Với những thành tựu trong lĩnh vực y tế và giáo dục trong hơn 25 năm
qua, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khuyến cáo thế giới phải quan
tâm hơn nữa để giúp những trẻ em thuộc diện nghèo khổ nhất trên toàn thế
giới có cơ hội đổi đời.
Báo cáo thường niên của UNICEF với nhan đề "Tình trạng trẻ em trên thế
giới" công bố ngày 28/6 đã đánh giá cao những thành tựu quan trọng khi
tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giảm 53% kể từ năm 1990 và giảm đáng kẻ tỷ lệ
trẻ em thuộc diện nghèo cùng cực.
Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo thế giới vẫn có đến 69 triệu trẻ em dưới 5
tuổi có nguy cơ cao bị tử vong do những nguyên nhân có thể được ngăn
chặn và 167 triệu trẻ sẽ phải sống trong cảnh khốn cùng trong hơn 15 năm
tới.
UNICEF dự báo nạn tảo hôn vẫn là một vấn nạn khi 750 triệu phụ nữ và trẻ
em gái sẽ kết hôn khi chưa đến tuổi vị thành niên cho đến năm 2030, đây
là thời thời hạn chót do Liên hợp quốc đặt ra nhằm đạt được mục tiêu
mới toàn cầu về phát triển bền vững.
Phát biểu trước báo giới, Phó Giám đốc điều hành UNICEF Justin Forsyth
nêu rõ không chú trọng tới các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã
hội - ở đây là trẻ em- các nước khó có thể đạt được các mục tiêu phát
triển bền vững. Trên thực tế, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để củng cố các
thành tích mà thế giới đã đạt được trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo và
chăm sóc bà mẹ, trẻ em.
Theo UNICEF, số trẻ em nghèo tử vong trước 5 tuổi cao gấp đôi so với trẻ
em sống trong gia đình khá giả hơn. Cũng tương tự như vậy, tỷ lệ kết
hôn sớm ở nhưng bé gái con nhà nghèo thường gấp đôi so với những bé gái
sống trong gia đình giàu.
Báo cáo cũng kêu gọi các nước tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục
với nhận định rằng nếu trẻ có thêm một năm đến trường thì cơ hội tăng
thu nhập sẽ cao hơn 10% trong tương lai, do vậy tỷ lệ đói nghèo của quốc
gia đó sẽ giảm 9%.
UNICEF nhận định, tình trạng bỏ học đang là một trong những thách thức
mới của thế giới. Theo thống kê, khoảng 124 triệu trẻ em không học hết
tiểu học và trung học phổ thông và con số này tăng thêm 2 triệu trẻ kể
từ năm 2011.
Cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng buộc các tổ chức đa phương
phải đề ra chương trình giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.
Đây cũng là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu năm 2030
được Liên hợp quốc thông qua năm 2015. Chương trình đề ra những mốc thời
gian cụ thể như 800 tuần để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói
cùng cực ở tất cả mọi nơi trên Trái Đất; 800 tuần để giúp 800 triệu
người thoát khỏi nghèo đói./.
(TTXVN)