Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 14/7/2024 9:39'(GMT+7)

Tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ đổi mới

Từ sau Đại hội VI (năm 1986) đến nay, tư duy lý luận của Đảng về vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng rõ ràng, sâu sắc, mang tính khái quát cao. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Từ sau Đại hội VI (năm 1986) đến nay, tư duy lý luận của Đảng về vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng rõ ràng, sâu sắc, mang tính khái quát cao. (Ảnh minh họa: TTXVN)

ĐẶT VẤN ĐỀ

Kinh tế tư nhân (KTTN) là hình thức tổ chức kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm các loại hình kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Đây là một thành tố quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Tại Đại hội VI (năm 1986), Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, tập trung vào đổi mới kinh tế và mở đường cho KTTN tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế. Các chủ trương và chính sách mới được ban hành nhằm khuyến khích sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có KTTN. Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh KTTN là một phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân và việc phát triển KTTN là một khâu đột phá nhằm xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN. Sự tham gia của KTTN là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, CNH, HĐH và tăng cường năng lực nội tại của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu.

Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và cho phép KTTN tồn tại và phát triển là một bước tiến trong tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Nhờ những chủ trương, chính sách đổi mới tích cực và hiệu quả của Đảng và Nhà nước, khu vực KTTN đã có những đóng góp rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế một cách cân bằng và hài hòa với các giá trị xã hội. KTTN giúp giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phân công lao động xã hội và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Ngoài ra, khu vực KTTN có tính năng động, tranh thủ được mọi nguồn lực trong xã hội nhằm cải thiện đời sống của nhân dân, tăng thu ngân sách nhà nước và thực hiện các chủ trương xã hội hóa trong y tế, văn hóa, giáo dục. Tất cả những đóng góp này không chỉ góp phần vào sự ổn định chính trị và xã hội của đất nước, mà còn từng bước hiện thực hóa mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TƯ DUY LÝ LUẬN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ KINH TẾ TƯ NHÂN

Sau Đại hội VI (năm 1986), nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có sự thay đổi cơ bản, KTTN ở Việt Nam không còn bị “cấm cản” mà dần được tự do sản xuất, kinh doanh. Đại hội VI nhấn mạnh: “Phải có chính sách mở đường cho người lao động tự tạo ra việc làm, kích thích mọi người đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm tiêu dùng để tích lũy tái sản xuất trên quy mô toàn xã hội”(1). Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 15/7/1988 của Bộ Chính trị khóa VI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI tiếp tục khẳng định phát triển KTTN nhằm mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc gia và nâng cao đời sống người dân.

Tuy nhiên, KTTN mà nòng cốt là kinh tế tư bản tư nhân (doanh nghiệp tư nhân) chỉ thực sự được thừa nhận và tham gia vào nền kinh tế Việt Nam sau khi Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 12/1990 (có hiệu lực từ ngày 15/4/1991). Điều 3, Luật doanh nghiệp tư nhân nhấn mạnh: “Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thừa nhận sự bình đẳng trước pháp luật của doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp khác và tính sinh lợi hợp pháp của kinh doanh. Trong khuôn khổ pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tự do kinh doanh và chủ động trong mọi hoạt động kinh doanh”(2). Đây là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên chính thức thừa nhận sự tồn tại khách quan của bộ phận cơ bản nhất thuộc khu vực KTTN trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Điều này đã tạo điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN quy mô lớn được thành lập và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại hội VII (tháng 6/1991) tiếp tục nhận thức sự cần thiết phải phát triển kinh tế nhiều thành phần để giải phóng và phát huy mọi tiềm năng sản xuất, đồng thời đánh giá khách quan, đúng đắn về thành phần KTTN. Đại hội VII khẳng định: “Kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước”(3). Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 của Đại hội VII nhấn mạnh: “Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”(4). Như vậy, đến Đại hội VII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức khá rõ về vị trí, vai trò của KTTN và khích lệ, tạo điều kiện tốt nhất cho KTTN phát triển.

Cơ sở pháp lý quan trọng và có hiệu lực cao nhất bảo đảm cho sự phát triển lâu dài và bình đẳng đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi nền kinh tế là Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp đã ghi nhận sự tồn tại của thành phần “kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân” và thừa nhận nhiều hình thức sở hữu, bảo hộ vốn và tài sản hợp pháp của người kinh doanh. Hiến pháp năm 1992 đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển ổn định, lâu dài của KTTN ở Việt Nam.

Đại hội VIII tiếp tục khẳng định tất cả các thành phần kinh tế được đối xử một cách bình đẳng, công bằng. Trong đó, tạo điều kiện về vốn, hành lang pháp lý, thủ tục hành chính… để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư sản xuất, đặc biệt nhấn mạnh: kinh tế cá thể, tiểu chủ có vị trí quan trọng, lâu dài.

Trên cơ sở đường lối và quan điểm của Đảng đối với KTTN, Nhà nước Việt Nam đã có những đổi mới về cơ chế, chính sách để phát triển KTTN, đặc biệt là việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2000) thay cho Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1991. Trên cơ sở đó, Nghị định 02/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/2/2000 về việc hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các thành phần kinh tế phát triển, trong đó có thành phần kinh tế tư bản tư nhân. Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2000 đã đánh dấu bước ngoặt mới nhằm thúc đẩy KTTN phát triển ở tầm cao. Đại hội IX (năm 2001) tiếp tục nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của thành phần KTTN: “Kinh tế tư bản tư nhân được khuyến khích phát triển không hạn chế về quy mô trong những ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn mà pháp luật không cấm”(5).

Tiếp tục khẳng định những đóng góp quan trọng của KTTN, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội IX, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 về "Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Hội nghị đánh giá cao vai trò của KTTN, coi KTTN là bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế quốc dân. Thông qua việc phát huy tính năng động, sự sáng tạo, khả năng thích ứng của khu vực KTTN tạo thêm động lực đưa nền kinh tế Việt Nam vươn lên tầm cao mới, với nhiều cơ hội phát triển, qua đó tăng tốc độ tăng trưởng GDP, mở ra nhiều cơ hội việc làm, xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực…

Từ thực tế đúc kết kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Đại hội X (năm 2006) khẳng định: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”(6). Đảng chủ trương “xóa bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm”(7).

Tại Đại hội VI (năm 1986), lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam có quan niệm mới về vai trò, vị thế của KTTN, thì sau 20 năm, tại Đại hội X (năm 2006), Đảng đã có nhận thức mới về KTTN khi thừa nhận KTTN là “một trong những động lực của nền kinh tế”. Quan điểm này là một bước phát triển cao về chất, ghi nhận sự tiến bộ trong tư duy lý luận của Đảng về KTTN. Nói cách khác, đến Đại hội X, nhận thức về phát triển KTTN của Đảng ta đã được bổ sung, hoàn thiện, toàn diện hơn và có cách nhìn đa chiều cả về khung pháp lý, cơ sở lý luận và thực tiễn. Mặt khác, Đảng cũng chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế lớn, có sự tham gia của KTTN trong và ngoài nước. Đây là một sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của Đảng, hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan nhằm tăng cường hiệu suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Điểm đột phá ấn tượng nhất là Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28/8/2006 về "Đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Việc Đảng cho phép đảng viên làm KTTN là một quyết sách đúng đắn, mở rộng ranh giới, phá vỡ những giới hạn truyền thống trong tư duy của Đảng. Tuy nhiên, đảng viên phải gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Đại hội XI của Đảng (năm 2011) diễn ra trong một thời điểm có ý nghĩa trọng đại. Công cuộc đổi mới đất nước đã trải qua 25 năm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã thực hiện được 20 năm. Để phát triển đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, Đại hội XI đã làm rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn trong phát triển thành phần KTTN: “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”(8). Nghị quyết Đại hội XI tiếp tục nhấn mạnh vai trò của KTTN: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật”(9). Để KTTN thực sự phát triển và hoạt động hiệu quả, Đại hội XI đã ưu tiên phát triển các loại hình KTTN ở hầu hết các lĩnh vực, các ngành, đặc biệt nhấn mạnh “hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trang trại, hộ sản xuất kinh doanh”(10).

Vị trí, vai trò của KTTN đối với nền kinh tế quốc dân một lần nữa được nâng lên tầm cao mới trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng (năm 2016). Đây là kết quả của quá trình nhận thức và đổi mới tư duy của Đảng. Điểm mới của Đại hội XII so với các nhiệm kỳ đại hội trước là: Đảng khẳng định KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Đại hội nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp”(11). Cũng từ đây, khái niệm tập đoàn KTTN xuất hiện. Thông qua việc không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện một tư duy tiến bộ với những nhận thức mới. Điều này tạo ra cơ hội và môi trường lý tưởng cho KTTN tiếp tục phát triển trên quy mô xứng tầm, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của đất nước.

Để phát triển KTTN trong tình hình mới, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết khẳng định, KTTN ở Việt Nam đã không ngừng phát triển, có nhiều ảnh hưởng tích cực, đóng góp vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Đảng ta ngày càng có cái nhìn sâu sắc, tích cực và toàn diện hơn về vị trí và vai trò của KTTN. Hệ thống pháp luật, cơ chế, và chính sách từng bước được cải thiện và hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để KTTN có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của KTTN có xu hướng giảm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sức cạnh tranh thấp, cơ cấu ngành nghề bất hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu tính minh bạch. Từ đó, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII nêu rõ: Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết, KTTN đã có sự phát triển nhanh chóng và có nhiều đóng góp cho nền kinh tế, tạo việc làm và cải thiện an sinh xã hội.

Đến Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta đã nhận thức rõ ràng và đầy đủ về vị trí và vai trò của KTTN với nhiều nội dung mới có tính khái quát cao. Đại hội đã thống nhất và nâng cao nhận thức về sự phát triển mạnh mẽ của KTTN ở Việt Nam: Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”(12). Đồng thời, Đại hội cũng tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, thúc đẩy sự phát triển của KTTN, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tiến hành đổi mới, cải thiện công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đặc biệt, Đại hội nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong việc tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường và thực hiện trách nhiệm xã hội. Tất cả những nội dung trên phản ánh sự kết hợp trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, cũng như sự phát triển tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về KTTN.

KẾT LUẬN

Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong thời kỳ đổi mới cùng với việc thừa nhận KTTN “là một động lực quan trọng của nền kinh tế” chính là sự đột phá trong tư duy lý luận và thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua các kỳ Đại hội, từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, quá trình nhận thức về vai trò và vị trí của KTTN đối với sự phát triển của đất nước đã được minh chứng rõ ràng và ngày càng được hoàn thiện.

Trải qua gần 40 năm đổi mới, sự phát triển trong tư duy lý luận của Đảng đã tạo nền tảng cho việc xây dựng và hoàn thiện các thể chế, cơ chế và chính sách để phát triển KTTN ở Việt Nam; thể hiện tầm nhìn chiến lược, nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò của KTTN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Những chủ trương và chính sách kịp thời, đúng đắn đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của KTTN và khẳng định mạnh mẽ vị trí và vai trò trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Các thành tựu Việt Nam đạt được là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đúng đắn và phù hợp khi lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thể chế kinh tế, từ đó đưa Việt Nam tiếp tục hội nhập và phát triển./.

TS. TRƯƠNG THỊ HỒNG NGA
Trường Đại học xây dựng Miền Tây

TS. NGUYỄN THỊ TÚY
Trường Đại học Tài chính - Marketing, Thành phố Hồ Chí Minh

_________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1986, tr.55-56.

(2) Điều 3, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (Khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần II, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2010, tr.574.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2013, tr.249.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, tr.191.

(6) (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr.83, 86-87.

(8) (9) (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.35, 209, 209.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.107-108.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.240.

(Nguồn: lyluanchinhtri.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất