Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều
của Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng
(CĐ) nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.
Điểm chênh lệch giữa 2 khu vực là 0,25
Theo quy chế hiện hành, nội dung khiến dư luận bức xúc nhất trong những
mùa tuyển sinh gần đây, đặc biệt năm 2017, là mức chênh lệch điểm trúng
tuyển giữa các nhóm đối tượng và hai khu vực kế tiếp. Dự thảo sửa đổi,
bổ sung một số điều của quy chế mà Bộ GD-ĐT vừa công bố đã điều chỉnh
nội dung này theo hướng dư luận đã từng góp ý.
Cụ thể, với khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực, mức chênh
lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp vẫn giữ như mức cũ
là 1 điểm, nhưng giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư) điểm,
tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển)
không nhân hệ số theo thang điểm 10. Như vậy, mức điểm chênh lệch trúng
tuyển giữa hai khu vực kế tiếp giảm còn một nửa so với trước.
Thay đổi quy định làm tròn điểm xét tuyển
Trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018, Bộ GD-ĐT dự kiến quy định làm
tròn điểm khi xác định điểm xét tuyển cũng được thay đổi. Điểm xét tuyển
là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài
thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối
tượng, khu vực và được làm tròn đến hai chữ số thập phân (quy chế hiện
hành là làm tròn đến một phần tư điểm).
Việc xét các TS bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì vẫn giữ như cũ
là xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo,
nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên TS có nguyện vọng cao hơn.
Thí sinh không khai đầy đủ thông tin, không được tuyển sinh
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT yêu cầu các
trường khi làm đề án tuyển sinh phải cung cấp đầy đủ các thông tin về
điều kiện đảm bảo chất lượng: cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực
hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ
giảng viên, quy mô đào tạo, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12
tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất trước một năm so với năm
tuyển sinh (theo ngành) cùng một số thông tin quan trọng khác. Những
trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này thì không
được thông báo tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định việc kê khai thông tin về điều kiện đảm
bảo chất lượng của các trường. Trong trường hợp thay đổi nội dung đề án,
trường phải công bố trước ít nhất 10 ngày tính từ ngày đầu tiên TS điều
chỉnh nguyện vọng và có trách nhiệm thông báo tới TS có liên quan đến
việc thay đổi nội dung đề án của trường. Trường hợp bị phát hiện kê khai
thông tin không đúng với điều kiện thực tế thì bị xử lý vi phạm theo
quy định.
Về số đợt tuyển sinh, quy chế hiện hành chỉ quy định các trường có thể
thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Nhưng dự thảo quy chế sửa đổi
yêu cầu rõ các trường phải công bố đề án tuyển sinh của các đợt trên
trang thông tin tuyển sinh của trường và cổng thông tin tuyển sinh của
Bộ GD-ĐT trước khi TS đăng ký xét tuyển 15 ngày. Trước các ngày cuối
cùng của tháng kết thúc mỗi đợt xét tuyển, các trường phải cập nhật danh
sách TS trúng tuyển và nhập học của đợt tuyển sinh lên trang thông tin
tuyển sinh của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT./.
(Nguồn: VOV)