ác liệt và hầu như không ngừng nghỉ, cứ điểm Điện
Biên Phủ của quân đội Pháp đã sụp đổ, báo hiệu sự bắt đầu tan rã của
chủ nghĩa thực dân Pháp.
"Đó là một trong những thắng lợi quan trọng nhất của nhân dân Việt Nam
chống lại sự chiếm đóng của nước ngoài", Trần Hào khẳng định.
Đối với phóng viên này, sau hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
(1946-1954) và đế quốc Mỹ (1955-1975), nhân dân Việt Nam không muốn ca
ngợi các trận chiến đẫm máu từng xảy ra: "Các cuộc chiến không chỉ nói
lên niềm tự hào mà còn cho thấy thiện chí và khát vọng hòa bình của nhân
dân Việt Nam. Điện Biên Phủ là một sự kiện ghi đậm dấu ấn trong lịch sử
Việt Nam. Chúng tôi luôn muốn kỷ niệm sự kiện này nhưng không phải để
tỏ ra tự cao hay chứng tỏ mình là kẻ mạnh nhất. Nơi đây, chúng tôi yêu
chuộng hòa bình chứ không muốn chiến tranh."
Nhân kỷ niệm ngày 7/5 trong khắp cả nước, người Việt Nam tưởng nhớ đại
tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam. Lần
đầu tiên, Đại tướng không tham gia các lễ kỷ niệm chiến thắng. Vị anh
hùng dân tộc có đóng góp lớn cho chiến thắng Điện Biên Phủ đã mất tháng
10/2013, ở tuổi 103.
Về phía Pháp, tướng Marcel Bigeard - chiến binh nổi tiếng nhất tại "lòng
chảo" Điện Biên Phủ và là sỹ quan cấp cao gây nhiều tranh cãi nhất - đã
mất vào tháng 6/2010, ở tuổi 94./.
Nguyễn Tuyên (Vietnam+)