Đã nhiều năm, trong các loại tuyên bố, phúc trình, báo cáo và phát
ngôn, trả lời phỏng vấn,... của một số tổ chức, cá nhân, thậm chí một số
chính phủ, về vấn đề nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam, khái niệm “tù nhân
lương tâm” được sử dụng như một cơ sở pháp lý nhằm hướng đến mục đích
duy nhất là biện hộ cho một số người ở Việt Nam có hành vi vi phạm pháp
luật và đã bị tòa án nhân dân (TAND) xét xử, tuyên án vốn chung mục đích
hoặc đồng lõa với hành vi của mình...
Dù Người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Việt Nam và đại diện cơ quan chức năng liên quan nhiều lần khẳng định,
chứng minh ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, không có
người vì bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ, và như các quốc gia trên thế
giới, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo
pháp luật, nhưng sự thật và chứng lý đó luôn bị phớt lờ.
Bởi vậy, mỗi
khi TAND ở Việt Nam xét xử, tuyên án một hoặc một nhóm người có hành vi
vi phạm pháp luật với các tội danh liên quan hoạt động chính trị, chống
phá Nhà nước thì AI bèn trưng ra cái gọi “tù nhân lương tâm” yêu cầu
Việt Nam “phải trả tự do vô điều kiện, ngay lập tức” cho số người này
nhằm vu cáo Nhà nước Việt Nam.
Ðiểm qua số người ở Việt Nam được AI gắn nhãn hiệu là “tù nhân lương
tâm” rồi nhất mực bảo vệ, nổi lên có: Thích Quảng Ðộ, Nguyễn Ðan Quế, Lê
Công Ðịnh, Nguyễn Văn Lý, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc
Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn
Hải, Hoàng Ðức Bình, Huỳnh Trương Ca... Ðiểm chung giữa các cá nhân này
là họ cùng có hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ vào tội danh được xác
định cụ thể trong luật pháp Việt Nam, TAND đã công khai xét xử, tuyên
án.
Cũng cần nhắc đến một điểm chung nữa, sau khi đã được hưởng lượng
khoan hồng của Nhà nước Việt Nam, một số “tù nhân lương tâm” đã ra nước
ngoài định cư thì “lương tâm” cũng biến mất, “tinh thần đấu tranh” vốn
trước đó được AI ca ngợi, cổ vũ, khích lệ, bảo vệ hầu như không còn. Nên
có chuyện bi hài là cuối năm 2018, trong khi vẫn tiếp tục sử dụng khái
niệm “tù nhân lương tâm” để vu khống Việt Nam mỗi khi cần thiết, tổ chức
khủng bố “Việt tân” cũng làm một tổng kết, thừa nhận đó là những người
bị kết án, bị cáo buộc vì đã “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, tuyên
truyền chống Nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ, gây rối trật tự
công cộng, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”... Càng bi hài hơn vì
qua tổng kết này, tổ chức khủng bố “Việt tân” đã trực tiếp cung cấp cho
AI chứng cứ để thấy đó là số người vi phạm pháp luật Việt Nam, hành vi
của họ không chút gì dính líu với những giá trị của lương tâm.
Thực tế, trên thế giới, dù làm việc hay sinh sống bất kể đâu thì khái
niệm lương tâm con người vẫn thuộc về phạm trù đạo đức. Và dù có khái
quát trừu tượng đến đâu vẫn phải nhìn nhận, đánh giá lương tâm trên cơ
sở thực hành, gìn giữ các giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.
Từ
góc nhìn nhân tính, không thể gọi là người có lương tâm khi “công khai
hoạt động chống phá chính quyền, biến nơi ở thành nơi làm ra, tàng trữ,
lưu hành, phát tán nhiều tài liệu, hoạt động chống phá Nhà nước, thành
lập cái gọi là đảng "Thăng tiến Việt Nam", móc nối, cấu kết các thế lực
phản động trong và ngoài nước chống đối Nhà nước, đi ngược lại lợi ích
của nhân dân, của dân tộc” như Nguyễn Văn Lý; “lợi dụng các quyền tự do
dân chủ, kích động nhân dân chống chính quyền, chống chế độ, gây phương
hại tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội” như Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh; “đưa ra đường lối, các kế hoạch hoạt động nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân, cấu kết với đối tượng cầm đầu tổ chức phản động lưu vong ở
nước ngoài để bàn bạc, thống nhất phương thức hoạt động để lật đổ chính
quyền nhân dân...” như Trần Huỳnh Duy Thức; “thường xuyên đăng tải, chia
sẻ trên Facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu
chế độ, cổ vũ đa nguyên, đa đảng; kích động người dân Giáo xứ Trung
Nghĩa (Hà Tĩnh) bao vây, tiến công tổ tuần tra của công an, đập phá tài
sản nhà trưởng công an xã, kéo lên trụ sở Công an huyện, UBND huyện Lộc
Hà (Hà Tĩnh) gây mất trật tự an ninh” như Hoàng Ðức Bình; “chia sẻ, phát
tán bài viết, video, hình ảnh có nội dung kích động, xuyên tạc sự
thật, tuyên truyền luận điệu phản động, trái với đường lối, chủ trương
của Ðảng và Nhà nước, nhận được sự hỗ trợ, cung cấp tài chính từ các cá
nhân cực đoan, tổ chức phản động trong và ngoài nước số tiền là 92,1
triệu đồng, 5.264 USD” như Nguyễn Văn Hóa...
Với các tội danh nêu trên, chỉ
riêng âm mưu lật đổ chế độ, tiến công lực lượng chức năng, đập phá trụ
sở chính quyền thì ở bất kỳ quốc gia nào cũng không thể dung thứ, bắt
buộc phải đem ra truy tố, xét xử trước pháp luật để bảo đảm sự ổn định
và phát triển của xã hội, sự an toàn và yên bình cho cuộc sống người
dân. Thế mà, thật khó lý giải, AI lại coi đây là hành động của “nhà hoạt
động xã hội và môi trường, người hoạt động ôn hòa, thực thi quyền tự do
bày tỏ ý kiến nhằm thúc đẩy nhân quyền”, rồi dựa vào đó để gắn nhãn
hiệu “tù nhân lương tâm”, hô hào cứu giúp.
Bỏ qua sự phản đối và lên án về cách hành xử của AI của rất nhiều
nước trên thế giới, chỉ tính riêng phạm vi Việt Nam, xem xét liên hệ
giữa thời gian sự kiện và thái độ của AI với Việt Nam, phải khẳng định
càng gần đây AI càng tỏ ra ngạo mạn một cách vô lối, và hung hăng một
cách bất thường.
Hầu như mọi sự kiện ở Việt Nam, nhất là sự kiện liên
quan pháp luật, AI đều tìm cách can thiệp, phê phán, xuyên tạc... Như
với Luật An ninh mạng của Việt Nam, AI vừa gửi thư ngỏ tới Microsoft,
Apple, Google, Facebook, Samsung yêu cầu những công ty này “tạo áp lực
lên Nhà nước Việt Nam”, vừa gửi “thư ngỏ” tới Quốc hội Việt Nam để phản
đối.
Dù không được mời dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tháng
9/2018 tại Hà Nội, AI vẫn cố cử người đến Việt Nam, khi không được nhập
cảnh thì lập tức la lối vu cáo.
Ngày 9/3/2019, sau khi cơ quan công an
thông báo về việc bắt giữ Hà Văn Nam để điều tra hành vi “gây rối trật
tự công cộng”, lập tức AI đã gắn cho người này nhãn hiệu “tù nhân lương
tâm” và đòi “phải trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện”.
Thậm chí trước,
trong và sau phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm của TAND xét xử Từ Công
Nghĩa, Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Ðức Ðộ, Phan Trung vì
có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, thành lập tổ chức phản động với
tên gọi “liên minh dân tộc Việt Nam”, tuyên truyền đả kích, bôi nhọ,
xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước nhằm xóa
bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước CHXHCN
Việt Nam, AI cũng tỏ ra rất xăng xái với đủ loại tuyên bố, yêu cầu mà
tác dụng duy nhất là giúp hệ thống truyền thông của các thế lực thù địch
với Việt Nam có thêm “tài liệu” để làm rùm beng, vu cáo, xuyên tạc...
Năm 2014, đề cập cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam theo quan
niệm của AI, Kim Âu - một kẻ nổi tiếng chống cộng, đưa ra ý kiến: “gọi
chúng là tù nhân lương tâm thì sai mà nên sửa lại là tù nhân lương tháng
mới đúng”! Ý kiến của Kim Âu dựa trên điều ông ta cho rằng những “tù
nhân lương tâm” này không quan tâm đến nhân quyền, mà chỉ hoạt động để
kiếm tiền tài trợ của nước ngoài. Ðiều này là có cơ sở, vì chính “tù
nhân lương tâm” được AI o bế từng thừa nhận.
Như Tạ Phong Tần kể “viết,
trả lời cho các đài phát thanh BBC, RFI, RFA trên 100 bài. Cứ mỗi bài,
BBC trả 28 bảng Anh (khoảng 40 USD). Tổng cộng từ năm 2007 đến nay, tôi
đã nhận được gần 15.000 USD từ nhiều báo, đài”. Hồ sơ vụ án Trần Khải
Thanh Thủy cho biết chị ta “đã nhận ít nhất 12.350 USD, 200 euro, 400
AUD từ các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong; nhận 1.600 USD, 400 AUD
từ bên ngoài với mục đích mua chuộc, lôi kéo người khiếu kiện”. Sau khi
được ra nước ngoài định cư, trong bài “Cây muốn lặng, gió chẳng đừng”,
Trần Khải Thanh Thủy đã công khai cho biết trong thời gian “đấu tranh
cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”, các khoản lương hằng tháng người
này được chu cấp bao gồm: tổ chức khủng bố “Việt tân” 200 USD, Bích
Huyền 400 USD, báo Người Việt 200 USD (kể cả khi ngồi tù Trần Khải Thanh
Thủy vẫn được nhận khoản lương này), “từ Ðàn chim Việt đến Viet Tide,
Người Việt, Thời báo,... bèo nhất cũng trả 25 USD, cao nhất là 80 đến
100 USD/bài, còn lại từ 30 đến 50 USD một bài”. Và ngày 22/1/2019, người
có biệt danh (nickname) Hao Duc Nguyen viết trên Facebook cá nhân kể
sau khi sang Mỹ, Cù Huy Hà Vũ: “xin tiền thành lập chính phủ. Viết hiến
pháp mới cho nước Việt trong tương lai. Tiền giấy tờ, tiền thuê thư ký,
đánh máy, văn phòng,... một tháng chừng 4.500 USD”...
Do vậy, chỉ có thể
kết luận đó là những người buôn lương tâm, và thực tế (cũng như với các
cá nhân này) AI cũng chỉ như một thế lực có vai trò giúp biện hộ cho
những việc làm bất minh.
Xét đến cùng, lương tâm là nền tảng tinh thần để mỗi người tự điều
hướng suy nghĩ, hành động. Người có lương tâm sẽ thực hiện hành vi đúng
đắn, lành mạnh, góp điều tốt đẹp với cuộc sống, cùng mọi người phấn đấu
xây dựng xã hội ngày càng ổn định, phát triển. Thậm chí, nếu cần phải
phê phán cũng thực hiện với tinh thần thiện chí, cầu thị, không manh
động, không lợi dụng quyền cá nhân để làm điều xấu, gây tác hại với cuộc
sống của người khác, làm rối loạn, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự, an
ninh xã hội. Vì thế, trong xã hội đã nảy sinh hai khái niệm đối lập nhau
là lương tâm và vô lương tâm.
Từ thái độ, việc làm của AI với cộng đồng
quốc tế và với Việt Nam, hoàn toàn có thể đặt các câu hỏi: Phải chăng
AI quan tâm bảo vệ hành vi vô lương tâm vì có lợi cho mục đích của mình
hơn là việc ca ngợi, bảo vệ hành vi mang dấu ấn của lương tâm. Và cũng
vì lẽ đó, AI sẵn sàng bao bọc người vi phạm pháp luật, cố tình làm chỗ
dựa cho một số người, biến lương tâm thành món hàng để trục lợi.
Tất
nhiên, chỉ những người đang tổ chức, điều hành AI mới hoàn toàn có thể
trả lời đầy đủ các câu hỏi này, cũng như chỉ có họ mới là yếu tố quyết
định AI có hành xử thực sự xứng đáng. Và đương nhiên, cũng chỉ họ mới
điều chỉnh được lương tâm của chính AI trước khi phán xét và gắn tên
tuổi của bất kỳ cá nhân nào trên thế giới này với khái niệm lương tâm./.
(Xem bài 1: Nói một đằng, làm một nẻo)
Phạm Nguyễn (nhandan.com.vn)