Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khẳng định với quốc dân và toàn thế giới về sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện trọng đại đó, bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử đó gắn liền với vận mệnh dân tộc ta, non song đất nước ta; đã đi vào lịch sử văn hóa nhân loại và trở thành niềm tự hào vô hạn của mỗi người dân Việt Nam yêu nước.
1. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945
Năm 1945, ở trong nước sự phát triển của đội quân chính trị ngày càng hùng hậu; sự kết hợp của tự vệ cứu quốc, Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam giải phóng quân đã tạo cho phong trào cách mạng Việt Nam một sức mạnh mới. Quá trình xây dựng lực lượng gắn liền với sự phát triển của phong trào quần chúng, với những khẩu hiệu và hình thức đấu tranh thích hợp đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước tiến hành đấu tranh và thông qua đấu tranh để phát triển lực lượng. Phong trào kháng Nhật cứu nước, chiến tranh du kích, chiếm căn cứ địa, mở rộng và phát triển các khu căn cứ địa cách mạng ngày càng phát triển, đồng thời cũng là phương pháp tích cực nhất để huy động lực lượng của toàn dân cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ chín muồi.
Tháng 8/1945, thời cơ để tiến hành Tổng khởi nghĩa đã đến rất gần và lực lượng quần chúng hùng hậu cũng đã sẵn sàng cho ngày vùng lên của cả dân tộc. Giữa lúc đó, quân đội Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương hoang mang. Cơ hội ngàn năm có một và quyết tâm “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập” đã được Hồ Chí Minh khẳng định. Trên tinh thần đó, Hội nghị Toàn quốc của Đảng (13/8/1945) họp ở Tân trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Tiếp đó, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (16/8/1945) cũng đã nhất trí với chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, đồng thời bầu ra Uỷ ban dân tộc giải phóng (sau đổi thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).
Khi ấy, giữa biến chuyển mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: Thời cơ tuy đã chín muồi, song “không phải Nhật bại là nước ta được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nền độc lập hoàn toàn”[1]. Và không bõ lỡ thời cơ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã đoàn kết muôn người như một, nhất tề vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội (19/8), ở Huế (23/8), và ở Sài Gòn (25/8), v.v.. đã giáng một đòn quyết định vào tất cả các cơ quan đầu não của bọn thống trị và tay sai. Làn sóng cách mạng và sức mạnh bạo lực cách mạng của quần chúng đã làm tê liệt mọi sự kháng cự của các thế lực thù địch, xoá bỏ bộ máy chính quyền của giai cấp thống trị, thành lập chính quyền cách mạng ở Việt Nam. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 là sự vùng dậy của toàn dân, với nguồn sức mạnh vô song của khối đại đoàn kết toàn dân, được rèn luyện, hun đúc qua 3 cuộc tổng diễn tập (1930-1931), (1936-1939), (1939-1945) đã phản ánh một cách rõ nét tư duy sắc sảo, trí tuệ của Đảng và sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, việc Bảo Đại thoái vị để làm một người dân của một nước Việt Nam độc lập, đã chứng tỏ ngọn cờ độc lập, tự do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giương cao và chủ trương đoàn kết mọi lực lượng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945, bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 - Cũng giống như những áng “thiên cổ hùng văn” do ông cha để lại trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, thật hào sảng và đanh thép. Tuyên ngôn độc lập gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh và thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam mùa Thu năm 1945, đã khai sinh ra một nhà nước Việt Nam mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
2. Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử
Trước đó, với mong muốn bản Tuyên ngôn độc lập thực sự là “giấy khai sinh” Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, đêm 28/8/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập tại ngôi nhà của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô (48 Hàng Ngang, Hà Nội). Văn kiện quan trọng này được Hồ Chí Minh trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng, các thành viên Chính phủ lâm thời, trong quần chúng nhân dân và ý kiến tham khảo của A. Patti - đại diện cho quân Đồng minh.
Chỉ với hơn một ngàn từ, rất ngắn gọn và súc tích, Tuyên ngôn độc lập là văn bản pháp lý hiện đại, mang một giá trị đặc biệt, không chỉ giới hạn về quyền độc lập, tự chủ của dân tộc ta, không những có giá trị về chính trị, khẳng định độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam mà còn hàm chứa những nội dung sâu sắc, có ý nghĩa thời đại, có giá trị cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên thế giới.
Tuyên ngôn độc lập gồm: đoạn mở đầu (viết về cơ sở đạo lý và pháp lý), đoạn thứ hai (tố cáo tội ác của thực dân Pháp), đoạn thứ ba (chỉ rõ thực dân Pháp đã đầu hàng phát xít Nhật từ năm 1940), đoạn thứ tư (khẳng định Việt Minh đã chống Nhật, bảo hộ người Pháp) và đoạn cuối (là lời tuyên bố với Pháp, quân đồng minh và với thế giới) - là sự đúc kết cao nhất, cô đọng nhất nội dung cuộc cách mạng giải phóng của nhân dân ta - cuộc cách mạng đã đem lại một sự biến đổi chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc, dựng lên một xã hội tương lai không có áp bức giai cấp, không có người bóc lột người, đồng thời đưa những “thần dân” Việt Nam, những “nô lệ” An Nam trở thành chủ nhân của nước Việt Nam độc lập.
Một là, Tuyên ngôn độc lập khẳng định giá trị về quyền con người mà Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp đã nêu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển tư tưởng của nhân loại về quyền con người và quyền dân tộc. Không chỉ lựa chọn và trích dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 về tư tưởng về nhân quyền, mà Hồ Chí Minh còn “suy rộng ra”, sáng tạo và nâng lên thành “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, và “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”[2].
Giá trị dân tộc và thời đại của Tuyên ngôn độc lập chính là sự “suy rộng ra” và đó là một bước phát triển vượt bậc, vượt gộp vĩ đại của Hồ Chí Minh. Không chỉ dừng lại ở đó, trên cơ sở bổ sung và phát triển tư tưởng về quyền con người, Tuyên ngôn độc lập đã tiến tới xác lập quyền của cả một dân tộc, quyền của tất cả các dân tộc được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc, bình đẳng khi “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo kết hợp các quyền cơ bản của con người với quyền dân tộc thiêng liêng thành các quyền dân tộc cơ bản với nội dung thực chất, bao gồm các quyền về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia dân tộc”[3]. Sự sáng tạo của Người “không phải là một sự kiện riêng lẻ, cá biệt mà là một xu thế tất yếu của thời đại”[4]. Trên tinh thần đó, mọi dân tộc đều có quyền được đấu tranh, được giải phóng và giành những quyền dân tộc cơ bản như “quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Hai là, Tuyên ngôn độc lập lên án sự tàn bạo, vạch trần bản chất phản động của chủ nghĩa thực dân; khẳng định cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành thắng lợi; khẳng định vị thế độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa… Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật”. Và Người cũng khẳng định: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng Minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sự thật là dàn ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”[5].
Vì vậy, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, dân tộc Việt Nam kiên cường đấu tranh và gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít, đã giành lại độc lập từ tay phát xít Nhật: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”, thì tất yếu “có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”[6].
Ba là, kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, Tuyên ngôn độc lập khẳng định ý chí, quyết tâm giữ vững thành quả của cách mạng Tháng Tám. Sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả cuộc đấu tranh cách mạng kiên trì của nhân dân ta, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Tuy nhiên, kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất đe dọa nền độc lập của dân tộc chính là âm mưu tái xâm lược nước ta của thực dân Pháp. Vì vậy, không chỉ dừng ở việc xác lập cơ sở pháp lý của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta, nêu cao tính chính nghĩa cuộc cách mạng, Tuyên ngôn độc lập khẳng định rằng nước Việt Nam mới chỉ xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp chứ không phải xoá bỏ tất thảy mọi quyền lợi; thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp chứ không phải thoát ly tất cả. Đất nước ta chỉ mới có quyền độc lập, quyền tự do chứ chưa phải là nền độc lập, tự do thật sự, vì các kẻ thù luôn “ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”[7].
Không chỉ vạch rõ luận điệu xảo trá của bọn thực dân Pháp khi khẳng định: “Toàn dân Việt Nam trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”, Hồ Chí Minh còn chủ động ngăn ngừa từ xa âm mưu thâm độc của chúng bằng quyết tâm sắt đá: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[8] và lấy lời thề đó làm phần kết của Tuyên ngôn độc lập. Quyết tâm ấy đã được hiện thực hóa sinh động khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 - cả nước bước vào cuộc kháng chiến thần thành chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954).
3. Âm vang mãi hào khí Tuyên ngôn độc lập
Tuyên ngôn độc lập là bản anh hùng ca được cả dân tộc ta viết ra bằng máu và nước mắt, bằng sự hy sinh vô bờ bến của biết bao người; thể hiện nghị lực, quyết tâm giành và bảo vệ bằng được quyền sống trong độc lập, tự do; kết tinh truyền thống lịch sử, ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi, đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất; là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do. Đó cũng chính là sự nối tiếp của con đường tiến hóa mà nhân loại đã và sẽ đi trong hành trình giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Bản Tuyên ngôn độc lập là tư tưởng, là tâm nguyện và kết quả của hành trình tìm đường cứu nước, thực tế đấu tranh cách mạng và tư duy khoa học sắc sảo, độc đáo của lãnh tụ Hồ Chí Minh; đồng thời cũng là hiện thân sinh động sự gặp gỡ lịch sử giữa dân tộc Việt Nam giàu truyền thống và văn hiến, luôn khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, hữu nghị với một thời đại hòa bình, hợp tác, thân thiện và phát triển, luôn tôn trọng luật pháp quốc tế.
71 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, song âm hưởng hào hùng, trường tồn cùng lịch sử của Tuyên ngôn vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị dân tộc và thời đại. Từ mùa Thu năm 1945, bản Tuyên ngôn đó là mốc son mở ra một thời đại mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc; đã tạo lý, tạo thế và góp phần tạo ra lực lượng đồng tình, ủng hộ rộng rãi ở trong nước và trên thế giới đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập hào sảng, lời thề của cả dân tộc dân tộc Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” và khát vọng lớn lao “Không có gì quý hơn độc lập tự do” luôn là nguồn sức mạnh nội lực, được củng cố, bồi đắp trong cuộc trường chinh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, đã cổ vũ, động viên quân dân cả nước đồng tâm, đồng chí, đồng lòng vững bước tiến lên giành những thắng lợi mới.
Lời thề độc lập - Lời thề giữ nước thiêng liêng và tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám đã vang vọng khắp non sông, đất nước, cho đến mãi muôn đời sau. Phát huy thành quả vĩ đại của cuộc Cách mạng mùa Thu đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, đất nước ta cũng còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. Song có thể khẳng định chắc chắn rằng, đồng hành cùng lịch sử, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng những chỉ dẫn của Người sẽ được thấu triệt và vận dụng sáng tạo ở Việt Nam trong điều kiện mới, với thế và lực mới. Kế thừa những bài học kinh nghiệm lịch sử về: chớp thời cơ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nghệ thuật giành thắng lợi từng phần…trong Cách mạng Tháng Tám; tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn quốc tế, kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại..., dưới sự lãnh đạo của một Đảng tiền phong, trong sạch, vững mạnh, nhất định chúng ta sẽ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững./.
TS Văn Thị Thanh Mai
---------------------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.7, tr.561.
[2] [5] [6][7] [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.4, tr.1, 3, 1-2, 4, 4.
[3] [4] Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Những giá trị và ý nghĩa thời đại, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1996, tr.55, 24.