Nhiều chuyên gia cho rằng cần doanh nghiệp mới vào thị trường phải sử dụng công nghệ tiên tiến. Vậy, ở điều kiện của Việt Nam, lựa chọn công nghệ nào là hợp lý?
Tại Hội thảo xây dựng "Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020" vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho hay ở Việt Nam có hơn 40 đơn vị triển khai truyền hình trả tiền, nhưng thực tế mới phủ sóng được một phần nhỏ dân số.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc Công ty phần mềm và truyền thông VASC (đơn vị triển khai truyền hình IPTV-MyTivi) cho hay, hiện Việt Nam có 22 triệu hộ gia đình, trong khi thuê bao truyền hình trả tiền là 4,5 triệu, tương đương 21%.
Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông thì dự báo, đến năm 2015 sẽ có 6,4 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Con số này sẽ đạt trên 14,2 triệu vào 2020. Và, doanh thu từ phương thức truyền hình trả tiền sẽ bắt kịp và vượt qua truyền hình quảng bá. (Doanh thu truyền hình quảng bá năm 2012 dự kiến vào khoảng 11.500 tỷ đồng, truyền hình trả tiền là 3.772 tỷ đồng, đến 2020 lần lượt là 17.065 tỷ đồng và 20.478 tỷ đồng).
Từ đó có thể thấy rằng, lĩnh vực truyền hình trả tiền là mảnh đất còn khá màu mỡ để cho các đơn vị tham gia. Thế nhưng, sự phát triển manh mún, công nghệ cũ, giá cả tới các vùng khó chưa hợp lý… đã chưa thể khiến truyền hình trả tiền ở Việt Nam có một sức bật đủ lớn để phổ cập tới người dân.
Để khắc phục vấn đề này, trong "Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020," cơ quan chức năng đã xem xét đến việc tái cơ cấu, sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường. Và, khi doanh nghiệp mới tham gia thị trường thì cần lựa chọn công nghệ tiên tiến.
Với tình hình hạ tầng công nghệ ở Việt Nam, ông Tấn nói, IPTV là một hướng đi hợp lý. Truyền hình qua giao thức Internet này có khả năng tương tác cao, xem nội dung theo yêu cầu, tích hợp đa dịch vụ… Hiện, hạ tầng viễn thông đã sẵn sàng cho việc triển khai dịch vụ này.
Tuy nhiên với công nghệ hiện đại, xem ra IPTV vẫn chỉ chưa thực sự tới được với đông đảo người dân ở mức độ “phổ cập.”
Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho biết, cần ưu tiên phát triển công nghệ truyền hình mới. Song, khi nói về các loại hình truyền hình sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết điều này tùy thuộc địa hình và công nghệ.
Theo ông Tuấn, ở thành phố người ta sẽ sử dụng truyền hình cáp vì xu hướng hưởng thụ cao và yêu cầu nội dung trên truyền hình cao như HD, 3D. Khu vực đồng bằng thì là truyền hình số mặt đất hoặc truyền hình cáp. Riêng miền núi, nông thôn phải là DTH [truyền hình số vệ tinh-pv] hoặc tuyền hình số mặt đất vì truyền hình cáp khó mà kéo được lên tít đỉnh núi…
Đồng tình, đại diện của Cục Tần số Vô tuyến điện cũng cho rằng, nước ta có tới 3/4 diện tích là đồi núi, do đó cần thúc đẩy sử dụng DTH ở những nơi có địa hình phức tạp, mật độ dân cư thấp. Ngoài ra, cần thúc đẩy truyền hình cáp, IPTV ở khu vực thành thị.
Vị chuyên gia này cũng cho hay, truyền hình trả tiền trên thế giới không sử dụng nhiều công nghệ truyền hình số mặt đất. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn đang sử dụng thu xem bằng phương thức này vì truyền hình cáp chưa phổ cập được đến tất cả người dân do điều kiện địa hình. Tiêu biểu trong việc truyền dẫn truyền hình theo phương thức này là AVG...
Ông Tràn Minh Tuấn cho rằng mô hình của AVG hiện nay là khá phù hợp. Tuy nhiên, đến năm 2020, đơn vị này sẽ phải thay đổi chiến lược vì khi ấy nhu cầu của người dân đã khác, sẽ chuyển sang xem HD, 3D.../.
(Theo: Trung Hiền/Vietnam+)