Thứ Tư, 25/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Sáu, 12/12/2008 21:34'(GMT+7)

Rác thải CNTT: Coi thường sẽ phải trả giá

Máy tính đã được “mông má” bày bán với giá rất rẻ

Máy tính đã được “mông má” bày bán với giá rất rẻ

Hà Nội tràn ngập rác CNTT

Khắp các ngõ ngách của Hà Nội, không khó để tìm ra một cửa hàng điện tử, vi tính cũ với ngồn ngộn các loại linh kiện cũ, có loại đã được tích trữ từ hàng chục năm nay. Anh Quang Hải, chủ một cơ sở sửa chữa điện tử cho biết, hiện cửa hàng anh có hàng nghìn loại linh kiện điện tử đã được tích lũy từ khi làm nghề.

"Sửa chữa thì thay, lắp linh kiện mới, không phải cái nào cũng sửa được nên để lâu thành đống. Đằng sau cửa hàng mình còn đến hàng đống các loại linh kiện ti vi, máy điện thoại di động cũ; hầu hết không sử dụng được, đang không biết đổ đi đâu nên cứ chất đống ở đó".

Các loại rác CNTT là mối lo ngại lớn, đặc biệt khi CNTT ngày càng phát triển và tốc độ ra đời của sản phẩm ngày càng nhanh, số lượng ngày càng lớn, với vô vàn các sản phẩm. Từ máy tính, máy ảnh, điện thoại di động, radio, ti-vi, pin và vô số sản phẩm điện tử khác bị vứt bỏ đều chứa kim loại và hóa chất độc hại như chì, thủy ngân, cadmium, chromium… và các chất làm chậm sự phân hủy. Đáng chú ý là hiện nay, rác điện tử được tái chế, có đến 80% được xuất khẩu đến các nước thế giới thứ ba, trong đó có Việt Nam.

Số liệu từ các nhà sản xuất máy tính Việt Nam cho thấy, hiện đang có những đợt nhập khẩu khá ồ ạt các thiết bị CNTT đã qua sử dụng. Theo ước tính, mỗi tháng có thể có từ 40-60 container các loại màn hình và máy tính đã qua sử dụng, với đủ các nhãn hiệu được nhập vào và bán trên thị trường.

rac.jpg

Máy tính đã được “mông má” bày bán với giá rất rẻ

Hiện nay, các công ty trong nước chiếm 75% thị trường máy tính cả nước, 80% kim ngạch nhập khẩu linh kiện máy tính. Tuy nhiên, số lượng thiết bị CNTT đã qua sử dụng được nhập về hằng năm là con số không nhỏ. Trong khi đáng lẽ phải hủy bỏ, những sản phẩm này lại được "mông má" lại và bán với giá rất rẻ, từ 300.000-500.000 đồng một màn hình hay 1,5 - 1, 9 triệu đồng một bộ máy tính.

Đừng để nước đến chân mới nhảy!

Tại Việt Nam, trong khoảng mười năm gần đây, lượng máy tính đã qua sử dụng được nhập khẩu ngày càng tăng lên. Bên cạnh tác động tích cực là tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên và những người có thu nhập thấp tiếp cận với CNTT, thì rất cần chú ý đến những tác hại của rác điện tử.

Số lượng máy quá cũ, không thể nâng cấp hoặc sửa chữa để tiếp tục sử dụng là rất lớn. Chúng thường được một số nhà buôn phế liệu mua về tháo gỡ, phân thành ba loại: nhựa, sắt và những linh kiện điện tử.

Sau đó, sắt và nhựa được bán lại cho các cơ sở tái chế, còn những chi tiết điện tử khác như RAM, ổ cứng, bo mạch, bộ nguồn... thì được thợ điện tử, máy tính nhặt nhạnh để tận dụng. Sau khi được phân loại, số phế liệu không thể bán được sẽ theo các xe chở rác đô thị đưa đến các bãi rác.

Mục tiêu cao nhất của các doanh nghiệp là lợi nhuận nên để có lợi nhuận, họ đã bằng mọi cách nhập vào trong nước cả những thứ mà họ biết chắc là bị cấm. Tuy nhiên, các chế tài lại chưa đủ sức răn đe. Mức xử phạt theo Nghị định 138/NĐ-CP là 70 triệu đồng cho một lần vi phạm là mức phạt cao nhất đang được cho là tương đối nhẹ.

Thực tế đã chứng minh, thời gian qua mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng doanh nghiệp vẫn núp dưới nhiều hình thức để nhập rác về như nhập phế liệu cho sản xuất, tái nhập để tái xuất. Vì vậy, Nhà nước cần có chế tài xử phạt mạnh hơn mới đủ sức răn đe.

Để đối phó với rác điện tử, chúng ta cần có quy định riêng về rác điện tử và quy định việc giới hạn sử dụng những chất độc hại. Các văn bản này cần buộc nhà sản xuất phải thu gom sản phẩm đã qua sử dụng và giảm sử dụng chất độc hại (chì, thủy ngân, cadmium, chromium hóa trị 6, PBB và PBDE) trong sản phẩm.

Đồng thời, phải có biện pháp ngăn chặn tình hình nhập khẩu thiết bị CNTT đã qua sử dụng và có những chính sách phát triển cho ngành sản xuất phần cứng ở Việt Nam. Cụ thể là cấm nhập tiểu ngạch các mặt hàng này, kiểm tra kỹ tờ khai trong lúc làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan; cấm nhập linh kiện máy tính đã qua sử dụng; kiểm tra việc tạm nhập tái xuất các lô hàng.

Theo quy định hiện nay, hải quan làm nhiệm vụ kiểm soát hàng hóa, khi nào có yêu cầu phối hợp, Cục Bảo vệ môi trường mới vào cuộc, nên thường là xử lý khi "sự đã rồi", nghĩa là các lô hàng phế thải đã nhập vào Việt Nam.

Về mặt nguyên tắc, chất phế thải là hàng cấm đã nhập về thì không có chuyện xin phép hay phạt rồi cho phép nhập khẩu mà phải buộc xuất ra khỏi Việt Nam và trả về nước xuất khẩu. Do sự phối hợp chưa xuôi, chưa nhận thức đúng đắn về tác hại của rác CNTT, nên khâu này còn khá buông lỏng. Cần hiểu rằng những mặt tích cực của cuộc sống hiện đại chỉ mang đầy đủ ý nghĩa nếu chúng không phải trả giá bằng sự thiệt hại về sức khoẻ, môi trường.

(Theo Tin tuc Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất