Bản Pa Lọ Vạc nằm bên dòng sông Sê Pôn, cách trung tâm xã Thanh gần 10 km và huyện lỵ Hướng Hóa (Quảng Trị) hơn 40 km. Ở đây có điểm trường Pa Lọ Vạc, thuộc Trường tiểu học xã Thanh, là nơi học tập của hơn 180 học sinh đồng bào dân tộc Vân Kiều, thuộc các bản Pa Lọ Vạc, Xung, Ta Nua Cô. Ðể đến Pa Lọ Vạc dạy học vào mùa này, từ điểm trường chính đóng ở trung tâm xã, các thầy, cô giáo phải vượt hơn 10 km đường cấp phối lởm chởm đá và đường đất sình lầy.
Sau gần hai giờ đồng hồ vượt quãng đường từ điểm trường trung tâm, chúng tôi đến Pa Lọ Vạc khi buổi học sáng của các em ở đây đã trôi qua quá nửa thời gian. Thầy giáo Nguyễn Tấn Hải, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Thanh cho biết: Trước đây, việc học hành của phần lớn trẻ em ở Pa Lọ Vạc rất khó khăn do điều kiện kinh tế gia đình đồng bào dân tộc thiếu thốn. Trẻ em phải nghỉ học từ nhỏ để theo bố mẹ lên nương rẫy. Nhưng nay đã khác, người dân bản Pa Lọ Vạc đều ý thức được muốn con em mình đổi đời thì phải học lấy cái chữ. Các em khi đủ tuổi đến trường đều được phụ huynh cho đi học, gửi gắm sự dạy dỗ cho các thầy giáo, cô giáo. Ðó cũng là động lực thôi thúc không ít thế hệ giáo viên nhà trường tình nguyện đến công tác tại điểm trường, với mong ước gieo cái chữ cho học sinh đồng bào dân tộc nơi vùng đất biên cương còn nhiều khó khăn...
Theo giới thiệu của thầy Nguyễn Tấn Hải, điểm trường Pa Lọ Vạc được xây dựng năm 2001 từ nguồn vốn của Chương trình 135. Dù có đông học sinh theo học nhưng hiện cơ sở vật chất chỉ là một căn nhà nhỏ gồm hai phòng học và một phòng nghỉ của giáo viên đã xuống cấp, hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến việc học tập của các em. "Ðể khắc phục tình trạng thiếu phòng học, ngoài việc mở một lớp ghép, nhà trường phải mượn nhà sinh hoạt cộng đồng ở bản Xung và nhà kho cũ của bộ đội biên phòng làm nơi học tập cho các em. Ðiều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động và duy trì sĩ số học sinh cũng như chất lượng giáo dục ở nơi đây", thầy Hải chia sẻ.
Cô giáo Trần Thị Chi dạy ở điểm trường Pa Lọ Vạc cho biết: Tám giáo viên dạy học ở đây phần lớn có gia đình sinh sống ở các xã dọc đường 9 cho nên quãng đường đến trường lớp xa từ 30 đến 40 km, thậm chí có người còn ở xa hơn. Ước mong của thầy, cô giáo và học sinh là Nhà nước sớm đầu tư làm đường vào Pa Lọ Vạc để con đường mang tri thức đến với người dân bản nghèo bớt đi sự nhọc nhằn...
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Hướng Hóa Nguyễn Văn Ðức: Những năm qua, từ nguồn vốn xã hội hóa, các chương trình, dự án, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất trường học. Riêng trong năm học 2017 - 2018, huyện Hướng Hóa đã đầu tư hơn 27 tỷ đồng xây mới 54 phòng học và các công trình phụ trợ phục vụ dạy và học của giáo viên và học sinh toàn huyện. Ðối với điểm trường Pa Lọ Vạc và nhiều điểm trường còn khó khăn khác, huyện Hướng Hóa sẽ tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn để đầu tư xây mới và nâng cấp, sửa chữa trường lớp học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các địa phương miền núi...
Vượt sông đến trường
Nhiều năm qua, các em học sinh ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt (huyện Ða Krông) đến trường học phải đi qua đoạn đường có con sông chảy xiết, nguy hiểm luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng. Mỗi khi có mưa lớn, nước sông dâng cao các em phải nghỉ học, bởi ở đây không còn con đường nào khác. Em Hồ Văn Sơn, học sinh lớp 6B, Trường THCS số 2 Ða Krông cho biết: "Mỗi lần qua sông cháu phải cởi áo quần ra để lội. Qua sông rồi cháu mặc áo quần vào rồi đến trường. Nhiều lúc trượt ngã áo quần sũng nước, sách vở, đồ dùng ướt nhưng không còn cách nào khác".
Những ngày có mưa, nước sông dâng cao, để an toàn và tránh nguy hiểm, bố mẹ phải bỏ việc nương rẫy túc trực hai bên bờ sông để đưa các em qua sông. Theo anh Hồ Văn Thái, ở thôn A Liêng, mỗi khi mưa lớn, học sinh đi học rất vất vả còn phụ huynh lo lắng không lên nương rẫy được vì phải đưa đón con qua sông. Những ngày nước sông dâng cao các em phải nghỉ học cả tuần, thậm chí cả tháng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tà Rụt cho biết, mặc dù điều kiện đi lại rất khó khăn nhưng các em mong muốn được đến trường, bất chấp mỗi ngày hai buổi lội sông. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở phụ huynh có con ở bên kia sông đưa các em đi học để bảo đảm an toàn. Mùa mưa nên gửi các em ở nhà người thân quen để các em được đi học đều đặn...
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Ða Krông có tám thôn chưa có cầu qua sông, qua suối cho học sinh đi học. Trong đó, thôn A Liêng sống trong vùng cô lập có số lượng học sinh lội sông đến trường đông nhất. Toàn thôn A Liêng có 84 hộ dân, với hơn 340 nhân khẩu, trong đó có 70 em học sinh trong độ tuổi đến trường. Hằng ngày, ngoài các em học sinh phải lội qua sông đến trường, người dân ở đây muốn trao đổi hàng hóa đến trung tâm xã Tà Rụt cũng chỉ bằng cách lội qua sông, bởi đây là tuyến giao thông duy nhất đi ra với bên ngoài. Nhìn những phụ nữ lội qua sông nước ngập ngang hông, lưng đeo gùi nặng chất đầy củi, nông sản đưa sang trung tâm xã để bán mới thấy hết sự vất vả trong việc đi lại của người dân nơi đây.
Có thể nói, để giáo dục và đào tạo miền núi Quảng Trị tiếp tục phát triển, thời gian tới, địa phương cần tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số... từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
NGUYỄN VĂN HAI, CÔNG ÐIỀN/Nhân dân