Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 13/2/2013 10:31'(GMT+7)

Tín hiệu vui cho ngành toán học Việt Nam

Giáo sư Vũ Hà Văn (Ðại học Yale, Mỹ) giảng bài tại một lớp học thuộc VIASM.

Giáo sư Vũ Hà Văn (Ðại học Yale, Mỹ) giảng bài tại một lớp học thuộc VIASM.

Chủ tịch Hội Toán học Ðông - Nam Á, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán (VIASM) GS Lê Tuấn Hoa chia sẻ với chúng tôi: Ði theo mô hình của các nước phát triển, VIASM có bộ máy tổ chức gọn nhẹ. Bao gồm một giám đốc khoa học (GS Ngô Bảo Châu), một giám đốc điều hành và bảy chuyên viên. Hội đồng khoa học gồm 14 thành viên đều là các chuyên gia hàng đầu của các viện nghiên cứu và trường đại học trong và ngoài nước. Trong đó, không kể GS Ngô Bảo Châu, Chủ tịch Hội đồng khoa học (giảng dạy và nghiên cứu tại Ðại học Chi-ca-gô, Mỹ) còn có các thành viên như GS Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản), GS Ðinh Tiến Cường (Ðại học Pa-ri 6), GS Vũ Hà Văn (Ðại học Yale, Mỹ)... Ban tư vấn quốc tế gồm sáu người, tất cả đều là  giáo sư nổi tiếng thuộc các quốc gia Pháp, Mỹ, Ðức, Ấn Ðộ. Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2012, trong điều kiện cơ sở vật chất còn phải thuê mượn một số phòng làm việc của thư viện Tạ Quang Bửu (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), bước đầu VIASM đã có những hoạt động khá sôi nổi theo mô hình một tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế. Hình thức hoạt động chính của VIASM là tổ chức các nhóm nghiên cứu, tập hợp các nhà khoa học trong cùng một lĩnh vực đến làm việc một thời gian nhất định tại viện (ngắn nhất là hai tháng, dài nhất không quá một năm). GS Ngô Bảo Châu, với trách nhiệm là giám đốc khoa học, hằng năm giành ba tháng từ Mỹ về làm việc. Các giáo sư, chuyên gia nước ngoài đến giảng bài, dự hội thảo (do GS Ngô Bảo Châu giới thiệu, nhóm nghiên cứu đề xuất). GS Lê Tuấn Hoa cho biết: Việc tuyển chọn cán bộ được thực hiện một cách công khai, bảo đảm chất lượng. Nghĩa là thông tin tuyển chọn được đưa lên mạng trước từ một đến ba tháng. Các thành viên hội đồng khoa học (HÐKH) truy cập và xem xét hồ sơ của từng ứng viên, rồi thảo luận, và có ý kiến nhận xét đánh giá qua mạng. Chủ tịch HÐKH tổng hợp đối chiếu các tiêu chí đã ban hành, dự kiến danh sách tuyển chọn để HÐKH cho ý kiến cuối cùng. Với cách làm này, năm 2012, VIASM đã tuyển chọn được 61 nghiên cứu viên (đa phần là các phó giáo sư, tiến sĩ thuộc các viện, trường trong và ngoài nước) đến viện làm việc từ hai tháng đến sáu tháng (không kể hai trường hợp nghiên cứu sau tiến sĩ với thời gian một năm). Ðồng thời, năm vừa qua, viện cũng mời 20 giáo sư, chuyên gia từ các nước Mỹ, Pháp, Ðức, Nga, Ấn Ðộ, U-crai-na... trong đó có các giáo sư người Việt Nam ở nước ngoài như GS Hồ Tú Bảo, GS Vũ Hà Văn về giảng bài, trao đổi các chuyên đề khoa học do VIASM "đặt hàng".

Theo GS Lê Tuấn Hoa, năm 2012, viện hình thành được hơn mười nhóm nghiên cứu và đi theo sáu hướng. Ðó là: Lý thuyết tối ưu; Ðại số, hình học và đại số, lý thuyết số; Ứng dụng của toán học trong công nghệ thông tin; Tôpô đại số; Lý thuyết hệ thống và điều khiển; Giải tích phức và hình học. Mỗi nhóm nghiên cứu được bố trí một giáo sư có uy tín  trong hoặc ngoài nước làm trưởng nhóm. Các nghiên cứu viên thuộc các cơ quan, đơn vị trong nước đến làm việc tại viện, theo cơ chế được giữ nguyên lương nơi mình công tác. Ngoài ra, khi kết thúc đợt học tập và nghiên cứu còn được VIASM chi trả một khoản phụ cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Cùng với việc bước đầu ươm tạo các nhóm nghiên cứu đi sâu vào các chuyên ngành, VIASM cũng đã tổ chức được mười cuộc hội nghị, hội thảo, trường, lớp chuyên biệt thu hút hơn 1.000 lượt cán bộ, chuyên gia và sinh viên giỏi toán trong nước và ngoài nước tham dự. Không khí học thuật cởi mở, cùng trao đổi và tranh luận để tìm ra chân lý mà không hề có sự áp đặt, đã khiến cho những người dự các lớp nghiên cứu, cũng như khách mời đến làm việc tại viện cảm thấy hài lòng, bổ ích và hiệu quả. Có thể nói, đây là những tín hiệu khởi đầu nhằm vực dậy nền toán học nước nhà đang có chiều hướng đi xuống trong "Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020"...

Phấn khởi trước những hoạt động bước đầu khá suôn sẻ, nhưng giám đốc điều hành VIASM chưa hết nỗi trăn trở, băn khoăn. Bởi như ông bộc bạch: Sang năm 2013 và các năm tiếp theo, chúng tôi muốn tuyển chọn được số lượng cán bộ nhiều hơn đến viện làm việc, xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh, song do cơ sở vật chất vẫn còn phải đi thuê mướn nên điều kiện hoạt động còn không ít khó khăn. Ðiều này hạn chế việc thu hút khách mời là các giáo sư, chuyên gia giỏi (trong đó có các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài) đến tham gia đào tạo và nghiên cứu dài ngày tại viện.

Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất