Hiện nay, đang có 9 trường đại học tham gia tuyển sinh theo nhóm do trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chủ trì gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Xây dựng, Đại học Ngoại thương, Đại học Thủy lợi, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Mỏ - địa chất, Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.
Các trường trong nhóm sẽ có chung dữ liệu hồ sơ xét tuyển, chung một phần mềm xét tuyển và chung cách tính điểm xét tuyển. Sau đó, các trường sẽ tự xác định điểm chuẩn của trường. Từ đó, các thí sinh dựa vào mức điểm chuẩn này, nộp nguyện vọng vào các trường trong nhóm theo thứ tự ưu tiên 1,2,3,4. Phần mềm xét tuyển sẽ lọc theo thứ tự ưu tiên đăng ký của thí sinh, từ đó, các thí sinh sẽ biết mình trúng tuyển nguyện vọng nào. Các trường cũng biết được số thí sinh trúng tuyển vào trường.
Việc các trường tổ chức tuyển sinh theo nhóm hướng tới cân bằng lợi ích của các trường tham gia, không chỉ giúp các trường hạn chế thí sinh ảo mà còn mang lại chất lượng nguồn tuyển phù hợp với từng trường. Ngoài ra, đối với các trường tuyển sinh theo nhóm, thí sinh có thể nộp hồ sơ vào 4 trường cùng một ngành, không đủ điểm vào trường nhóm đầu thì có thể vào được trường nhóm thấp hơn, vẫn được học ngành mình yêu thích.
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội: Nếu tiếp tục xét tuyển độc lập như mọi năm thì với quy định một thí sinh đăng ký 2 trường, con số “ảo” sẽ rất lớn. Một thí sinh đăng ký 2 trường nếu đỗ cũng chỉ được chọn 1 trường nhưng có thể lấy đi cơ hội của thí sinh khác. Thêm vào đó, các trường cũng khó xác định điểm chuẩn...
Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi Trần Khắc Thạc cho biết: Đại học Thủy lợi sẽ tham gia nhóm trường do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì. Bởi khi xét tuyển theo cách này, cả nhà trường và thí sinh đều có lợi hơn so với trước đây. Ví dụ nếu thí sinh đăng ký bên ngoài nhóm thì chỉ được đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 ngành. Còn với nhóm liên kết này, các em có thể chọn 4 trường khác nhau có cùng chuyên ngành.
Theo Giáo sư Phạm Quang Trung – Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, nhóm tuyển sinh có thể bao gồm từ 7 đến trên 10 trường. Việc hình thành các nhóm như thế có lợi cho các trường, thí sinh và xã hội. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề kỹ thuật cần nghiên cứu kỹ vì không phải trường đại học nào tham gia vào nhóm cũng đều có lợi ích như nhau nên các trường cũng có tính toán nhất định phù hợp với đặc điểm của trường.
H iện nay nhiều trường đại học đã xích lại gần nhau để bàn bạc thống nhất đưa ra phương án tuyển sinh cho nhóm trường. Các nhóm trường này sẽ công bố phương án tuyển sinh trong thời gian tới ./.
PV