(TG)- Từ 22 – 23/8/2018 tại Thái Nguyên, Cục Việc làm phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị Truyền thông về việc làm. Tham dự hội nghị có đại biểu đại diện cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), các Trung tâm dịch vụ việc làm, cùng đại diện phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm nhấn mạnh, hiện nay, cả nước có trên 54 triệu lao động có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỉ lệ thiếu việc làm không cao. Với trách nhiệm của mình, Bộ LĐ-TB&XH đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động sang khu vực phi chính thức.
Ông Lê Quang Trung nhấn mạnh, để thực thi được những thể chế, chính sách, vai trò của báo chí, các cơ quan truyền thông rất quan trọng, nhất là tuyên truyền về các các chính sách: hỗ trợ giải quyết việc làm; chính sách thông tin về thị trường lao động; các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm; quản lý lao động; chính sách bảo hiểm thất nghiệp…
Trình bày tham luận “Năng suất lao động – việc làm tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp", GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh: Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ khá cao trong khu vực ASEAN. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động) hay nói cách khác, NSLĐ năm 2018 tăng 6% so với năm 2017. Một chỉ số cũng rất quan trọng liên quan đến NSLĐ và việc làm đó là 5 năm gần đây tốc độ tăng của chỉ số CPI luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP, điều đó cho thấy những chính sách về ưu tiên ổn định vĩ mô của chính phủ đã được phát huy tác dụng tốt trong thời kỳ này.
|
Ông Lê Quang Trung và TS.Trần Ngọc Diễn chủ trì Hội nghị |
Có thể nói, NSLĐ ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,91%/năm, trong đó lao động tăng 1,5%/năm; tăng NSLĐ đạt 4,35%/năm, thì trong 3 năm 2016-2018, mặc dù lao động chỉ tăng 0,88%/năm nhưng NSLĐ đạt tốc độ tăng bình quân 5,77%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,42 điểm phần trăm nên GDP tăng trưởng bình quân đạt tốc độ 6,7%/năm.
Theo GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, có 4 chỉ số chính tác động đến năng suất lao động. Chỉ số thứ nhất, nông nghiệp, thủy hải sản chiếm hơn 42% tổng số lao động toàn xã hội nhưng chỉ đóng góp khoảng 16% GDP. Hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng thời gian lao động trong rất thấp. Các bất cập về hạn điền, chuyển nhượng đất... trở thành điểm nghẽn đối việc tích tụ ruộng đất, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nhằm gia tăng NSLĐ.
CHÍNH SÁCH VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP ĐƯỢC BAN HÀNH ĐỒNG BỘ
Thông tin về kết quả 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ông Trần Tuấn Tú – Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm) cho biết: Chính sách BHTN là chính sách mới trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động, là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Song quan trọng hơn vẫn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm.
Đến nay, các chính sách về BHTN đã được ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, đáp ứng được những vấn đề đặt ra và theo thông lệ quốc tế. Các chính sách đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, thực sự là điểm tựa của người lao động, người sử dụng lao động; góp phần đảm bảo an sinh xã hội; được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao.
Số người tham gia BHTN liên tục tăng qua từng năm, đến nay là gần 13 triệu người tham gia, vượt so với dự kiến. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường và hiệu quả; 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hơn 180 nghìn người được hỗ trợ học nghề.
Sau 10 thực hiện, số người tham gia và đóng BHTN liên tục tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu năm 2009 mới chỉ có 5.993.300 người tham gia BHTN thì tới năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có 10.308.180 người tham gia, tăng 11,8% so với năm 2014; năm 2016 có 11.061.562 người tham gia, tăng 7,3 so với năm 2015; năm 2017 có 11.774.742 người tham gia, tăng 8,1% so với năm 2016 và năm 2018 có 12.680.173 người tham gia, tăng 7,7% so với năm 2017, bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người), tổng số đơn vị tham gia BHTN là 361.586 đơn vị.
Về chỉ tiêu trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Việc làm thông tin: Giai đoạn đến năm 2021: phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Giai đoạn đến năm 2025: phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN. Giai đoạn đến năm 2031: phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách việc làm, kết nối cung cầu lao động và BHTN trên địa bàn tỉnh, bà Phạm Như Thùy – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm thu thập, cập nhật, phân tích tổng hợp thông tin thị trường lao động, xây dựng báo cáo tổng hợp về tình hình thị trường lao động; Làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động trong và ngoại tỉnh nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng các thông tin về cơ hội việc làm, vị trí việc làm trống, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp, nhu cầu, chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Thu thập, tổng hợp thông tin thị trường lao động trung bình đạt 3 – 4 ngàn doanh nghiệp/ năm, với nhu cầu tuyển dụng từ 60 – 80 ngàn lao động/ năm; hàng năm Trung tâm đều tiến hành ký hợp đồng tuyển và cung ứng lao động với từ 50 – 100 doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Trung tâm thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thông tin thị trường lao động,chính sách BHTN. Trung bình hàng năm, Trung tâm tổ chức từ 20 - 30 Hội nghị tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTN cho người lao động được tổ chức tại Trung tâm và các địa phương, doanh nghiệp. Qua đó cung cấp thông tin thị trường lao động tới từ 25 – 35 ngàn lượt người/ năm.
Hoạt động Sàn giao dịch việc làm tỉnh Thái Nguyên được Trung tâm thực hiện ngày càng hiệu quả, đa dạng về hình thức, tăng về số lượng; giúp người lao động thêm cơ hội tìm được việc làm, hỗ trợ các đơn vị tham gia thị trường lao động nâng cao nhận thức, khả năng phối hợp trong quá trình kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức và tuyên truyền huy động mọi lực lượng trong xã hội, các cấp, các ngành liên quan phối hợp thực hiện công tác giải quyết việc làm.
Việc thực hiện chính sách việc làm, kết nối cung cầu lao động và BHTN tại Thái Nguyên được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, thiết thực hỗ trợ người lao động về nhận thức, thông tin và tư vấn, hỗ trợ NLĐ hưởng các chế độ theo quy định; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định xã hội.Môi trường giao dịch cải tiến theo hướng thân thiện, thuận tiện, khoa học và hiệu quả; tích cực đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin.
TRUYỀN THÔNG VỀ CHÍNH SÁCH CẦN SỰ THẤU HIỂU
Trong tham luận "Truyền thông định hướng việc làm trong thời đại CMCN 4.0", ThS. Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ giáo dục, Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, hiện tại với nhu cầu tuyển dụng của hơn 700 nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam, cùng việc cần thiết phải định hướng và nhanh chóng hỗ trợ sinh viên có cơ hội việc làm. Nếu công tác truyền thông định hướng việc làm vẫn đi theo cách làm truyền thống, chúng ta sẽ gặp rất nhiều bất cập về thời gian, công sức, tính hiệu quả vì số lượng sinh viên đã lên tới con số khổng lồ là khoảng 1,8 triệu.
Theo số liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn thì hiện nay những sinh viên đã tốt nghiệp kiếm được việc làm chủ yếu qua các nguồn sau: được các doanh nghiệp hỗ trợ, tuyển dụng trực tiếp tại trường; thông qua ngày hội việc làm cho sinh viên; các sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp của trường đại học; các mạng thông tin việc làm như vietnamworks, linkedin; thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp đăng trên website, internet, báo đài...; được người thân giới thiệu; tìm việc bán thời gian từ khi còn đi học; tự khởi nghiệp.
Thoạt nhìn, những nguồn cung cấp việc làm trên khá phong phú. Tuy nhiên, nó lại cho thấy khá rõ một bất cập là các nguồn trên đều đơn lẻ, mang tính độc lập cao, sự liên kết yếu ớt. Việc thiếu cập nhật thông tin và thiếu tính liên kết gây ra vấn đề là thị trường lao động chậm trong việc cung ứng việc làm cho sinh viên cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Việc bỏ sót các thông tin cần thiết để giúp sinh viên học sinh có hành trang vào đời, vào việc đã gây ra những phí tổn không nhỏ.
Thảo luận về truyền thông chính sách việc làm, TS. Nhà báo Trần Bá Dung - Ủy viên Thường vụ,Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam gợi ý khắc phục khó khăn trong truyền thông về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Trước hết, nhà báo cần trang bị kiến thức, quan điểm tiếp cận vấn đề về an sinh xã hội, để có cách nhìn toàn diện, sâu sắc. Cần nhận thức báo chí - truyền thông có vai trò quan trọng trong việc ”tham gia giải quyết các vấn đề liên quan tới nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng”.
Nhà báo cần tuyên truyền, phổ biến, các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Tuyên truyền, giáo dục công chúng thấy được ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp trong đời sống nhân dân; thấy được vai trò chủ thể, vai trò giám sát của nhân dân trong xây dựng và thực thi các chính sách việc làm, lao động, bảo hiểm, phát triển đời sống, kinh tế - xã hội.
Để thay đổi thái độ của công chúng, báo chí phải vừa cung cấp thông tin, phản ánh thực trạng, vừa hướng dẫn, định hướng công chúng về thái độ ứng xử đúng mực đối với vấn đề việc làm, BHTN và quản lý lao động. (Chẳng hạn, báo chí cần làm thay đổi thái độ từ thờ ơ sang quan tâm thiết thực đối với việc đóng BHTN).
Để thay đổi hành vi, báo chí cần hướng dẫn, định hướng cho công chúng, cung cấp những mô hình, hình mẫu tốt về dịch vụ việc làm để người dân làm theo.
Theo TS.Trần Bá Dung, báo chí cần thực hiện kết hợp những kĩ năng sau đây: Tuyên truyền + Phản ánh + Phản biện + Nêu gương. Tuyên truyền thường xuyên, kịp thời đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước về việc làm, quản lí lao động và BHTN. Hình thức truyền thông cần sinh động, phù hợp với trình độ, thói quen, tâm lí tiếp nhận của người lao động, người sử dụng lao động. Thường xuyên phản ánh những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những tấm gương tiêu biểu khi tham gia giải quyết việc làm, quản lí lao động và BHTN. Rèn kĩ năng phát hiện đề tài, khai thác và xử lí thông tin về việc làm, quản lí lao động và BHTN./.
Tuấn Đạt