Trở thành đảng viên là sự tự giác, tự nguyện của những quần chúng ưu tú, có đủ điều kiện theo quy định của Đảng, có cảm tình với Đảng, tích cực phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tuy nhiên, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo và phê phán nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên có ít nhiều cống hiến đã cậy mình là công thần cách mạng rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thực hiện nghị quyết của Đảng và Chính phủ.
Xây dựng quy định, thực hiện quy định và xử lý vi phạm kỷ luật Đảng là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Xây dựng quy định trong Đảng là căn cứ để đưa cán bộ, đảng viên vào khuôn phép, chấp hành nghiêm kỷ luật. Quá trình thực hiện các quy định, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh, để đội ngũ cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, kỷ luật công tác, đạo đức công vụ…
Thi hành kỷ luật của Đảng cần đặt lên hàng đầu sự nghiêm minh, nhưng không chỉ và không hoàn toàn thiên về kỷ luật. Mục đích cao nhất việc duy trì nghiêm kỷ luật Đảng là chủ động ngăn chặn, phòng ngừa cán bộ, đảng viên vi phạm. Đó vừa là công việc quan trọng, cần thiết, nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về ý chí và hành động, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, đồng thời là cơ sở để giáo dục tổ chức đảng và đảng viên. Cùng với coi trọng công tác phát triển Đảng, kết nạp những đảng viên mới có ý thức phấn đấu, có mục tiêu, lý tưởng đúng đắn, tự giác chấp hành kỷ luật Đảng… cần kiên quyết loại khỏi đội ngũ của Đảng những phần tử vô kỷ luật, xem thường tổ chức và kỷ luật Đảng. Đó cũng là quy luật tất yếu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh.
Các tổ chức đảng cần khơi dậy, động viên tinh thần cầu thị, cầu tiến bộ của cán bộ, đảng viên, giúp tổ chức, cá nhân có sai phạm sớm nhận rõ khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Mỗi người hãy tự đấu tranh với bản thân, chiến thắng chính mình, kiên quyết gạt bỏ ngay từ đầu những suy nghĩ, dấu hiệu về động cơ cá nhân, vụ lợi, tha hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi, tự sửa”, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng cá nhân, không đi vào “vết xe đổ”... Làm được như vậy chính là mỗi cán bộ, đảng viên đã chủ động tự giữ mình, giữ gìn phẩm chất, tư cách người đảng viên và thanh danh của Đảng, thực hiện lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “… Có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”.