Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 17/6/2013 20:53'(GMT+7)

Truyền thông và hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân

Ngày 17-6, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo "Truyền thông và hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân" do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) và Quỹ hỗ trợ các sáng kiến Tư pháp tổ chức. Đây là một trong những hoạt động để triển khai Dự án “Đưa cải cách tư pháp đến với cộng đồng”, truyền thông kết nối và tăng cường cơ hội cho các tổ chức tham gia vào các hoạt động tư pháp, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhóm yếu thế và góp phần hiện thực hoá Chiến lược cải cách tư pháp cũng như Luật trợ giúp pháp lý.

Bạn đọc luôn là sự quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, khi bạn đọc gặp vấn đề liên quan đến pháp luật (cần tố cáo,khiếu nại), họ thường tìm đến những tờ báo có uy tín để mong nhờ cơ quan báo chí đó lên tiếng bảo vệ quyền lợi. Trên thực tế, các cơ quan báo chí thường thiếu nhân lực để trợ giúp pháp lý cho bạn đọc. Những vấn đề pháp lý của bạn đọc khi được gửi tới tòa soạn thường riêng lẻ, có tính chất vụ việc phức tạp… đòi hỏi người phóng viên xử lý phải có trình độ pháp luật, bản lĩnh đối đầu với những sai phạm có tính hệ thống của chính quyền địa phương, ban ngành đối với từng vụ việc và tốn nhiều công sức để làm sáng tỏ sự việc.

Theo nhà báo Đỗ Văn Khanh (Chủ nhiệm văn phòng Tư vấn pháp luật -  Bạn đọc báo Lao động) cho biết, rất ít nhà báo muốn làm bài điều tra, trợ giúp pháp lý cho bạn đọc. Nhiều hồ sơ vụ việc, khiếu nại, tố cáo của bạn đọc đành bị xếp xó ở tòa soạn.  Mặc khác, thông tin bạn đọc ở một góc độ khác lại giúp tạo những tin bài riêng độc quyền của tờ báo. Nếu cơ quan báo chí làm tốt, bảo vệ quyền lợi của bạn đọc sẽ tạo được sự tin yêu, quý trọng của bạn đọc và các các cấp chính quyền với tờ báo đó.

Gần đây, vụ việc 2 tấn bạch tuộc sống của ngư dân Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) vận chuyển ra Hạ Long bị cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương bắt giữ, gây thiệt hại 1 tỷ đồng đã làm xôn xao dư luận. Báo chí  những ngày sau đó liên tiếp lên tiếng, lấy ý kiến chuyên gia về pháp luật và các cơ quan về kiểm dịch, làm rõ ý kiến công an Hải Dương vận dụng chưa đúng quy định. Ngày 9-6, báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh đã có phóng sự “Cạn nồi cơm người săn bạch tuộc”, thiệt hại trên là của gần 400 hộ dân săn bạch tuộc ở huyện Cần Giờ. Chiều 9-6, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã có công văn khẩn yêu cầu công an Hải Dương xử lý vụ việc theo hướng đảm bảo quyền lợi của hơn 400 hộ dân săn bạch tuộc. Trưa 11-6, Phó giám đốc công an Hải Dương Cao Ngọc Lan dẫn đoàn công tác làm việc với đại diện ngư dân Cần Giờ, bồi thường 650 triệu cho lô hàng trên, số tiền được chuyển ngay trong ngày.

Nhà báo Nguyễn Viễn Sự, phóng viên báo Tuổi trẻ cho rằng qua vụ việc trên, có thể thấy rằng người dân cần mạnh dạn liên tiếng trước các vấn đề liên quan đến pháp lý mà mình đang là người bị thiệt hại.

Phát biểu về vai trò của truyền thông trong trợ giúp pháp lý cho người dân, Luật sư Nguyễn Ngọc Lan (Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng ACDC) mong muốn các nhà báo, các cơ quan báo chí và cơ quan truyền thông không chỉ dừng lại hỗ trợ việc trợ giúp pháp lý cho người dân mà cùng đồng hành khi người dân gặp vấn đề liên quan đến pháp lý, để cho cuộc sống người dân bình ổn hơn. Cần thấy được trách nhiệm xã hội của các nhà báo, tính nhân văn trong công việc của mình, làm thế nào có sự kết nối rộng để có thể có những kênh trợ giúp pháp lý cho người dân.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng trợ giúp pháp lý không phải sử dụng tiền của ngân sách, của nhà tài trợ để tư vấn cho người dân một cách đơn thuần “ban phát từng gói bánh cụ thể”, mà phải nâng cao được năng lực của người dân để họ sử dụng được những cái có sẵn.

Hiện nay, báo Lao Động đã có văn phòng tư vấn pháp luật - bạn đọc và khởi động dự án “Báo Lao động tham gia thúc đẩy các cơ hội tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và bảo vệ quyền của người lao động”. Văn phòng này có chức năng thực hiện các hình thức tư vấn miễn phí, giải đáp pháp luật cho bạn đọc trên báo in và báo Lao động điện tử, tư vấn trực tiếp và cung cấp các dịch vụ pháp lý cho bạn đọc của báo, đặc biệt là những đối tượng công nhân, lao động. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã triển khai chương trình “Tây Nguyên - từ luật tục đến pháp luật” với mô hình thực hiện các chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc phát sóng trên Đài, kết hợp với các chuyến tư vấn, khảo sát tại các vùng dân tộc thiểu số có chương trình phát sóng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra những khuyến nghị để hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân đạt hiệu quả. Đó là:

Thứ nhất, về trợ giúp pháp lý, cho tới nay, hệ thống các cơ quan và tổ chức quản lý cũng như tiến hành các hoạt động này đã được thiết lập khá căn bản và hoàn chỉnh, bao gồm trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước do Bộ Tư pháp quản lý ở tất cả các tỉnh và thành phố, các trung tâm trợ giúp pháp lý trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Luật gia,  Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam… Tuy nhiên, người dân nói chung, nhất là người dân ở vùng nông thôn và miền núi vẫn chưa biết sự tồn tại hoạt động của các thiết chế này.

Các cơ quan truyền thông cần phổ biến và hướng dẫn người dân về sự tồn tại, cách thức tiếp cận các dịch vụ trợ giúp này. 

Thứ hai, truyền thông hướng tới mục tiêu trợ giúp pháp lý không chỉ là nội dung mà quan trọng hơn là cách thức thể hiện và phương tiện tiếp cận. Các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật hay tuyên truyền chính sách thường đơn điệu và khó hiểu. Cần có một số chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật được “văn nghệ hóa” hoặc “đời thường hóa” để  trở nên dễ nhớ dễ hiểu hấp dẫn với người dân.

Thứ ba, dịch vụ pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý nói riêng là các hoạt động có tính chuyên nghiệp cao, cần có sự phối hợp và cộng tác giữa truyền thông và các tổ chức chuyên nghiệp như văn phòng luật sư và các trung tâm trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân cũng phụ thuộc vào các cơ quan truyền thông. Đối với cơ quan quản lý báo chí, các cấp chính quyền, cần tôn trọng tiếng nói của báo chí. Lãnh đạo cơ quan báo chí cần coi trọng hơn nữa công tác bạn đọc, đầu tư mọi mặt để có một đội ngũ phóng viên có trình độ pháp lý, có bản lĩnh trong công việc trợ giúp pháp lý cho bạn đọc. Mỗi phóng viên cần nâng cao trình độ pháp luật, rèn giũa bản lĩnh của các nhà báo, phóng viên điều tra.

Nam Hải


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất