Thứ Hai, 30/9/2024
Thể thao
Thứ Hai, 4/8/2008 10:39'(GMT+7)

TTVN tại Olympic Bắc Kinh 2008: Giấc mộng huy chương

1. Có quá nhiều lý do để lý giải cho việc TTVN không đặt chỉ tiêu giành huy chương tại Olympic 2008. Thứ nhất, nếu so với một nền thể thao mới chỉ ổn định chỗ đứng trong khu vực như Việt Nam thì rõ ràng Olympic vẫn cứ là cái sân chơi quá tầm, vậy nên việc không giành được huy chương thì âu cũng là lẽ thường nếu làm phép so sánh về chuyên môn.




Nguyễn Văn Hùng (trái)...

Thứ 2, cho dù đây là lần dự tranh nhiều môn nhất (9), với đông VĐV nhất (21) và cũng nhiều suất đi bằng "cửa chính" nhất (16), nhưng nếu Wushu chỉ là môn biểu diễn vốn không nhiều ý nghĩa, thì trong số 8 môn còn lại, cửa tranh chấp cũng chỉ trông vào Taekwondo và cử tạ.

Ngay trong 2 môn này, tiếng là có "cửa", nhưng chỉ mới ở mức 50/50, hay nói đúng hơn là phải vượt qua chính mình, rồi mới nghĩ đến chuyện thắng người và chưa kể còn cần thêm chút may mắn...

Cuối cùng, chuyện "chỉ tiêu huy chương" có vẻ như khiến các nhà quản lý thể thao trở nên "dị ứng" trong vài năm gần đây sau vài vụ "hứa lèo". Đôi khi chuyện chỉ tiêu lại thành sức ép không đáng có, thậm chí là áp lực lớn nếu không thành công... vậy nên hứa làm gì?

2. Tuy nhiên, giấc mộng huy chương Olympic thì vẫn đè nặng lên ngành thể thao. 8 năm trước, tấm HCB của Hiếu Ngân đưa TTVN vào ngôi nhà của những vị thần Olympia và 8 năm trôi qua cũng từ kỳ tích đó, thể thao nước nhà vượt lên đứng ngôi đầu khu vực, gần nhất là hạng 19 châu á với 3 HCV ASIAD 2006.

Rõ ràng, một tấm huy chương thế vận hội nữa sẽ không chỉ chứng minh cho sự phát triển mà nếu thành hiện thực thì nó sẽ tạo nên động lực mới cho TTVN.

Lực sĩ Hoàng Anh Tuấn... Ảnh: TNO

Thế nhưng, cơ hội ấy đang trở nên xa hơn. Athens 2004, TTVN cũng từng đã có đoàn đại quân (11VĐV/8 môn), có có thế mạnh mang tên Taekwondo với "độc cô cầu bại" Nguyễn Văn Hùng. Nhưng kết quả là tay trắng, thậm chí còn hơn cả tay trắng khi nhiều tuyển thủ, nhiều bộ môn còn chẳng thể hiện được chính mình.

Lần này, quân không chỉ đông hơn, mà cửa tranh huy chương còn nhiều hơn, thậm chí chắc chắn sẽ có huy chương từ môn biểu diễn là Wushu, vậy thì không lý gì Đoàn TTVN không mơ nhiều hơn về cơ hội tái lặp kỳ tích, nhưng quả thật bài học Athens vẫn chưa hề nguội! Nói gần mà xa là vì thế.

3. Hãy trở lại với những cuộc đấu sắp diễn ra. Những cánh quân đầu tiên của TTVN lên đường vào ngày 5/8, trước đó lực sỹ Hoàng Anh Tuấn đã sớm có mặt tại Bắc Kinh để làm quen với môi trường thi đấu. Vậy cơ hội để biến giấc mộng huy chương thành hiện thực của các tuyển thủ Việt Nam là thế nào?

Dĩ nhiên, Taekwondo được xếp đầu bảng với việc có đến 3 võ sỹ giành suất tham dự chính thức. Tuy nhiên, trước giờ khai cuộc, những đối thủ cũng đã lần lượt lộ diện và đều thuộc "hàng khủng" khi không ít trong số đó là những nhà VĐTG, hoặc Olympic.

... sẽ làm rạng danh cho TTVN như Trần Hiếu Ngân đã từng làm được tại đấu trường Olympic?

TTK LĐTaekwondo Việt Nam Trương Ngọc Để nhìn nhận, 3 võ sỹ nước ta muốn giành được huy chương thì chí ít cũng phải có 3 trận thắng liên tiếp, nhưng bên cạnh việc phát huy tối đa khả năng vẫn cần thêm lá thăm thuận để tránh các đối thủ mạnh.

Theo tính toán này, thì có vẻ cửa huy chương của 2 nữ võ sỹ: Hoài Thu (hạng 57kg) và "người đóng thế" Ngọc Trúc (49kg - thay cho Hoàng Hà Giang không thể tham dự) là lớn hơn Văn Hùng (do ở hạng 80kg nam không chỉ có VĐV Hàn Quốc mà cả nhà VĐTG, á quân Olympic).

Hoàng Anh Tuấn cũng đang tự tin khi trong tập luyện đã ổn định ở con số chuyên môn khá cao (160kg cử giật và 130kg cử đẩy). Một chỉ số cao hơn thành tích tốt nhất của Tuấn (279 kg) và cao hơn cả thành tích tốt nhất của 19 lực sỹ tham dự hạng 56kg nam ở Bắc Kinh.
 
Tuy nhiên, từ tập luyện đến thi đấu lại là câu chuyên dài, hơn thế nếu so thành tích tốt nhất, Anh Tuấn cũng chỉ đứng ở vị trí thứ... 5/20. Tuấn tiến, thì các đối thủ không chắc chắn cũng chẳng muốn dừng lại và như thế, chỉ có thể tiến xa hơn mới có đủ hy vọng giành huy chương.

Với các môn còn lại, thì một vài trận thắng (bóng bàn, cầu lông), hay vượt qua thành tích bản thân (bơi, điền kinh, bắn súng).... cũng đã là thành công.

Giấc mộng huy chương là có thật, nhưng mới chỉ là nhìn từ phía chúng ta...

Lịch thi đấu cụ thể của các VĐV Việt Nam
 

09/08 9.00 - 22.30 Lê Ngọc Nguyên Nhung Loại - đơn nữ Cầu lông
09/08 20.45 - 21.08 Nguyễn Hữu Việt Loại - 100m ếch nam Bơi
10/08 10.00 - 22.00 Nguyễn Tiến Minh Loại đơn nam Cầu lông
10/08 10.00 - 21.00 Hoàng Anh Tuấn CK 56 kg nam - Cử tạ
10/08 10.00 - 22.00 Đỗ Thị Ngân Thương Loại - TDDC nữ
11/08 9.00 - 11.00 Nguyễn Mạnh Tường Loại 50m súng ngắn nam
12/08 12.30 - 17.30 Nguyễn Thị Thiết CK 63kg nữ - Cử tạ
16/08 10.50 - 11.53 Vũ Thị Hương Loại 100m nữ Điền kinh
19/08 10.00 - 22.00 Đoàn Kiến Quốc Loại đơn nam Bóng bàn
20/08 19.00 - 19.56 Nguyễn Đình Cương Loại - 800m nữ Điền kinh
20/08 9.00 - 19.31 Trần Thị Ngọc Trúc CK 49kg nữ - Teakwondo
21/08 9.00 -19.31 Nguyễn Thị Hoài Thu CK 57kg nữ - Teakwondo
22/08 9.00 - 19.31 Nguyễn Văn Hùng CK 80kg nam - Teakwondo
21/08 20.41 Vũ Trà My Biểu diễn (trường quyền nữ)
21/08 19.30 Vũ Thuỳ Linh Biểu diễn (nam đao, nam quyền nữ)
21/08 10.00 Nguyễn Mai Phương Biểu diễn (thương kiếm nữ)
23/08 09.57 Nguyễn Huy Thành Biểu diễn (thương kiếm nam)
21/08 09.30 Trần Đức Trọng Biểu diễn (đao, côn nam)
21/08 15.00 Nguyễn Thuý Ngân Tán thủ (52kg nữ)
21/08 15.14 Lương Thị Hoa Tán thủ (60kg nữ)
21/08 15.44 Trương Trọng Đỏ Tán thủ (56kg nam)


Theo Minh Quang (Vietnamnet)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất