Thứ Tư, 25/9/2024
Đời sống
Thứ Tư, 4/7/2012 16:14'(GMT+7)

Chung sức xây dựng nông thôn mới: Lai Châu tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển bền vững

Xuất phát từ thực tế ấy, các cấp Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn và đào tạo nghề, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con, tạo điều kiện cho nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững.

* Thành công trong hoạt động hỗ trợ vốn

Xác định rõ tiêu chí chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới làm động lực, lấy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh làm trọng tâm, Hội Nông dân đã tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh vận động nông dân tích cực lao động sản xuất, tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mô hình kết hợp nông – lâm nghiệp. Bên cạnh việc đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế như xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân, phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, các cấp Hội Nông dân còn hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn, vận động nông dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Lai Châu, ông Lê Xuân Hùng cho biết: Hội Nông dân đã phối hợp với nhiều tổ chức tín dụng, trong đó có Ngân hàng chính sách thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, định hướng để đối tượng được vay vốn nâng cao ý thức, trách nhiệm, đảm bảo đúng mục đích, hoàn trả vốn vay, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Từ đầu năm đến nay đã có hơn 18.000 hộ được vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ đạt gần 310 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho 1.700 hộ vay với tổng dư nợ đạt gần 100 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ nông dân được duy trì và phát huy có hiệu quả, đến nay đã giải ngân cho 9 dự án, gần 170 hộ vay với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn ấy, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là mô hình chăn nuôi khép kín, kết hợp sản xuất nông – lâm nghiệp, mô hình vườn – ao – chuồng, vườn – ao – rừng … ngày càng phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, Hội còn thành lập các tổ nông dân để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, giúp các hội viên gặp khó khăn về nguồn vốn, cho mượn cây, con giống, vật tư… Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 120 chi, tổ hội phân bổ tại hầu hết các thôn, bản, xã; triển khai xây dựng các chi, tổ hội nông dân cơ động ngay tại địa bàn các xã vùng sâu vùng xa để hội viên có thể kịp thời vận dụng phương thức nông nghiệp mới vào sản xuất đồng thời chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cùng nhau thoát nghèo. Chính từ đó, ngày càng thêm nhiều gương điển hình tiên tiến, nhiều hộ gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, vươn lên làm giàu chính đáng.

Hội Nông dân cùng Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm giống, vật tư nông nghiệp phối hợp đưa vào nuôi trồng một số giống cây, con mới chất lượng cao; kết hợp xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp giúp nông dân phát triển bền vững. Theo đó, bước đầu hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như sản xuất rau sạch tại Thị xã Lai Châu và huyện Tam Đường; sản xuất và chế biến chè tại huyện Tân Uyên, Than Uyên; sản xuất lúa tại huyện Than Uyên, Tam Đường; trồng cao su tại huyện Phong Thổ, Sìn Hồ; nuôi trồng thủy sản dọc tuyến sông Đà và trên các vùng thủy điện khác… Với hiệu quả đem lại là không nhỏ, việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được xem là sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và là giải pháp bền vững nhằm xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tại địa phương.

* P hát triển và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề

Cùng hoạt động hỗ trợ vay vốn, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức dạy nghề với phương châm phù hợp với năng lực nhận thức của nông dân mà đa số họ là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không cao; kết hợp tổ chức dạy nghề dài hạn và ngắn hạn, trong đó các lớp ngắn hạn mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm Hội Nông dân tỉnh đã mở 10 dạy lớp nghề ngắn hạn cho 300 học viên, các chương trình dạy nghề đều gắn kết giữa lý thuyết và thực hành, giúp học viên áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất.

Không chỉ mở các lớp đào tạo, Trung tâm còn tham gia nghiên cứu xây dựng một số mô hình lồng ghép phát triển nông nghiệp thí điểm, đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét và phù hợp với bà con các dân tộc, dễ dàng triển khai, đưa vào thực tiễn sản xuất như mô hình trồng ngô lai, lúa lai, cây cao su… theo phương pháp và cách chăm sóc mới. Qua học nghề, bà con được tiếp cận kiến thức, nội dung mới về phát triển sản xuất, cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu địa phương. Đào tạo nghề cho nông dân luôn gắn liền với việc áp dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, thay thế dần tập quán sản xuất cũ, lạc hậu, nâng cao tay nghề bà con, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu Vũ Thị Liên cho biết: Trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp tiếp tục hỗ trợ bà con về kiến thức khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ con, giống, vật tư, vốn và công cụ sản xuất; vận động nhân dân nêu cao tinh thần tự lực vươn lên, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo hình thức kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác và hợp tác xã kiểu mới.

Có thể thấy việc hỗ trợ vay vốn và đào tạo nghề cho nông dân tỉnh Lai Châu đang ngày một phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Chất lượng cuộc sống của người nông dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cơ bản được nâng cao, góp phần thực hiện thành công chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước./.

Quang Duy - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất