Trải qua 30 năm đổi mới, giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam đã có bước
tiến vượt bậc về chất và lượng. Tuy nhiên, để có một nền GDĐH đáp ứng
nhu cầu mới của xã hội và theo kịp xu hướng của thời đại, thì giải pháp
giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo
sẽ là động lực cho các trường ĐH phát triển.
Trong buổi thăm và làm việc với Trường
ĐH Thái Nguyên ngày 13/12/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhấn
mạnh, chỉ có tự chủ một cách toàn diện, các trường ĐH mới có bước phát
triển đột phá.
Vì sao phải tự chủ giáo dục ĐH?
Tự chủ ĐH đã và đang được các nước tiên
tiến trên thế giới áp dụng từ nhiều thập kỷ qua. Điều đó được thể hiện
qua các báo cáo của WB (Fielden, 2008), UNESCO (Martin, 2013), Hiệp hội
các trường ĐH châu Âu (Estermann và Nokkala, 2009) về việc xu hướng cắt
giảm can thiệp của quản lý nhà nước, tăng cường giao quyền tự chủ cho
các trường.
Nghiên cứu của Martin (2013) cho thấy,
các nước châu Á đều xem tự chủ ĐH như là một giải pháp hiệu quả để đổi
mới GDĐH, giúp nâng cao tính cạnh tranh của các trường ĐH. Việc tự chủ
về quản trị, tổ chức, chương trình đào tạo, nhân sự đã giúp các trường
giảm phụ thuộc ngân sách nhà nước trong hoạt động.
Có vai trò quan trọng trong việc thúc
đẩy phát triển kinh tế-xã hội, yêu cầu bắt buộc đặt ra cho GDĐH của mỗi
quốc gia là phải phát triển về quy mô, trở nên đa dạng về loại hình và
quản trị trường ĐH phải đáp ứng được trong một hệ thống đa dạng nhiều
thành phần công và tư, quy mô lớn. Khi đó, để tạo động lực cho sự phát
triển, tự chủ ĐH chính là xu hướng mang tính toàn cầu trong quản trị
giáo dục ĐH.
Ở Việt Nam, vấn đề tự chủ ĐH đã được
Chính phủ đặt ra từ năm 2005 với việc ban hành Nghị quyết 14/2005/NQ-CP
ngày 2/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn
2006-2020. Theo đó, đổi mới toàn diện công tác quản lý giáo dục, đào tạo
theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo
dục, đào tạo; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính nâng cao hiệu quả đầu
tư để phát triển giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết
đối với giáo dục nghề nghiệp và GDĐH; tiến tới bình đẳng về quyền được
nhận hỗ trợ của Nhà nước đối với người học ở trường công lập và trường
ngoài công lập.
Hiện nay, đã có 23 trường ĐH công lập
được tự chủ trên cơ sở Nghị quyết 77/NQ-CP và đã khẳng định được sự phát
triển của mình. Tuy nhiên, vấn đề tự chủ ở ĐH tư thục đang còn nhiều
vướng mắc nên chưa thực sự tạo động lực cho hệ thống này phát triển mạnh
mẽ hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu chung của giáo dục ĐH và của xã hội.
Đẩy mạnh tự chủ đối với ĐH tư thục
Có thể thấy, Luật Giáo dục ĐH 2012 là
một bước tiến lớn trong quản trị ĐH khi khẳng định quyền tự chủ của các
trường ĐH. Cho đến nay, mặc dù các trường ngoài công lập vẫn chưa có
trường nào được tự chủ hoàn toàn và chưa có khung quy định dưới Luật,
nhưng cũng đã có những đổi mới về quyền tự chủ ở một số lĩnh vực hoạt
động của nhà trường.
Tuy vậy, thực trạng hoạt động các trường
ĐH tư thục cho thấy, để thực sự tạo đòn bẩy để phát triển hệ thống giáo
dục này, Luật Giáo dục ĐH 2012 cần sửa đổi nhiều điểm để đẩy mạnh quyền
tự chủ của các trường.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, hiệu
trưởng trường ĐH tư thục cho rằng, tăng tính tự chủ cho các trường ĐH tư
thục không chỉ tạo sự công bằng giữa trường công và trường tư, mà còn
tạo động lực để các trường ĐH tư thục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu
trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trải qua 30 năm đổi mới giáo dục đào
tạo và xã hội hóa giáo dục, các trường ĐH ngoài công lập đã đóng góp một
phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tỷ
lệ sinh viên theo học các trường ĐH tư thục chiếm 13,5%, số trường ĐH
tư thục đạt 84/400 (21%).
Là một trường ĐH tư thục với gần 20 năm
hình thành và phát triển, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đóng góp một
số thành tích đào tạo, nghiên cứu đáng kể cho sự phát triển của khối
ngoài công lập như: Là trường ĐH tư thục đầu tiên tại khu vực phía Nam
đạt chuẩn chất lượng của Bộ GD&ĐT, là một trong 3 trường ĐH tại Việt
Nam được tổ chức QS-Stars (Anh quốc) công nhận đạt chuẩn 3 sao.
Bàn vể điểm mấu chốt trong tự chủ của ĐH
tư thục, GS.TS. Hoàng Xuân Sính, Trường ĐH Thăng Long cho rằng, tự chủ
tài chính là vấn đề then chốt đối với một trường ĐH tư thục. Theo ông
Sính, khi tự chủ được tài chính, xây dựng được tiềm lực tài chính, nhà
trường mới có thể từng bước xây dựng cơ sở vật chất và xây dựng đội ngũ
giảng viên và tập trung vào nghiên cứu khoa học. Tính đặc thù của trường
ĐH tư thục khác với một doanh nghiệp chính là việc đầu tư cho đội ngũ
giảng viên, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, để từ đó nâng cao chất lượng
đào tạo của nhà trường./.
Theo chinhphu.vn