Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, những thay đổi này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Rút ngắn thời gian xét tuyển
Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời hạn kết thúc xét tuyển
năm 2013 là ngày 30.10.2013, trước một tháng so với thời hạn xét tuyển
của mùa thi năm 2012 (ngày kết thúc xét tuyển năm 2012 là 31.11.2012).
Trong năm 2013, các trường tiếp tục được tự chủ, tự chịu trách nhiệm
trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt, nhưng thời gian
xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bùi Anh Tuấn cho biết, việc kéo dài thời
gian xét tuyển như năm 2012 trên thực tế không đem lại hiệu quả, làm xáo
trộn lịch học của các trường. Vì thế, năm nay bộ quyết định rút ngắn
một tháng.
Cho 10 trường văn hóa, nghệ thuật tuyển sinh riêng
Năm 2013, các trường có tuyển sinh các ngành khối nghệ thuật (khối H, N,
S) thì môn ngữ văn xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học
phổ thông và điểm tổng kết 3 năm ở bậc học này. Môn năng khiếu sẽ do
hiệu trưởng các trường quyết định.
Với các trường có tuyển sinh các ngành khối văn hóa (khối C) sẽ xét
tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đạo tạo.
Những trường được tự chủ tuyển sinh gồm: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt
Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Đại
học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học
Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng
Nai, Cao đẳng Múa Việt Nam, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc và
Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, việc thí điểm dựa
trên đề xuất của lãnh đạo các trường, do khối văn hóa, nghệ thuật có
tính đặc thù cao, yêu cầu về năng khiếu nghệ thuật lớn hơn kiến thức cơ
bản.
Kể từ năm 2002, khi bắt đầu thực hiện kỳ thi tuyển sinh đại học theo
hình thức “ba chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả thi), đây là
lần đầu tiên Bộ cho phép một số trường được tuyển sinh riêng, độc lập so
với các trường đại học, cao đẳng khác.
Mở rộng đối tượng tuyển thẳng
Theo quy định mới, đối tượng ưu tiên xét tuyển cũng như tuyển thẳng của
mùa thi đại học, cao đẳng năm 2013 sẽ được mở rộng hơn, bổ sung nhiều
đối tượng.
Cụ thể, tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng những học sinh tham
gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và Quốc tế; học sinh đoạt
giải hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp trung
học.
Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3
năm trở lên tại 62 huyện nghèo và học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải
đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ, được ưu tiên xét tuyển vào học và phải
học dự bị 6 tháng.
Các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực
Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ
khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung
học phổ thông tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn
điểm sàn 1 điểm và phải học dự bị 6 tháng.
Chuyển dịch cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành nghề
Mùa tuyển sinh năm 2013 sẽ giữ ổn định chỉ tiêu hệ chính quy như năm
2012 nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường thay đổi về cơ
cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu
cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy
sản, y dược, nghệ thuật...
Mặt khác, bộ sẽ dừng việc mở trường, mở ngành thuộc khối kinh tế, tài
chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh vì nhân lực ngành này đã bão hoà.
“Siết” thi liên thông
Quy định mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thi liên thông là những
người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao
đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng phải dự thi các môn văn hóa hoặc
năng khiếu tương ứng với ngành đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển
sinh cao đẳng, đại học chính quy.
Đây được coi là một trong những quy định gây “sốc” với rất nhiều tranh
cãi trái chiều. Tuy nhiên, theo ông Bùi Anh Tuấn, việc dạy và học liên
thông trong thời gian qua đã bị buông lỏng quản lý, dẫn đến nhiều cơ sở
lợi dụng để trục lợi, còn thí sinh coi đó là đường vòng để lấy bằng đại
học. Vì thế, năm nay Bộ quyết tâm chấn chỉnh tình trạng này, trả bậc
trung cấp, cao đẳng về đúng vị trí là đào tạo nhân lực chứ không phải là
"trạm nghỉ chân" của thí sinh.
Bên cạnh những điểm mới trên, mùa thi năm 2013 dự kiến có một số thay
đổi về lệ phí, học phí. Những điểm mới này đang được Bộ Giáo dục và Đào
tạo phối hợp với Bộ Tài chính hoàn tất về mặt văn bản, thủ tục.
Tăng lệ phí dự thi đại học
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, bộ đã đề nghị Bộ
Tài chính cho phép nâng mức lệ phí 100.000 đồng trên mỗi bộ hồ sơ thay
vì mức 80.000 đồng như hiện nay. Khi có quyết định chính thức, bộ sẽ
thông báo cho thí sinh và trường biết.
Trước đó, các trường đại học, cao đẳng đã đồng loạt đề xuất Bộ cho tăng
mức lệ phí dự thi vì với mức lệ phí hiện tại, các trường phải bù lỗ hàng
trăm triệu đồng mỗi sau mỗi kỳ thi.
Thí điểm thu học phí cao với ngành “nóng”
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực
phối hợp với Bộ Tài chính sớm triển khai xây dựng đề án thí điểm tự chủ
học phí.
Theo đó, học phí sẽ được tính toán lại trên cơ sở chi phí đào tạo và nhu
cầu xã hội và sẽ phân thành ba nhóm ngành: nhóm được Nhà nước hỗ trợ
học phí hoàn toàn, nhóm được hỗ trợ một phần và nhóm ngành tính đủ học
phí cho người học.
Cụ thể, những ngành nhu cầu của người học cao nhưng thị trường lao động
đã bão hoà như kinh tế, tài chính, ngân hàng sẽ thu học phí cao, Nhà
nước không hỗ trợ. Ngược lại, những ngành xã hội cần nhưng ít người học
như nông, lâm, ngư… sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn.
Theo ông Ga, bộ đang đề nghị các trường đại học, học viện nghiên cứu
từng ngành học trong trường mình: Ngành nào, cơ chế ra sao, ngành nào
thu học phí cao, ngành nào cần hỗ trợ… và báo cáo về bộ tổng hợp. Đây sẽ
là cơ sở để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về mức học phí mới, dự kiến
triển khai ngay năm 2013.
Như vậy, so với 2012, những thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh năm đã được
điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu xã hội và thắt chặt hơn
về yêu cầu chất lượng. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ
Luận, chủ trương của bộ là “nói ít làm nhiều” và phấn đấu đảm bảo chất
lượng như kỳ vọng của người dân./.
Theo GDVN