Sân trường tấp nập học sinh nhưng không phải để học, mà để… gói bánh
chưng, với nào lá dong, nào gạo, nào đỗ, nào thịt, có cả một nồi lớn với
đống củi đợi sẵn, chỉ chờ bánh gói xong là nhóm lửa…
Không khí Tết Quý Tỵ đã tràn về ăm ắp khi rất nhiều trường ở Hà Nội tổ chức dạy học sinh gói bánh.
“Mang” Tết đến trường
Từ sáng sớm, sân trường Mầm non Việt - Bun (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
đã rất nhiều học sinh, phụ huynh. Các bé được chia theo từng lớp, háo
hức chờ được gói bánh chưng. Những tiếng reo vui làm sân trường sôi động
hẳn lên. Chỗ này một bé ríu rít: “Lá dong này là của Bí,” ở góc khác,
giọng một bé trai đầy tự hào: “Vầu cũng biết gói bánh chưng nhé”…
Cầm chiếc lá vẫy vẫy, đôi mắt chăm chú nhìn cô giáo Bùi Thị Hiền đang kể
về truyền thống gói bánh chưng ngày Tết của dân tộc, bé Phạm Thế Duy
cười tít đầy thích thú: “Cháu rất thích gói bánh chưng, thích cả ăn bánh
chưng nữa!”
Chị Nguyễn Thị Giáng Hương, mẹ Duy cho biết, bé vừa bị ốm, phải nghỉ học
mất 15 ngày, nhưng biết hôm nay trường gói bánh chưng nên dậy từ sớm,
hăng hái đòi mẹ đưa đến lớp.
Vì nhà chật chội, lại bận đi làm nên chị không có điều kiện gói bánh
chưng ở nhà. “May quá, trường lại tổ chức hoạt động này, vừa giúp các
cháu cảm nhận được không khí Tết, vừa biết gói bánh, vừa hiểu được
truyền thống dân tộc,” chị vui vẻ nói.
Theo cô Trần Thị Bích Chi, Chủ tịch công đoàn trường Mầm non Việt-Bun,
từ nhiều năm nay, năm nào trường cũng tổ chức cho các cháu được gói bánh
chưng mỗi dịp Tết đến xuân về. Hoạt động này xuất phát từ nhu cầu của
phụ huynh, cũng là một cách để các bé biết thế nào là Tết cổ truyền.
Ngày nay, bánh chưng có thể mua ở bất cứ đâu, trong siêu thị, chợ, thậm
chí ngay ngoài vỉa hè. Các công đoạn gói bánh cũng có thể thấy trên
Internet, trên tivi. Nhưng việc được tự tay múc gạo đỗ đổ vào khuôn,
được ngồi quây quần, cùng chờ đợi háo hức bên ánh lửa hồng ấm cúng với
nồi bánh chưng nghi ngút khói, được ngửi thấy mùi bánh thơm nồng lại là
một trải nghiệm hoàn toàn khác.
“Đó mới đúng là không khí Tết mà người lớn bận bịu và phải lo tiền mua
sắm các thứ nên đôi khi chúng ta quên mất Tết của trẻ con. Vì thế, mỗi
lần trường tổ chức gói bánh, cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều rất
háo hức,” cô Chi nói.
Giáo viên thức trắng đêm trông bánh
Trường mầm non Việt-Bun có khoảng 700 học sinh. Để các bé được tự tay
gói bánh, các cán bộ giáo viên của trường đã phải mất rất nhiều công sức
để chuẩn bị. Ngày cuối tuần, thay vì được nghỉ ở nhà đi sắm Tết cùng
gia đình, tất cả phải tập trung ở trường, người rửa lá dong, người giã
gừng, người đong gạo, ngâm đỗ…
Sau khi bánh gói xong, các đoàn viên thanh niên trong trường lại phải
phân ca nhau để trực bánh, cả đêm cả ngày. Hôm sau, mỗi bé sẽ được mang
một chiếc bánh về nhà khoe với bố mẹ và đặt lên ban thờ để cúng ông bà
tổ tiên trong dịp Tết.
Không chỉ chuẩn bị bánh, các giáo viên còn ngồi nắn nót viết từng chữ
chúc Tết lên giấy đỏ, đặt lên mặt trên của bánh trước khi đưa cho học
trò. Mỗi chữ an, phúc, lộc… đều là cả tấm lòng của trường gửi đến gia
đình trong năm mới.
Cô giáo Phạm Thanh Hương chia sẻ: “Vất vả một chút, nhưng vui. Chỉ cần
nhìn ánh mắt háo hức của các con là mọi mệt nhọc đều tan biến và chúng
tôi thấy hạnh phúc vì đã mang đến niềm vui cho con trẻ.”
Cũng theo cô Hương, hoạt động này không những giúp các bé cảm nhận được
không khí Tết mà cả giáo viên cũng thấy Tết đã cận kề. Chỉ cần bước vào
cổng trường, nhìn thấy rất nhiều lá dong, củi, ngửi thấy hương gạo nếp
thơm là đã thấy rạo rực Tết về.
“Hơn nữa, việc toàn trường được huy động, rồi tất bật lo toan cho nồi
bánh đã khiến cho các giáo viên vốn độc lập mỗi người một lớp có cơ hội
được xích lại gần nhau hơn. Trường bỗng trở thành một gia đình lớn, đoàn
kết và thân ái, một cảm giác rất ấm áp trong năm mới,” cô Hương tâm sự.
Có lẽ, với nhiều ý nghĩa nhân văn đó nên trong những năm gần đây, ngày
càng có nhiều trường tổ chức cho học sinh được gói bánh chưng mỗi khi
Tết đến. Ngoài trường mầm non Việt-Bun, còn có trường Mầm non Nốt nhạc
vui, Trường Marie Curie… Các học sinh Trường Trung học phổ thông Quang
Trung còn kết hợp với nhóm tình nguyện Ấm gói bánh chưng tặng người vô
gia cư.
Những hoạt động ý nghĩa ấy đã góp phần trau dồi, bồi đắp giá trị nhân
văn, giá trị truyền thống cho các thế hệ trẻ, để qua thời gian, bản sắc
văn hóa Việt vẫn được gìn giữ và phát huy./.
Phạm Mai (Vietnam+)