Thứ Sáu, 29/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 26/7/2008 17:35'(GMT+7)

Liên hoan Nghệ thuật tuồng tại Festival Tây Sơn- Bình Định

Cảnh trong vở diễn “Võ Đình” của Nhà hát tuồng Đào Tấn

Cảnh trong vở diễn “Võ Đình” của Nhà hát tuồng Đào Tấn

Đây là lần đầu tiên, một liên hoan (LH) dành riêng cho tuồng truyền thống được tổ chức ngay trên “đất tuồng” Bình Định. Theo đánh giá của nhiều nghệ sĩ tâm huyết tham gia liên hoan, đây là cơ hội để cho các đoàn tuồng giao lưu và tìm ra hướng phát triển cho nghệ thuật tuồng truyền thống.

Không phải ngẫu nhiên mà Bình Định được chọn là nơi diễn cuộc hội ngộ nghệ thuật tuồng truyền thống, bởi đây là một trong những cái nôi của nghệ thuật tuồng Việt Nam và là quê hương của danh nhân Đào Tấn. Ngay trên đất Bình Định hôm nay, phong trào nghệ thuật tuồng phát triển mạnh mẽ trong dân gian và đã có nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 hướng đến những giá trị truyền thống đặc trưng của vùng đất này nên không thể thiếu liên hoan tuồng truyền thống.

LH nghệ thuật tuồng truyền thống lần này kéo dài đến ngày 30-7, quy tụ hơn 400 diễn viên, nhân viên phục vụ. Có 8 vở diễn góp mặt tại liên hoan nhờ công phu dàn dựng của 7 đoàn nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp, đặc sắc nhất của Việt Nam tham gia, gồm “Nữ tướng Đào Tam Xuân”, “Triệu Đình Long cứu chúa” (Nhà hát tuồng Việt Nam); “Trầm hương các” (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh); “Diễn Võ Đình” (Nhà hát tuồng Đào Tấn); “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu” (Nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM); “Thanh gươm hát bội” (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa); “Đào Duy Từ” (Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế); “Sơn Hậu” (Đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa).

Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương cho rằng: 8 vở diễn mang đến liên hoan là sự phân bổ đẹp và ý vị giữa các dòng tuồng: Trước Đào Tấn, của Đào Tấn và tuồng sử, tất cả đều là tuồng truyền thống hoặc ít nhiều gắn bó với truyền thống. Con số 7 tạo cảm giác ngậm ngùi ít nhiều đối với những người yêu mến tuồng, bởi so với con số 13 đơn vị tuồng chuyên nghiệp trong toàn quốc trước kia đã diễn ra một cuộc rơi rụng đáng xót xa. Đây là một cuộc hội ngộ mừng mừng, tủi tủi cho các thế hệ yêu tuồng, làm tuồng, đang cố trèo lái nỗ lực giữ tuồng đi cùng một hướng.

NSND Hòa Bình (Nhà hát tuồng Đào Tấn) xúc động: Lâu lắm rồi, những người giữ tuồng và mê tuồng mới có dịp quây quần bên nhau trong một không gian vừa ám áp, gần gũi, vừa bề thế, trang trọng như vầy, nhất là nó diễn ra trên chính quê hương hậu tổ tuồng Đào Tấn.

Có thể nói, LH Nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc trong khuôn khổ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 hứa hẹn đem đến cho người xem những vở diễn kinh điển của nền nghệ thuật tuồng quốc gia.

Hy vọng rằng “đây cũng là dịp để chung sức, chung lòng trả lời câu hỏi: Làm cách nào “gìn vàng giữ ngọc” và phát huy giá trị báu vật tuồng? Làm thế nào để tuồng truyền thống đi vào đời sống đương đại, đặc biệt, lay động được giới trẻ, chủ nhân tương lai của văn hóa dân tộc. Việc đó, trước nay đã làm, nhưng giờ là lúc xúc tiến một cách có hệ thống, có chiều sâu hơn nhằm giúp Bộ VH-TT-DL xây dựng định hướng, chính sách quốc gia bảo tồn di sản tuồng truyền thống” như lời Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương đã phát biểu với báo giới sáng 24-7./.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất