Thứ Tư, 25/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 14/6/2011 16:36'(GMT+7)

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp

* Nông dân tỉnh An Giang sau khi xuống giống đạt diện tích 231.640 ha lúa Hè thu 2011, vượt kế hoạch xuống giống gần 1.000 ha, đang dồn sức chăm sóc cho lúa, khi lúa đang giai đoạn làm đòng, trổ bông. Tuy nhiên theo dự báo của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, hiện nay hầu hết các trà lúa đều xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại, chỉ trong vòng 15 ngày đã có thêm 30.000 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh mới, trong đó phổ biến nhất là các loại sâu bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình trổ bông, gây nên tình trạng lem lép hạt, nếu phòng trị không đúng phương pháp sẽ làm giảm năng suất khi thu hoạch.

Vụ Hè thu là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn nhất trong năm, do thời tiết nắng hạn gay gắt vào đầu vụ và mưa, bão cuối vụ, nên phát sinh nhiều đối tượng sinh vật hại lúa. Tuy nhiên, bà con nông dân đã có kinh nghiệm và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, sử dụng giống lúa thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai và có khả năng chống chịu dịch bệnh gây hại để canh tác đạt năng suất cao. Theo Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, các loại dịch bệnh như rầy nâu, bệnh đạo ôn và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn là mối đe dọa chủ yếu trên đồng ruộng. Ngoài ra còn có bệnh cháy bìa lá, bệnh lép vàng, bệnh vàng lá chín sớm, bệnh lem lép hạt và những tác nhân của nhện gié làm bông lúa không trỗ hết, ảnh hưởng năng suất thu hoạch. Vì vậy, bà con nên thường xuyên thăm đồng, khi xuất hiện bệnh nên áp dụng biện pháp hóa học phun xịt thuốc trước 10 ngày khi lúa trổ, thực hiện biện pháp bón phân cân đối...

 * “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha” là đề tài nghiên cứu của bốn huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh (Quảng Trị) triển khai từ năm 2007 vừa được Hội đồng Khoa học tỉnh Quảng Trị nghiệm thu.

 Các huyện đã xây dựng và hoàn thiện nhiều mô hình có giá trị thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên các vùng sinh thái khác nhau. Tại huyện Hải Lăng là mô hình nuôi cá kết hợp nuôi ếch; mô hình trồng rau an toàn; mô hình trồng ném, mô hình nuôi lợn rừng lai... Huyện còn chủ động đầu tư thử nghiệm một số giống cây trồng, con nuôi mới; áp dụng một số kỹ thuật tiến bộ như: kỹ thuật sạ hàng, ICM; đưa máy gặt đập liên hợp vào phục vụ sản xuất. Huyện Triệu Phong có các mô hình hiệu quả như mô hình VAC; mô hình lúa - cá; mô hình luân canh nhiều vụ và sản xuất rau an toàn,... Huyện Gio Linh thành công với các mô hình như lúa chất lượng cao; lạc đông xuân - dưa hè thu; dưa hấu xen sắn KM94; chăn nuôi bò - trồng cỏ voi... Huyện Vĩnh Linh lại nổi bật với các mô hình lúa - cá - lúa; lúa - cá - lợn; môn xen khoai lang gối sắn dây; ném xen ngô đông xuân - dưa non... Tiếp theo các đề tài nghiên cứu này, bốn huyện đang xây dựng đề án “Phát triển chương trình cánh đồng có hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đến năm 2015” với mục tiêu tạo được những cánh đồng sản xuất đạt giá trị và hiệu quả cao, giúp nông dân nắm bắt thêm thông tin về kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào sản xuất nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 7 của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

* Quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn đến năm 20 15 của Đồng Tháp xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là lúa và thủy sản (cá tra, tôm càng xanh) , đồng thời xây dựng thêm 3 loại sản phẩm khác là xoài, quýt hồng và ớt. Đ ặc biệt tỉnh chú trọng “xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh với thế mạnh là cây lúa và thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước và là nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu…” . Sản lượng lúa đạt trên 2,5 triệu tấn, có trên 80% lúa chất lượng cao, trong đó có từ 300 ngàn đến 400 ngàn tấn lúa đặc sản. Tổng sản lượng thủy sản đạt 463.000 tấn (cá tra 383.000 tấn, tôm càng xanh 9.080 tấn, còn lại là cá khác). Xoài Cao Lãnh sản lượng 55 ngàn tấn. Quýt hồng Lai Vung sản lượng 52.600 tấn. Ớt Thanh Bình , sản lượng 38.720 tấn.

Hiện diện tích gieo trồng lúa cả tỉnh là 460.042 ha, s ản lượng trên 2,8 triệu tấn, đứng thứ 3 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (sau An Giang và Kiên Giang) ; trong đó lúa chất lượng cao chiếm 60%, lượng lúa hàng hóa trên 1,8 triệu tấn, đóng góp lớn cho an ninh lương thực cả nước. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh do khai thác tốt lợi thế vùng đất bãi bồi ven sông Tiền sông Hậu nuôi cá tra xuất khẩu, khai thác lợi thế mùa nước nổi nuôi tôm càng xanh, nuôi cá rô đồng trên ruộng… Đối với d iện tích xoài Cao Lãnh trên 4.500 ha, sản lượng trên 42 ngàn tấn. Sản phẩm quýt hồng Lai Vung có diện tích đạt 1.750 ha, sản lượng đạt 46.000 tấn. Diện tích ớt Thanh Bình gieo trồng hàng năm trên 1.000 ha, sản lượng trên 24.200 tấn./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất