Nhân Ngày nhà giáo quốc tế (3/10), Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã lưu ý về tình trạng thiếu giáo viên ở phạm vi toàn cầu, đồng thời kêu gọi lớp trẻ tăng cường theo học ngành sư phạm, và mong muốn các quốc gia tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của những người làm thầy, cũng như luôn chú trọng việc vinh danh những người làm nghề dạy chữ.
Trong thông điệp nhân dịp này, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, cho rằng đối với tất cả mọi quốc gia, để có được một nền giáo dục tích cực và chất lượng, trước hết cần phải có những nhà giáo giỏi. Muốn thế, các nước phải có những biện pháp động viên, khuyến khích tốt nhất, hiệu quả nhất đối với những người đứng trên bục giảng ở mọi cấp học trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Bà Bokova ghi nhận và bày tỏ lòng biết ơn đối với các hoạt động và những cố gắng không mệt mỏi của các nhà sư phạm, những người mang theo mình một trách nhiệm to lớn trong việc trang bị kiến thức và giáo dục nhân cách cho các thế hệ tương lai, nhằm xây dựng một xã hội, mà ở đó có đầy đủ mọi yếu tố, cơ sở cho sự phát triển thịnh vượng, cho hòa bình, dân chủ và bình đẳng.
Bà Bokova phàn nàn về tình trạng chung trong hệ thống giáo dục toàn cầu hiện nay, đó là thiếu giáo viên, và cho biết chỉ riêng cấp học phổ thông tiểu học, từ nay đến 2015, thế giới cần thêm 1,7 triệu thầy cô mới có thể đáp ứng được nhu cầu đến lớp của trẻ nhỏ. Xét về tổng thể, cũng vào năm ấy, toàn thế giới cần có thêm 5,1 triệu người bổ sung vào lực lượng giáo viên hiện có.
Trước thực trạng ấy, bà Bokova kêu gọi các học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông tích cực theo học tại các cơ sở đào tạo giáo viên, đồng thời kêu gọi mọi quốc gia, mọi thành viên trong xã hội có trách nhiệm cao hơn trong việc tôn vinh nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa nghề sư phạm, vì theo bà, đấy là cách tốt nhất để xây dựng tương lai./.
Theo TTXVN