Thứ Tư, 25/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 15/12/2008 8:35'(GMT+7)

Từ 1/1/2009: Cả nước chung một mức cước nội hạt

Người dân ở mọi miền tổ quốc đều được hưởng lợi ích từ quyết định cước điện thoại cố định nội hạt mới này.

Người dân ở mọi miền tổ quốc đều được hưởng lợi ích từ quyết định cước điện thoại cố định nội hạt mới này.

Ngày 1/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 155/2008/QĐ-TTg phê duyệt phương án điều chỉnh giá cước dịch vụ điện thoại cố định nội hạt. Theo đó, từ ngày 1/1/2009, điện thoại cố định nội hạt sẽ có cước thuê bao tháng là 20.000 đồng /tháng hoặc 635 đồng /ngày, cước liên lạc là 200 đồng/phút. Đối với dịch vụ điện thoại cố định nội hạt tại các điểm giao dịch công cộng; dịch vụ điện thoại cố định nội hạt đối với các khách hàng lớn, tại các doanh nghiệp, đại lý bán lại dịch vụ và các dịch vụ điện thoại cố định nội hạt khác theo quy định hiện hành thì từ 1/1/2009, mức cước nội hạt sẽ do doanh nghiệp tự quy định nhưng không khác biệt quá 50% so với gói cước cơ bản.

Hơn 10 ngày sau, hôm 12/12, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã ký Quyết định số 55/2008/QĐ-BTTTT ban hành gói cước cơ bản điện thoại cố định nội hạt tại nhà thuê bao, vùng cước nội hạt là phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với phương thức tính cước 1+1. Mức cước thuê bao tháng 20.000 đồng/tháng/thuê bao hoặc 667 đồng/ngày/thuê bao, cước liên lạc là 200 đồng/phút.

Quyết định số 55 của Bộ Thông tin và Truyền thông là sự cụ thể hoá, thực thi phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là một tin vui cho hơn 10 triệu thuê bao hiện đang sử dụng dịch vụ điện thoại cố định trên mọi địa phương của Việt Nam, đặc biệt là người dân của 60 tỉnh, thành phố trừ Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng.

Cước mới, người nghèo có lợi nhất!

Sở dĩ có thể khẳng định điều này bởi theo Bộ Thông tin và Truyền thông, điểm khác biệt lớn nhất của quyết định cước điện thoại cố định nội hạt lần này so với những lần trước đó là không còn cước nội tỉnh nữa bởi từ 1/1/2009 trở đi, vùng cước nội hạt là phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Từ trước tới nay, theo quy định, chỉ có các thuê bao cố định của ba thành phố lớn, kinh tế phát triển, mặt bằng đời sống dân cư cao hơn các tỉnh, thành khác là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM mới được hưởng mức cước nội hạt khi liên lạc trong phạm vi thành phố và mức cước còn được giảm dần  từ 120 đồng /phút, 80 đồng /phút, 40 đồng /phút khi thời gian liên lạc nhiều lên.

Trong khi đó, các tỉnh, thành phố khác, người dân có mức sống thấp hơn, ngoài cước nội hạt, họ lại phải chịu một mức cước nữa khi gọi từ huyện này sang huyện khác, hoặc từ phạm vi thành phố, thị xã của mình tới những huyện khác cùng trong tỉnh mức cước liên huyện (cước nội tỉnh) bình quân 560 đồng/phút, hoặc thấp hơn thế một chút, mức 454 đồng/phút nếu là thuê bao điện thoại cố định của VNPT.

Không chỉ có vậy, với mức cước thuê bao tháng sẽ giảm từ 27.000 đồng xuống còn 20.000 đồng, đây cũng là tin vui đối với một số lượng lớn thuê bao có thu nhập thấp ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, lắp điện thoại để nhận cuộc gọi nghe hơn là gọi đi.

Doanh nghiệp cũng không bị thiệt

Mặc dù quyết định lần này đem lại lợi ích nhiều cho người sử dụng dịch vụ song theo phân tích của ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu nhìn tổng thể doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định không ảnh hưởng nhiều khi quyết định này được chính thức áp dụng. Sự điều chỉnh cước cố định cho phép doanh nghiệp cân bằng lại giá cước, không còn xảy ra tình trạng lấy dịch vụ này bù cho dịch vụ khác như hiện nay.

Quyết định mới cũng quy định, ngoài mức cước cơ bản nói trên, cho phép các doanh nghiệp được ban hành những gói cước khác nhau cung cấp cho từng loại đối tượng thuê bao khác nhau. Như vậy, sắp tới, dịch vụ điện thoại cố định nội hạt cũng sẽ được có nhiều gói cước như dịch vụ thông tin di động với nhiều loại hình gói cước hiện nay đang triển khai. Điều này thêm một lần nữa tạo nên sự lựa chọn cho nhiều đối tượng khách hàng, và chắc chắn, khi "đưa" ra các gói cước, doanh nghiệp cũng không thể không tính tới khả năng thu lại lợi nhuận cho mình. Đây đúng là một cơ hội kinh doanh mới cho 5 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định của Việt Nam hiện nay.

Và việc điều chỉnh này sẽ sát với giá thành hơn và đây là quá trình rất quan trọng trong việc giúp Bộ có thể hoạch định kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp và quản lý giá cước - ông Hải nói.
(Theo VnMedia)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất