Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam, hiện
nay có khoảng 200.000 người có chứng tự kỷ và con số này vẫn tiếp tục
tăng nhanh trong thời gian tới.
Cùng với xu hướng chung của thế giới, tỷ lệ tự kỷ ở Việt Nam trong thập
kỷ gần đây gia tăng rõ rệt, trở nên một thách thức lớn với nhiều cơ quan
chức năng trong đó có y tế.
Tuy nhiên sự quan tâm tới hội chứng này từ mọi góc độ tại Việt Nam hiện
nay mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên. Vì vậy có nhiều việc cấp thiết, mang
tính nền tảng, cần được triển khai thực hiện, nhằm cải thiện hiện trạng
liên quan đến người tự kỷ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuôc
sống, nâng tầm giá trị của bản thân người tự kỷ và gia đình có người tự
kỷ.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo quốc tế “Tự kỷ ở Việt Nam: Hiện trạng và thách thức” diễn ra ở Hà Nội vào chiều 1/4.
200.000 người có chứng tự kỷ
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam, hiện
nay có khoảng 200.000 người có chứng tự kỷ và con số này vẫn tiếp tục
tăng nhanh trong thời gian tới.
Tại hội thảo, phó giáo sư Phạm Minh Mục - Viện Khoa học Giáo dục Việt
Nam cho hay, ở Việt Nam, chưa có con số nghiên cứu chính thức về số
lượng trẻ có hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nhưng từ năm 2000 đến nay, số
lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng tăng.
Nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của Khoa Phục hồi Chức năng Bệnh
viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007 cho thấy số lượng trẻ được chẩn
đoán và điều trị tự kỷ ngày càng nhiều. Số lượng trẻ có hội chứng rối
loạn phổ tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000; xu thế
mắc tự kỷ tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004-2007 so với
năm 2000.
Theo phó giáo sư Mục, những bất thường của rối loạn tự kỷ gây ảnh hưởng
kéo dài suốt đời đến các chức năng cá nhân ở nhiều lĩnh vực như học tập,
các mối quan hệ thích ứng xã hội và khả năng độc lập. Mức độ ảnh hưởng
có thể từ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ của rối loạn tự kỷ và các rối
loạn đi kèm.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt rõ rệt các chức năng khiến cho người mắc rối
loạn tự kỷ trở thành người khuyết tật trong cộng đồng, suy giảm trầm
trọng chất lượng sống, đồng thời là gánh nặng của gia đình và xã hội,
suy giảm nguồn nhân lực lao động và kéo theo chi phí kinh tế lâu dài.
Chứng tự kỷ được biết đến ở Việt Nam vào cuối những năm 90 của thế kỷ
trước. Từ năm 2000 rối loạn này bắt đầu được quan tâm nhiều hơn về vấn
đề can thiệp, điều trị tại các bệnh viện nhi và trung tâm giáo dục đặc
biệt.
Ông Vongthep Arthakaivalvatee - Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách cộng
đồng văn hóa-xã hội ASEAN phân tích, có nhiều nghiên cứu liên quan đến
người khuyết tật và chúng ta cần quan tâm hơn tới người tự kỷ, để sàng
lọc và can thiệp cho họ để giảm bớt khoảng trống về chính sách. Về việc
chăm sóc người tự kỷ thì việc giúp họ tự chăm sóc cho bản thân là ưu
tiên hàng đầu, tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y
tế… giúp họ hòa nhập.
Người tự kỷ vẫn chưa được hỗ trợ phù hợp
Quang cảnh hội thảo Tự kỷ ở Việt Nam – Hiện trạng và thách thức. (Ảnh: TTXVN)
Đề cập tới thực trạng người tự kỷ hiện nay, tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Mai
- Trường Đại học Y Hà Nội cho hay, mặc dù là nhiều quốc gia trên thế
giới đã công nhận tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển, nhưng người
tự kỷ ở Việt Nam vẫn chưa được hỗ trợ của chính quyền và xã hội phù hợp.
Người tự kỷ chưa có các tổ chức thuộc về chính phủ phụ trách cụ thể, hỗ
trợ cho các đối tượng này. Người tự kỷ chưa có chế độ, chính sách
riêng, chưa được tạo điều kiện về công việc và duy trì cuộc sống.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành như giáo dục, y tế, thương binh-xã hội… chưa
xác định được giải pháp phối hợp hoạt động trong công tác chăm sóc và hỗ
trợ cho đối tượng này.
Tiến sỹ Mai cũng nhấn mạnh, ở Việt Nam hiện nay, đi cùng với bùng nổ về
tỷ lệ mắc bệnh là sự xuất diện của nhiều trung tâm, nhiều đơn vị, nhiều
phương pháp can thiệp khác nhau. Các cơ sở can thiệp không có sự phối
hợp giữa các chuyên ngành và không được kiểm soát và quản lý về mặt
chuyên môn và chất lượng, chưa có một mạng lưới can thiệp được quản lý
theo hệ thống đồng thời cũng chưa có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chỉ
đạo, quản lý cho hệ thống này.
”Nhiều bài thuốc như thần dược, nhiều phương pháp điều trị lạ lùng,
nhiều cá nhân có khả năng đặc biệt… tuyên bố chữa khỏi rối loạn tự kỷ
làm cho cha mẹ hoang mang, cũng rối loạn theo, mà không được cơ quan
chức trách nào kiểm chứng,” tiến sỹ Mai chỉ rõ.
Vì vậy, tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị đưa rối loạn phổ tự kỷ vào
danh mục xác định khuyết tật của các văn bản pháp luật Nhà nước và các
bộ ngành có liên quan.
Bên cạnh đó, hội chứng tự kỷ cần được quan tâm trong Chiến lược quốc gia
về dân số, phát triển nguồn nhân lực. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
cần nhanh chóng đề xuất Chính phủ có kế hoạch nghiên cứu về chứng tự kỷ
và tác động của nó đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Hội chứng tự kỷ đã được nhiều nước trên thế giới công nhận là một dạng
khuyết tật rối loạn phát triển sẽ làm cơ sở để xây dựng các chính sách
trong mọi lĩnh vực liên quan. Vì vậy, các đại biểu kiến nghị, các cơ
quan chức năng tại Việt Nam rất cần bổ sung đối tượng này vào Điều 9 của
Luật Người Khuyết tật để có được sự chỉ đạo thống nhất mang tính chiến
lược thống nhất ở tầm quốc gia.
Người tự kỷ và gia đình cần có một số quy định, hướng dẫn liên quan đến
đánh giá và xác nhận khuyết tật trong Thông tư liên tịch số
37/2015/TTLT-BYT-BTC sửa đổi sắp tới, cũng như sớm có quy định về trách
nhiệm dân sự cho nhóm đối tượng khuyết tật này. Bởi vì họ vẫn tồn tại
trong xã hội và chịu sự điều chỉnh của pháp luật trong khi nhận thức và
khả năng tư duy của họ rất khác so với người bình thường./.
(Vietnam+)