Thực hiện Chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” là một giải pháp hỗ trợ thực hiện thành công mục tiêu của Đề án là đến năm 2015, 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Cuộc vận động; đến năm 2020, trên 70% biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 70%.
Phát biểu tại họp báo bà Hồ Thị Kim Thoa,
Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: Chương trình này nằm trong khuôn khổ
Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người
Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020” (Đề án) do
Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm
2014 và trong Kế hoạch số 99/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 18 tháng 6 năm 2015
về việc triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận
động trong năm 2015 và định hướng 2016.
Đến năm 2020, tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam; cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cung cấp, tập huấn sử dụng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định: Chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt 2015 – Tự hào hàng Việt Nam” được tổ chức với mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng đến mọi đối tượng để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu và nhận diện hàng Việt; tạo chuyển biến về nhận thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn toàn quốc, tạo sự chuyển biến căn bản và thực chất trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ người sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam chân chính; ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp đã nỗ lực, không ngừng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao vì người tiêu dùng Việt cũng như hướng đến người tiêu dùng toàn cầu.
Chương trình bao gồm nhiều hoạt động xuyên suốt, nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm Việt, giúp người tiêu dùng biết đến các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín, có chất lượng, các sản phẩm mới,… (bao gồm cả những sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường đến các sản phẩm mới, còn chưa được truyền thông rộng rãi) trên thị trường Việt Nam để người tiêu dùng biết đến hàng Việt.
Chương trình sẽ góp phần tăng khả năng thu hút của hàng Việt đối với người tiêu dùng; nâng cao vị thế của các sản phầm Việt so với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; kết nối các nhóm nhu cầu nội địa; làm cơ sở để triển khai chuỗi tuần nhận diện hàng Việt hàng năm tại các địa phương trên cả nước./.
Duy Phong