Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Ba, 23/7/2019 8:46'(GMT+7)

Các thí sinh Việt Nam chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019

Thí sinh và huấn luyện viên tiếp cận với máy móc hiện đại của nghề tiện CNC.

Thí sinh và huấn luyện viên tiếp cận với máy móc hiện đại của nghề tiện CNC.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Việt Nam thi 19 nghề, gồm: Thiết kế kỹ thuật cơ khí - CAD; Cơ điện tử; Phay CNC; Tiện CNC; Công nghệ nước; Giải pháp phần mềm CNTT; Xây gạch; Điện tử; Ốp lát tường và sàn; Lắp cáp mạng thông tin; Điện lạnh; Sơn ô tô; Kỹ thuật khuôn đúc nhựa; Khuôn mẫu; Gia công kim loại tấm; Kỹ thuật số 3D; Lắp đặt điện; Hàn và Thiết kế các kiểu tóc.

Đây là sân chơi để so tài, trình diễn những giá trị kỹ năng nghề đỉnh cao và nâng cao nhận thức về kỹ năng chuyên nghiệp trên toàn thế giới đối với những lao động trẻ không quá 22 tuổi và một số nghề không quá 25 tuổi.

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: Trong các nghề đăng ký dự thi có 6 nghề sử dụng ngân sách Nhà nước và 13 ngành nghề sử dụng 100% nguồn kinh phí tài trợ của các cơ sở GDNN, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đây là lần Việt Nam đăng ký tham dự kỳ thi tay nghề thế giới với số lượng nhiều nhất từ trước đến nay.

“Các nghề dự thi đều là các nghề có nhu cầu lớn trên thị trường lao động hiện nay và là những ngành nghề cơ bản để phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không chỉ học hỏi kinh nghiệm quốc tế, từ việc tham gia kỳ thi, các thí sinh và chuyên gia đúc kết thành bài giảng để phổ biến trong hệ thống GDNN”, ông Trương Anh Dũng thông tin.

Các nghề tham dự kỳ thi tay nghề thế giới đều là các nghề đã có thành tích tốt tại các kỳ thi tay nghề thế giới và kỳ thi tay nghề ASEAN. Riêng 6 ngành nghề sử dụng ngân sách Nhà nước đều là các nghề có thí sinh đạt huy chương tại kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2018 và đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi để tham dự kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019.

Tại đợt kiểm tra công tác huấn luyện thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45, ông Trương Anh Dũng đề nghị các trường đăng cai tạo điều kiện tốt nhất cho chuyên gia, thí sinh rèn luyện kỹ năng từ việc ăn uống, luyện tập, giao tiếp. Đặc biệt, việc huấn luyện bằng các bài thi tiếng Anh, giao tiếp bằng tiếng Anh để thí sinh làm quen và làm quen với chuẩn đề quốc tế, chủ động xử lý theo yêu cầu của đề bài.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: Trường đăng ký là nơi huấn luyện của 3 nghề Phay CNC; Tiện CNC do Công ty Denso (Nhật Bản) tài trợ huấn luyện; nghề Lắp đặt điện nhà trường kêu gọi xã hội hóa và do các chuyên gia của trường trực tiếp huấn luyện. Kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2019, về cơ bản các nghề đều không cho biết trước đề, vì vậy các thí sinh phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để có đủ khả năng giải quyết được bài thi. Đối với nghề Lắp đặt điện, đề thi được giữ kín 100% đến tận ngày thi.

“Xu hướng sẽ là lắp đặt điện dân dụng thông minh và đây cũng là thế mạnh của nhà trường, nên thí sinh được huấn luyện sâu về những kỹ năng cơ bản và nâng cao trong lĩnh vực này. Huấn luyện thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề thế giới, nhà trường cũng coi đây là những kỹ năng trong chương trình chung để đào tạo ra những kỹ sư thực hành đạt tiêu chuẩn quốc tế”, ông Đồng Văn Ngọc cho biết.

Thí sinh Nguyễn Văn Minh, thi nghề Lắp đặt điện cho biết: “Thí sinh tham gia huấn luyện như khung chương trình thi từ 5 giờ sáng, với thời gian biểu chạy tập thể lực, làm các bài thi như mô hình thi thật. Nghề Lắp đặt điện có thời gian làm bài lên tới 22 giờ, trong vòng 4 ngày. Do đó, bên cạnh kỹ năng thí sinh phải có thể lực tốt".

Phó Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đánh giá: Xã hội hóa việc huấn luyện thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề quốc tế được đẩy mạnh trong những năm gần đây, vừa tiết kiệm tiền ngân sách, vừa gắn công tác đào tạo với thực hành, giúp thí sinh làm quen với áp lực làm việc theo chuẩn quốc tế./.

X. Cường

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất