Thứ Tư, 27/11/2024
Đời sống
Thứ Ba, 10/7/2012 14:18'(GMT+7)

Ưu tiên thực hiện tốt chính sách với người có công

 PV: Ông có thể cho biết đôi nét về ưu đãi xã hội đối với NCC?

Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng ta đã khẳng định: Không chờ kinh tế phát triển mới giải quyết các vấn đề xã hội mà phải đồng thời thực hiện; tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển. Theo đó, ưu đãi xã hội đối với người có công (NCC) với cách mạng vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội. Điều này được thể hiện rõ ở việc Nhà nước đã ban hành trên 1.400 văn bản pháp quy nhằm cụ thể hóa các chế độ, chính sách ưu đãi NCC; đồng thời tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, từ đó phát huy tốt hơn nữa các nguồn lực trong cộng đồng, huy động người dân tham gia đóng góp tích cực vào hoạt động của công tác này.

Con số hơn 8 triệu người được hưởng chế độ ưu đãi một lần và hàng tháng; hàng chục ngàn con thương binh liệt sĩ được hưởng các chế độ ưu đãi về giáo dục- đào tạo, y tế; gần 15.000 cán bộ lão thành cách mạng được hỗ trợ cải thiện về nhà ở, về mức sống; hơn 44.000 mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) được phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời…đã thể hiện rõ đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta.

PV: Nhưng thưa ông, trên thực tế cũng vẫn còn không ít những NCC vẫn còn chưa được thụ hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước; nhiều gia đình liệt sĩ vẫn tốn bao công sức để đi tìm phần mộ của người thân; biết bao người vẫn phải chạy vạy, làm đơn từ bao nhiêu năm qua mà chưa được giải quyết chế độ chính sách; nhiều gia đình NCC vẫn đang có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn…Điều này khiến chúng ta không khỏi day dứt?

Ông Đào Văn Dũng: Đúng là có những hiện tượng như trên. Tình trạng thực hiện sai và sót đối tượng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đặc biệt vẫn còn ở nhiều địa phương với biểu hiện cụ thể như: một số đối tượng không thuộc diện chính sách ưu đãi, nhưng vẫn được xét hưởng, trong khi, một bộ phận người có công thật sự nhưng do thất lạc giấy tờ cần thiết lại chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Hiện vẫn còn một bộ phận gia đình chính sách, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng đời sống còn nhiều khó khăn.

Thật ra, những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện chính sách đối với NCC không chỉ xuất phát một phần từ điều kiện kinh tế xã hội, mà còn do những bất cập trong quản lý Nhà nước về công tác này. Hơn thế nữa, chính sách xã hội hiện nay cũng chậm đổi mới so với tình hình biến đổi kinh tế - xã hội tại các địa phương. Điều quan trọng hơn cả là khâu cán bộ. Được biết ở nhiều địa phương cán bộ chính sách vừa thiếu, vừa yếu, một bộ phận trong số họ còn thiếu cả cái tâm và cái tầm nên trong quá trình triển khai thực hiện đã ít nhiều nảy sinh bất công. Điều này đáng phải suy ngẫm, trăn trở.

Nói về chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho người có công. Theo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (Điều 4): Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ bảo đảm tương ứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, chế độ trợ cấp ưu đãi hiện nay chưa tương ứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội.

Còn chế độ trợ cấp ưu đãi một lần cũng tồn tại nhiều điểm bất hợp lý. Người hoạt động cách mạng trước năm 1945, người hoạt động cách mạng từ 01/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 chết, thân nhân hưởng trợ cấp ưu đãi một lần. Trong khi đó, những đối tượng như: Người hoạt động kháng chiến được khen tặng Huân, Huy chương kháng chiến; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị tù đày; người có công giúp cách mạng và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đã chết, nay đủ điều kiện xác nhận thì thân nhân của họ lại không được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần…Ngoài ra còn những bất cập khác về chế độ người phục vụ; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.

Theo GS.TS Đào Văn Dũng: 'Chính sách đối với NCC cần theo kịp chính sách kinh tế". Ảnh: QT


PV
: Thưa ông, những chính sách xã hội nói chung và chính sách đối với NCC chưa theo kịp với chính sách kinh tế; mức sống của NCC còn thấp so với mặt bằng chung của toàn xã hội. Vậy khắc phục những bất cập này có khó không?

Ông Đào Văn Dũng: Để thực hiện tốt hơn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay có thể sẽ xuất hiện nguy cơ một bộ phận dân cư bị suy giảm thu nhập và mức sống kèm theo phân hóa giầu nghèo trong xã hội ngày càng sâu sắc, việc nghiên cứu và ban hành Luật ưu đãi người có công là điều cần thiết nhằm bảo đảm việc thực hiện chính sách được thống nhất trên phạm vi cả nước, cũng như bảo đảm cho mọi đối tượng được tiếp cận với các dịch vụ một cách công bằng và có chất lượng. Đồng thời, cần phải thường xuyên rà soát lại chính sách đối với NCC để đổi mới theo hướng nâng cao mức trợ cấp để thực sự có sự tác động mạnh đến chất lượng cuộc sống của đối tượng được hưởng.

Mặt khác, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển một số lĩnh vực cho các đối tượng chính sách như: hệ thống giáo dục, đào tạo nghề mang tính chuyên nghiệp; có hệ thống thang bảng lương phù hợp; có chương trình đào tạo ở bậc đại học và sau đại học; có hiệp hội công tác xã hội ở cấp quốc gia... để tạo bước đột phá mới về tạo việc làm, tăng thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản thuận lợi hơn, chất lượng hơn. Có như vậy, mới cải thiện và nâng cao mức sống của những người có công giúp họ và thân nhân hội nhập với quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

PV: Theo ông, hệ thống văn bản, chính sách với NCC hiện nay đã đầy đủ chưa? Cần phải bổ sung gì?

Ông Đào Văn Dũng: Như đã trao đổi ở phần trên thì việc nghiên cứu và ban hành Luật ưu đãi người có công là điều cần thiết nhằm bảo đảm việc thực hiện chính sách được thống nhất trên phạm vi cả nước, cũng như bảo đảm cho mọi đối tượng được tiếp cận với các dịch vụ một cách công bằng và có chất lượng. Bên cạnh đó thì cần phải tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách cũng cần được tăng cường về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời thúc đẩy giải quyết tồn đọng đơn thư khiếu nại, tố cáo.

PV: Thưa ông, nhiều năm qua chúng ta cũng đã xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa thông qua các chương hình hành động và nguồn quỹ xã hội. Tháng 7 hàng năm cũng là thời điểm cả nước tri ân những người NCC với nước, cũng là lúc chúng ta nhắc nhiều đến trách nhiệm xã hội đối với những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Vậy phải làm thế nào để những nghĩa cử cao đẹp ấy được nhân rộng, phát huy chứ không bị hiểu là “nghĩa vụ hóa” như hiện nay?

Ông Đào Văn Dũng: Vấn đề này phụ thuộc vào công tác tuyên truyền, vận động. Phải tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nội dung của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, ý nghĩa của phong trào “đền ơn đáp nghĩa”. Huy động các kênh thông tin truyền thông tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền về các chính sách ưu đãi người có công là một việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Báo chí cũng là một kênh thông tin rất hữu ích đối với việc tuyên truyền chính sách đãi ngộ với NCC, tuyên dương những tấm gương thương binh, thân nhân liệt sỹ, người có công vượt khó, làm giàu, tiêu biểu trong lao động, sản xuất, hoạt động văn hóa - xã hội...

Ở đây, cần phải nhấn mạnh lại Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng như đã nói ở phần trên là: Không chờ kinh tế phát triển mới giải quyết các vấn đề xã hội, mà ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Muốn đảm bảo công bằng xã hội trước hết phải quan tâm đến NCC và trong lĩnh vực NCC thì trước hết phải hoàn thiện chế độ trợ cấp ưu đãi, chế độ đối với người phục vụ, chế độ điều dưỡng. Quan trọng nhất vẫn là công bằng trong thực thi ưu đãi xã hội.

PV: Vừa qua, Nghị quyết hội nghị lần thứ 5, BCH TƯ khóa XI- một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020 đã xác định mục tiêu: Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân. Vậy phải làm gì để đạt được mục tiêu này?

Ông Đào Văn Dũng: Có thể thấy chính sách xã hội nhằm tạo ra lưới an sinh xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển. Do đó, để đạt được những mục tiêu nêu trên, chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ. Cùng với đó, chính sách xã hội phải được thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên thực hiện tốt chính sách đối với người có công; bảo đảm mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thu Hương- Tuấn Đạt ( thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất