Chủ Nhật, 24/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 14/2/2018 9:50'(GMT+7)

Công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ

Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngay trước thềm Hội nghị Trung ương 6, Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan đi tiên phong trong thực hiện chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý với việc công khai tổ chức thi tuyển các chức danh Vụ trưởng: Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III. Kỳ thi đã giúp Ban Tổ chức Trung ương có thêm căn cứ lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, thực sự am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức, có uy tín, xứng đáng với vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm. Qua đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. 

Đánh giá về thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý tại các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng thi tuyển Nguyễn Thanh Bình cho rằng, qua thi tuyển góp phần phát hiện kịp thời và chọn đúng người có đức, có tài, không để lãng phí cán bộ, không để "chảy máu" chất xám và là đột phá quan trọng trong công tác cán bộ. 

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, đối tượng được đăng ký dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức nằm trong quy hoạch ở các chức danh cùng cấp hoặc tương đương, "nhưng không giới hạn trong phạm vi cơ quan, đơn vị đó mà mở ra bao gồm cán bộ, công chức, viên chức đã được quy hoạch ở các vị trí, chức vụ tương đương, đang làm việc trong cùng bộ, ban, ngành, địa phương nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định" đã góp phần làm tăng tính cạnh tranh trong công tác tuyển chọn cán bộ. Công tác chuẩn bị nhân sự ứng tuyển, công tác tổ chức thi tuyển đảm bảo khách quan, công tâm, minh bạch, thực chất, bỏ được tính hình thức hay tình trạng "quân xanh, quân đỏ" diễn ra trong một số kỳ thi tuyển trước đây; tránh được tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm; khắc phục được hiện tượng để lọt cán bộ "chạy ghế, chạy chức", tình trạng thao túng, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác cán bộ. 

Chuyển động tích cực sau kỳ thi của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ là cơ quan thứ hai thực hiện thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ Nguyễn Quốc Khánh cho biết, thay vì thi tuyển 3 chức danh phó vụ trưởng theo kế hoạch đã định, gồm Phó Vụ trưởng các Vụ Tiền lương; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Hợp tác quốc tế, năm 2017, Bộ Nội vụ chỉ thi tuyển hai chức danh lãnh đạo gồm Phó Vụ trưởng các Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Hợp tác quốc tế. Vị trí Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương chưa thực hiện thi tuyển do các ứng cử viên chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Bộ Nội vụ. Điều này đã thể hiện sự nghiêm túc, công tâm, trách nhiệm để tìm ra những cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không chạy theo chỉ tiêu, số lượng trong tổ chức thi tuyển của Bộ Nội vụ. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định thi tuyển cán bộ lãnh đạo nhằm phát hiện, thu hút, tuyển chọn, bổ nhiệm được người có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ, tránh tình trạng bổ nhiệm khép kín, cục bộ. 

Mới đây, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã tổ chức thi tuyển chọn một vị trí Vụ trưởng và ba vị trí Phó Vụ trưởng. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang đánh giá đây là bước đổi mới trong việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo của Tòa án nói chung và Tòa án nhân dân tối cao nói riêng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Quy chế 02 về việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng. Theo đó, từ nay đến hết quý I năm 2020, việc bổ nhiệm mới từ vị trí cán bộ giữ chức danh thấp lên chức danh cao hơn ở Quảng Ninh bắt buộc phải thực hiện thông qua thi tuyển. Bộ Tài chính cũng ban hành Quyết định thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo nhằm chọn được người giỏi nhất trong số những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi để bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn. 

Qua thực hiện thí điểm cho thấy chỉ đạo của Ban Bí thư về chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và đã có hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Tất cả đều hướng tới một mục tiêu cao nhất đó là lựa chọn được những người xứng đáng, có đức, có tài, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Công khai thi tuyển đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, cũng như khắc phục tình trạng thao túng, lạm quyền, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác này. Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý mới chỉ là khâu đầu tiên trong công tác cán bộ. Quan trọng hơn là sau thi tuyển, cần có cơ chế kiểm soát, giám sát quá trình làm việc của những người được bổ nhiệm thông qua thi tuyển./. 

Quỳnh Hoa/TTXVN 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất