Trong lịch sử quân sự thế giới, các chiến hào xuất hiện từ lâu, nhưng thường được sử dụng làm nơi ẩn nấp và phòng thủ. Chiến hào chưa bao giờ được xem là phương thức tiến công. Cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ, hình thức tác chiến “đào hào, vây lấn” của quân đội nhân dân Việt Nam đã khiến thực dân Pháp bất ngờ, khiến giới quân sự thế giới sửng sốt, trở thành một hình thái chiến tranh sáng tạo, độc đáo, góp phần quyết định chiến thắng lịch sử của dân tộc ta.
KHOÉT SÂU NHƯỢC ĐIỂM CỦA ĐỊCH, PHÁT HUY CAO NHẤT KHẢ NĂNG CỦA TA
Khi tập đoàn cứ điểm mà quân đội Pháp xây dựng tại Điện Biên Phủ dần
hoàn thiện, rất nhiều nhân vật cấp cao của cả Pháp và Mỹ tới thăm đều
nhất trí đánh giá, đây là một "pháo đài không thể công phá". Pháp đã xây
dựng những công sự, hầm chỉ huy hết sức kiên cố, bảo đảm chịu được cả
đạn cối 120mm. Mỗi cứ điểm đều có những tuyến chiến hào lượn quanh và
giao thông hào nối liền các cứ điểm với nhau, cùng nhiều lớp rào dây
thép gai từ 50 đến 75 mét vây bọc. Ngoài ra còn có các bãi mìn dày đặc
và lực lượng cơ động với hệ thống hỏa lực rất mạnh. Mọi cuộc tiến công
của bộ đội ta trên cánh đồng đều phải vượt qua hỏa lực máy bay, đại bác,
xe tăng và sự phản kích của quân cơ động, kể cả quân dù, trước khi đối
đầu với hỏa lực bắn thẳng, hàng rào dây thép gai và bãi mìn của bản thân
cứ điểm.
Về chiến thuật này, Clausewitz, nhà lý luận quân sự kinh điển, đã
viết: "Phải thừa nhận là một số lớn những đồn (nhỏ) như vậy được xây
dựng sát bên nhau, tạo thành một mặt trận có sức mạnh to lớn, hầu như
không thể công phá được"(1).
Trước những thay đổi tăng cường phòng ngự của địch, đồng thời thấy rõ
những bất lợi của ta nếu triển khai phương thức tác chiến “đánh nhanh,
thắng nhanh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh chiến dịch, vô cùng
trăn trở. Phải tìm ra cách đánh thích hợp với trình độ của bộ đội,
khoét sâu vào những nhược điểm cơ bản của địch, hạn chế tới mức thấp
nhất sức mạnh phi pháo và phát huy tới mức cao nhất khả năng tác chiến
của bộ đội và tính năng các loại vũ khí của ta. Cuối cùng, Đại tướng
quyết định lùi ngày mở màn và thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh
chắc, tiến chắc”. Thay vì một cuộc tiến công vào toàn bộ tập đoàn cứ
điểm, ta sẽ xây dựng trận địa bao vây, chia cắt quân địch, đưa pháo vào
những vị trí an toàn, đặt cứ điểm trong tầm bắn, khống chế sân bay, tiếp
đến tiến hành một loạt trận công kiên, tiêu diệt từng trung tâm đề
kháng, tiến tới bóp nghẹt "con nhím Điện Biên Phủ".
Kế hoạch tiến công được lùi lại hơn 1 tháng so với ban đầu. Trong
thời gian đó, ta củng cố hậu phương, hậu cần, đặc biệt tập trung xây
dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn, siết chặt vòng vây quanh Điện
Biên Phủ. Bên cạnh tập đoàn cứ điểm cũ của địch, đã có một “tập đoàn cứ
điểm thứ 2, một tập đoàn cứ điểm di động” hình thành. Vòng dây khổng lồ
sinh sôi nhanh chóng này chính là cái “thòng lọng” sẽ quyết định số phận
của “con nhím thép” Điện Biên Phủ.
SIẾT CHẶT VÒNG VÂY
Ngay từ ngày 23/3/1954, nghĩa là chỉ 10 ngày sau khi mở màn chiến
dịch, sân bay Mường Thanh đã nằm trong tầm ngắm chuẩn xác của pháo binh
ta từ các trận địa, chiến hào mà ta vây lấn, chia cắt. Đến ngày 30/3,
các máy bay đã không thể tiếp cận sân bay và chỉ có thể tiếp tế bằng
cách thả dù. Chiều 22/4/1954, quân ta đã hoàn toàn làm chủ sân bay Mường
Thanh. Tướng Nava - Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương phải thừa
nhận trong tuyệt vọng: “Đối phương tìm cách xâm nhập ngày càng sát vào
tập đoàn cứ điểm. Chiến hào của họ xuất hiện khắp xung quanh, nhất là
mặt phía đông. Cả phản pháo lẫn ném bom của ta đều không bịt miệng được
pháo phòng không và pháo mặt đất của Việt Minh”(2).
Thực tế chiến trường cho thấy, chiến cuộc càng ác liệt, các chiến hào
càng phát huy giá trị. Chiến hào của quân ta không chỉ là chiến tuyến
phòng thủ, cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho bộ đội, nó bao vây, chia cắt,
làm hạn chế viện binh của địch, ngăn cản sự tiếp tế của chúng, đồng
thời giúp ta phát huy được tất cả các cỡ hỏa lực để uy hiếp khu vực
trung tâm, tạo điều kiện cho quân đội tiếp cận và tấn công địch.
Trận địa hào xây dựng chủ yếu vào ban đêm và
triển khai cùng một lúc trên toàn mặt trận. Đây thực sự là một cuộc
chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh. Bộ đội ta phải lao động cật lực, với
những công cụ đào thủ công trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc
nghiệt, ngay dưới làn đạn pháo dày đặc của quân Pháp.
Khi đường hào đã kéo dài hàng chục kilômét trên cánh đồng thì bộ đội
ta không còn cách nào ngụy trang để che mắt quân địch, mỗi tấc đất chiến
hào bắt đầu phải trả bằng máu. Pháo địch bắn suốt đêm vào những đường
hào của ta mà chúng đã phát hiện ban ngày. Máy bay liên tiếp thả đèn dù
phát hiện những mục tiêu mới cho những trận oanh tạc. Địch đưa quân ra
những trận địa ở gần, đánh bật bộ phận canh gác của ta, san lấp những
đoạn hào, gài mìn ngăn bộ đội ta đào tiếp. Quá trình xây dựng trận địa
tiến công, đào hào vây lấn, siết chặt vòng vây trở thành một cuộc chiến
đấu gay go giữa ta và địch.
Thế nhưng các chiến hào vẫn như những mũi khoan, từ nhiều hướng lao
nhanh về phía các cứ điểm của địch ở khu vực trung tâm, ngày càng siết
chặt, với một sức mạnh không gì ngăn cản được. Mọi thủ đoạn phá hoại của
địch đều bị thất bại.
Trong khi quân Pháp phải sinh hoạt trong những điều kiện thiếu thốn
khủng khiếp, quân ta lại có điều kiện sinh hoạt khá phong phú. Nhờ trận
địa chia cắt, ta còn thu được nhiều hàng tiếp tế của quân Pháp, trong đó
có những mặt hàng rất cần thiết cho ta như đạn 105mm, đạn súng cối,
huyết thanh khô, lương thực thực phẩm... Không chỉ khiến cho quân đội
Pháp rơi vào tình thế tuyệt vọng, cuối cùng hoàn toàn thảm bại vào ngày
7/5/1954 , chiến thuật “Vây, lấn, tấn, diệt” trong chiến dịch Điện Biên
Phủ đã góp phần nâng tầm nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một mốc thang
mới, đồng thời đóng góp một hình thái chiến đấu sáng tạo, độc đáo vào
nghệ thuật quân sự thế giới./.
THU HẠNH/ TTXVN (tổng hợp)
___________________
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân. H, 2011, tr.948
(2) Henri Navarre: Thời điểm của những sự thật, Nxb. Công an Nhân dân, H, 2024.