Một phần nền móng được cho là “Bến Ngự” của triều Nguyễn vừa được xuất lộ sáng 27-7 tại bờ sông An Cựu, đoạn qua phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế. Người ta đã phát hiện hai tảng đá thanh kích thước lớn ở lớp đất sâu vào sáng nay khi đang đào đất thi công công trình bờ kè sông An Cựu, cách chân cầu Bến Ngự hơn 20 mét về hướng Bắc. Ông Bùi Ngọc Chánh, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh cho biết: “tảng lớn dài 2,4m; rộng 7,4cm; dày 30cm. Tảng nhỏ hơn chỉ dài 1,5m; rộng 0,5m; dày 30cm”.
Ngay khi phát hiện, người dân địa phương đã báo cho chính quyền địa phương và các cơ quan quản lí văn hoá trên địa bàn. Bởi theo một người dân sống lâu đời ở gần điểm phát hiện vật - ông Văn Viết Hồng, 65 tuổi thì “đây là một phần của Bến Ngự”.
Bởi “ngày xưa người dân địa phương vẫn thường gọi chỗ đất, nơi phát hiện hai tảng đá là bến Ông Ngự. Đây cũng là nơi ngày xưa cụ Phan Bội Châu thường câu cá”. Cũng theo ông Hồng, “hiện dưới lòng đất còn khoảng 9 -12 tảng đá tương tự”.
Bến Ngự- theo Nhà nghiên cứu văn hoá Hồ Tấn Phan thì nó được xây dưới thời các vua Nguyễn. Sở dĩ có tên là Bến Ngự vì đây là nơi ngày xưa thuyền các vua thường ghé lại để lên tế ở đàn Nam Giao, hoặc nghỉ chân khi thuyền đi dọc theo sông An Cựu để về hành cung Thuỷ Phù (nay thuộc huyện Hương Thuỷ).
Hiện Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng và chính quyền địa phương đã lập biên bản hiện trường, lên phương án bảo vệ hiện vật để chờ làm rõ. Bước đầu, các cơ quan chức năng nhận định nhiều khả năng đây là “những tảng đá dùng để xây dựng Bến Ngự ngày xưa”./.
(TTXVN)