Thứ Năm, 12/12/2024
Ninh Bình: Hội tụ và Phát triển
Thứ Năm, 3/1/2019 8:54'(GMT+7)

Ứng dụng thành công nhiều thành tựu y học trong chẩn đoán, điều trị bệnh

Phẫu thuật mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình. Ảnh: Minh Quang

Phẫu thuật mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình. Ảnh: Minh Quang

Ứng dụng hiệu quả nhiều kỹ thuật mới

Đầu tháng 9/2018, Khoa mắt - Bệnh viện Đa khoa tỉnh được Bệnh viện Mắt Trung ương hỗ trợ nhân lực và chuyển giao kỹ thuật mổ mắt Phaco, từ đó đến nay, các y bác sĩ trong khoa đã tiếp nhận và phối hợp thực hiện mổ thành công cho nhiều bệnh nhân suy giảm thị lực trong và ngoài tỉnh. Trung bình cứ 1-2 tuần, Bệnh viện sẽ phối hợp cùng với các bác sỹ chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức mổ đồng loạt cho khoảng 20-30 người bệnh, trong đó đa số là những người già từ 60 tuổi trở lên. Từ khi nhận chuyển giao kỹ thuật mới đến nay, Khoa mắt đã phẫu thuật Phaco cho trên 60 ca bệnh. Sau khi mổ mắt, bệnh nhân tái khám trong ngày và được dặn dò chu đáo, đảm bảo mắt có thể hồi phục một cách tốt nhất.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thực hiện theo các tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế, Bệnh viện đã xây dựng và thực hiện các tiêu chí theo chất lượng bệnh viện hạng I, đảm bảo sát đúng với quy định, hướng tới sự hài lòng cho người bệnh. Đặc biệt, Bệnh viện đã quan tâm, chú trọng đến nguồn nhân lực tiếp nhận và triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu chuyên khoa và đảm bảo đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Trong năm 2018, Bệnh viện đã triển khai được 15 kỹ thuật mới, gồm 11 kỹ thuật lâm sàng và 4 kỹ thuật cận lâm sàng. 

Tiêu biểu như các kỹ thuật: Phẫu thuật nội soi mở OMC lấy sỏi kèm cắt túi mật; phẫu thuật cắt khối tá tụy; nội soi ống mềm tán sỏi thận, niệu quản bằng siêu âm, phẫu thuật phaco; điều trị đích ung thư, xét nghiệm tế bào cặn nước tiểu... Kết quả năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã KCB cho trên 320 nghìn lượt người, đạt 106% kế hoạch; trong đó, bệnh nhân điều trị nội trú trên 49 nghìn người; công suất sử dụng giường bệnh thực kê đạt 115% kế hoạch.

Đối với Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, những năm qua, Bệnh viện luôn chú trọng công tác đào tạo cán bộ để triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên môn sâu, như: Đặt bóng gây chuyển dạ; phẫu thuật nọi soi điều trị thoát vị bẹn; kiểm soát huyết áp động mạch xâm nhập; đặt catheter tĩnh mạch trung tâm ở trẻ nhỏ, long line; phẫu thuật nội soi; nội soi hô hấp, nội soi tiêu hóa ở trẻ em; soi buồng tử cung, IUI... 

Đồng thời tích cực triển khai các dịch vụ sàng lọc giúp chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh lý bẩm sinh như sàng lọc điếc bẩm sinh (đo OAE, ABR), sàng lọc trước sinh; thực hiện có hiệu quả Đề án 1816, dự án Norred... Kết quả, Bệnh viện đã khám cho trên 108 nghìn lượt người, đạt 118% chỉ tiêu kế hoạch; điều trị nội trú cho trên 40 nghìn người, đạt 105% kế hoạch; số ca sinh tại Bệnh viện trên 12 nghìn ca, đạt 111% kế hoạch; thực hiện 7.828 ca phẫu thuật loại 3 trở lên; phẫu thuật nội soi 1.305 ca...

Đối với các bệnh viện tuyến huyện cũng đã nỗ lực cố gắng tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cao, thu hút số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngày càng đông, qua đó góp phần làm giảm tải cho tuyến trên. Một số bệnh viện đã xử trí và cấp cứu kịp thời nhiều ca bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao như Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan, huyện Kim Sơn, với các bệnh về tim mạch, sản khoa... 100% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai được các kỹ thuật về phẫu thuật nội soi cắt túi mật, u nang buồng trứng, viêm ruột thừa cùng nhiều kỹ thuật thuộc lĩnh vực ngoại khoa, sản khoa, tim mạch khác.

Quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Hiện nay, ngành Y tế Ninh Bình có 7 Bệnh viện tuyến tỉnh, hàng chục Chi cục và Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 8 Bệnh viện đa khoa và Trung tâm y tế huyện, thành phố; hàng chục Phòng khám đa khoa khu vực và 145 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mạng lưới y tế cơ sở được tăng cường, đến nay 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; trên 80% số xã, phường, thị trấn được công nhận chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020; gần 80% trạm y tế có bác sỹ làm việc… Đội ngũ cán bộ y tế không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. 

Số lượng thầy thuốc tăng nhanh, đến nay số bác sĩ /vạn dân là 11,5 bác sĩ, số dược sĩ đại học/vạn dân là 1,8. Trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc không ngừng nâng lên qua các năm. Đến nay, toàn ngành có trên 100 tiến sĩ, thạc sỹ y khoa, bác sỹ chuyên khoa II và hơn 100 bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa I. Toàn ngành hiện có gần 80 bác sĩ được công nhận danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Thầy thuốc Ưu tú.

Cùng với việc tiếp nhận và làm chủ các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, các đơn vị trong ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực với trình độ chuyên môn cao, mang lại nhiều dịch vụ y tế hiện đại, tiên tiến, giúp người dân được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe chu đáo, toàn diện. Công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều đề tài có tính ứng dụng thực tiễn đã được triển khai. 

Năm 2018, toàn ngành đã có gần 300 đề tài, sáng kiến được đăng ký thực hiện, nghiệm thu áp dụng hiệu quả trong các cơ sở y tế. Toàn ngành đã cử hàng trăm lượt cán bộ đi đào tạo đại học, sau đại học; hàng nghìn lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở tuyến trên theo các dự án, đề án nhằm nâng cao trình độ và tay nghề. Cùng với đó, công tác tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm công chức, viên chức được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo thực hiện tốt chế độ chính sách và tiền lương cho công chức, viên chức và người lao động...

Triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh, trong năm, các bệnh viện tuyến tỉnh đã được cán bộ bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh; cán bộ, bác sỹ bệnh viện tuyến tỉnh về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến huyện, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện các kỹ thuật mới, hiện đại trong khám và điều trị bệnh. Đặc biệt, thông qua Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng (NORRED), các đơn vị thụ hưởng dự án đã cử hàng trăm lượt cán bộ, bác sĩ đi đào tạo chuyên môn thuộc các chuyên ngành: Ung bướu, tim mạch, sản, nhi và chấn thương tại các bệnh viện tuyến Trung ương để tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật mới. 

Thêm vào đó, các Bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện đa khoa, Sản-Nhi cũng được một số bệnh viện lớn của Trung ương như: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Viện K, Viện tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… mỗi năm chuyển giao hàng chục kỹ thuật cao theo Đề án Bệnh viện vệ tinh, từ đó số người đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tăng, nhiều ca bệnh nặng không phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, thời gian tới, ngành Y tế Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật mới vào chẩn đoán, cấp cứu, điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám bệnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và quản lý KCB. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững... 

Những giải pháp này nhằm mục tiêu hướng tới giảm phiền hà cho người bệnh và người nhà bệnh nhân; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới./.

Theo baoninhbinh.org.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất