Thứ Ba, 15/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 28/8/2013 14:30'(GMT+7)

Từ ngày 1-9, Nghị định 72/NĐ-CP có hiệu lực: Vững vàng không gian thông tin

Nghị định này chắn hẳn ra đời không phải để phong tỏa sự tiếp cận các tài nguyên Internet đối với công dân ta. Cũng không nhằm "tiêu diệt” những tiếng nói phản biện của người dân, không phải để "bóp nghẹt” quyền tự do ngôn luận. Khi ai cũng có quyền đưa thông tin lên mạng và như lâu nay không chịu trách nhiệm về thông tin mình đưa ra thì việc có một Nghị định ra đời để đảm bảo cho mọi công dân được quyền thông tin chính xác, không bị những người sử dụng internet làm tổn thương, để tránh những cách đưa tin bịa đặt, làm trong lành một "không gian xã hội” thời hiện đại.

Cùng với các không gian mặt đất, biển và vũ trụ, giờ đây còn tồn tại không gian thứ tư là không gian thông tin. Một hình thái mới của cuộc chiến tranh thông tin giờ đây là "chiến tranh mạng”. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, chiến tranh thông tin là việc áp dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao trong các mặt hoạt động chỉ huy/ quản lý, tình báo, điều khiển, chiến tranh điện tử, kinh tế, tâm lý, xã hội,....- một loại hình tác chiến phổ biến trong chiến tranh hiện đại, tổng hợp những hoạt động và biện pháp nhằm tung tin gây rối loạn, tác động vào các cơ cấu ra quyết định... Quả là trong điều kiện hiện nay, "sức sát thương” của các cuộc tấn công thông tin có thể còn cao hơn các loại vũ khí thông thường. 

Ban hành Nghị định 72/2013/NĐ - CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, là thủ tiêu sự tụt hậu của nước ta về mặt an ninh mạng và hơn thế, chủ động vững vàng trong không gian thông tin. Thiết lập hành lang pháp lý trên mặt trận đấu tranh chống lại các kiểu chiến tranh mới - "chiến tranh thông tin”, "chiến tranh mạng”.v.v... Nó cấp thiết để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia. 

Khi Nghị định có hiệu lực cũng có nghĩa là các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh đã có chính sách quản lý mới, chính vì thế những sai phạm nếu diễn ra, trái với những điều đưa ra trong Nghị định, chắc chắn sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. 

Có thể khẳng định rằng Nghị định này không phong tỏa sự tiếp cận các tài nguyên Internet đối với công dân ta. Việc quy định những hành vi bị cấm trên đều thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan được Nhà nước ban hành từ trước đến nay và phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Nói rằng Nghị định nhằm tiêu diệt những tiếng nói phản biện của người dân cũng như bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận quả khó nghe khi trên hệ thống báo chí của đất nước, liên tục có tiếng nói phản biện nhiều chiều về các vấn đề chính sách KTXH của đất nước. MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ cũng là kênh phản biện khá toàn diện lâu nay.

Đối với trang thông tin điện tử cá nhân, quy định này chỉ nhằm mục đích nêu khái niệm, hoàn toàn không cấm các cá nhân trên mạng xã hội chia sẻ thông tin. Điểm khác so với trước kia là khi cá nhân muốn chia sẻ một thông tin nào đó được tổng hợp từ các nguồn trên internet, các báo hay bất cứ tài liệu nào, cần phải gắn kèm đường link hoặc ghi rõ nguồn trích dẫn thông tin để người khác muốn tham khảo thông tin đầy đủ có thể truy cập vào đường link đó. 

Đương nhiên, các cá nhân vẫn có quyền đánh giá, bình luận về vấn đề mà mình chia sẻ nhưng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về phát ngôn của mình, đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật. 

Để hiểu hơn về sự cần thiết của Nghị định 72 này, hãy nhìn vào hoang mạc thông tin ở Syria trong tình hình rối rắm hiện nay. Lũng đoạn thông tin đang được các bên sử dụng tối đa. Kể từ cuộc nổi dậy năm 2011-2012, các bên liên quan đến cuộc xung đột đẫm máu hiện nay tìm mọi cách đưa ra những thông tin lôi kéo dư luận quốc tế về phía mình. Chúng cực kỳ phong phú nhưng thiếu tính khách quan nên gây nhiều tranh cãi. Vì có quá nhiều phe nhóm, thông tin mỗi nhóm mỗi khác, chủ yếu cung cấp thông tin có lợi cho mình nên không ngần ngại bóp méo sự thật nếu cần. Trong bối cảnh các thông tin không vẽ lên nổi một bức tranh trung thực, rất khó cho người dân Syria và cộng đồng quốc tế biết được chính xác chuyện gì xảy ra ở nước này. 

Đứng trước hoang mạc thông tin kiểu như thế, có thể hiểu vì sao nhiều quốc gia trên thế giới đã coi thông tin là một lực lượng, một loại vũ khí cực kỳ hiệu quả. Nhiều Chính phủ như Chính phủ ta, cần một chính sách nghiêm khắc để lập lại trật tự, siết lại quản lý mạng, có các biện pháp "phòng ngừa trên Internet”, giảm sự xuyên tạc thông tin thái quá.

Như Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã thông qua văn kiện xác định chính sách trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế đến năm 2020, mà các mối đe dọa chủ yếu trong lĩnh vực này được nêu ra là sử dụng công nghệ Internet làm "vũ khí thông tin phục vụ các mục đích chính trị-quân sự, khủng bố và tội phạm”, cũng như để "can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia”.

Trong tình trạng nhiều trang mạng lộng hành như hiện nay, càng thấy rõ hơn sự cần thiết cả trước mắt và lâu dài, tính thực tiễn và khả thi của Nghị định này. Để an dân, bảo vệ quyền được thông tin chính xác, việc ra đời Nghị định 72 cũng có thể hiểu các cơ quan chức năng đã sẵn sàng hóa giải một cách hiệu quả các mối đe dọa trong không gian thông tin. Nâng cao mức độ giám sát và xử lý thông tin đến từ bên ngoài, cũng như ngăn chặn các mối đe dọa mạng - một vấn đề an ninh quốc gia. Hạn chế việc sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông gây hại cho người dân và quốc gia. 

Hiện nay vẫn đang có những tiếng nói xuyên tạc gây hiểu nhầm về Nghị định 72 trong khi đáng lẽ phải thấy được việc thực thi Nghị định này chính là để đảm bảo cho người dân trước nguy cơ trở thành nạn nhân của thảm họa nhiễu loạn thông tin. Còn đương nhiên, với những ai thiếu trách nhiệm công dân, tung tin chưa kiểm chứng hoặc sai lệch sẽ trở nên lạc điệu và không còn làm mưa làm gió./.

Theo Đại đoàn kết
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất