- Họp hành mỗi năm có vài cuộc quan trọng, mà con giai bố “xuống phong độ” thế? Cần bố tư vấn thêm gì không nào?
- Cũng chẳng có gì lớn bố ạ. Ấy nhưng chuyện nhỏ lại thành to mới buồn!
- Là sao? Nói kỹ bố xem.
- Bên con hôm rồi họp sơ kết sáu tháng đầu năm mà cứ như “mổ trâu, mổ bò”. Gần 10 năm công tác ở đây, con chưa từng thấy hiện tượng này. Hay tại mọi người nghĩ con mới lên chức vài tháng, nên muốn “thử cân não” con bố nhỉ?
Ai lại vào cuộc họp, sau khi con trình bày gợi ý vài nội dung để sơ kết, nhận xét, một số cô chú “cứng tuổi”, vốn có thâm niên lâu năm, từ nhẹ nhàng, sau “tăng âm lượng”, rồi đứng lên đập bàn, to tiếng với nhau. Từ tranh luận hai bên, để xem ai làm tốt hơn, nhiều hơn, rồi chuyển sang không khác gì cãi nhau tay đôi, xúc phạm lẫn nhau. Thấy tình hình căng, con đứng dậy ngắt lời, lên tiếng để giữ nhịp cuộc họp, thì cũng chính mấy cô chú lại cho rằng, con ngăn cản quyền tự do phát biểu, thiếu dân chủ, áp đặt. Chẳng có cách nào khác, con buộc phải dừng họp giữa chừng, hoãn sang hôm khác, lấy lý do để mọi người bình tĩnh lại…
- À ra thế. Thế giờ con trai bố - ông kỹ sư trưởng định như thế nào nói bố nghe!
- Con chắc sẽ gặp riêng từng người để làm “tư tưởng”, đả thông, phân tích. Con nghe lời bố từng nói trước đây, có những vấn đề cần nói riêng, có lý lẽ, tình cảm, để họ hiểu, có những việc lại phải nói chung, bàn chung để tìm sự đồng thuận. Nhưng nói như thế nào thì con đang nghĩ. Các cô chú ấy cũng lâu năm rồi, sẵn sàng “choang” luôn chứ không nể nang đâu.
Vừa nhâm nhi chén trà, ông bố vừa rủ rỉ vỗ vai con:
- Bố nói thế này con thấy được không nhé. Trước hết, con cần xem nội dung cuộc tranh luận đó đúng hay sai? Nếu đúng thì ghi nhận, xem xét. Nếu sai, phải chấn chỉnh, vạch rõ, mà cái này cần phân tích chung ở cuộc họp để tập thể đồng thuận, phân tích với cá nhân để họ thực sự thuyết phục, hiểu thấu. Sau đến, thái độ khi phát biểu. Con đang lăn tăn cái mà họ ngụy biện, họ chất vấn lại anh về quyền tự do ý kiến phải không?
Anh con trai gật gật đầu:
- Vâng ạ, đúng rồi bố!
- Thế này con trai nhé, “Tự do là một trạng thái mà bất kỳ ai cũng mong muốn và hướng tới. Tuy nhiên, tự do luôn mang tính nhân văn sâu sắc, phải đặt trong mối quan hệ với các cá nhân khác, với tập thể, với xã hội. Tự do phải xây dựng trên cơ sở của sự tôn trọng. Xã hội, tập thể tôn trọng cá nhân, nhưng ngược lại cá nhân này phải tôn trọng cá nhân khác cũng như tập thể. Con công nhận như thế không?”
Quay lại trường hợp của phòng con, bố thấy thế này. Ai cũng có quyền tự do phát ngôn, tự do đánh giá, nhận định, nhưng phải trong khuôn khổ. Tự do đó phải tuân thủ quy định, quy chế, quy ước của cơ quan, tập thể. Tự do phát ngôn trên cơ sở tôn trọng nhau, tôn trọng tập thể, nói cách khác, tự do được thể hiện một cách có văn hóa. Ở đây, trong khuôn khổ cuộc họp, có sự chủ tọa của con là trưởng phòng, mà hai, ba hay hơn số người đó đứng lên to tiếng, cãi vã không trên tinh thần xây dựng, lợi dụng “tự do phát ngôn”, lợi dụng quy chế dân chủ để vượt lên trên cả tự do, dân chủ, thì phải chăng “tự do” đã trở thành “tùy tiện”. Mà đã là “tùy tiện” thì ranh giới của sự tôn trọng, của văn minh, của văn hóa không còn nữa. Trên thực tế, từ “tự do” tới “tùy tiện” rất gần! Nhân danh “tự do” để “tùy tiện” trong tranh luận, trong trao đổi, trong đánh giá, để “lớn tiếng”, gây gổ, thậm chí văng tục trong cuộc họp như con nói là “điểm trừ”. Cần phải phê bình, uốn nắn nghiêm túc, cho dù đó là những cá nhân có thâm niên công tác.
Đối với riêng con, còn trẻ, giữ vị trí lãnh đạo, cần thể hiện rõ vai trò đầu tàu, vai trò “cầm chịch”, giữ nhịp cho phòng, góp phần xây dựng văn hóa cho tập thể. Dứt khoát cần loại bỏ những biểu hiện tùy tiện, lấy danh nghĩa “tự do” vì sự tự mãn, nóng nảy của bản thân mà xâm phạm sự tự do, xâm phạm trạng thái văn hóa, văn minh của tập thể. Con nên bàn bạc với tập thể lãnh đạo, với chi ủy, với công đoàn của phòng để thống nhất hướng xử lý tình huống vừa rồi.
- Bố làm con “sáng” ra bao nhiêu! Con hiểu rồi bố ạ!
- Hiểu rồi, thì “ông” kỹ sư trưởng tập trung mà điều hành hôm tới cho “ra ngô, ra khoai”, rồi về báo cáo bố nhé!
Song Minh