Diễn ra ngày hôm qua, 7-7, tại TP Đà Nẵng, hội nghị đã họp mặt gần 400 vị đại biểu. Nhiều câu chuyện được nghe kể thật bất ngờ và xúc động. Chuyện một thiếu nhi 15 tuổi tự mổ bụng để phản đối chế độ nhà tù hà khắc, chuyện người tham gia kháng chiến từ năm 13 tuổi, chiến đấu hàng trăm trận, bắt sống hàng ngàn tên địch. Hay chuyện những thương binh, bệnh binh trở về sau chiến tranh, quyết tâm theo lời dạy của Bác Hồ, “tàn nhưng không phế”, vượt qua khó khăn làm kinh tế, giúp mình giúp đồng đội thoát nghèo và tiếp tục cống hiến cho xã hội. Trong chiến tranh, họ là những tấm gương hy sinh vì đất nước, trong cuộc sống đời thường hôm nay, họ vẫn tiếp tục nêu gương sáng để thế hệ sau suy ngẫm và học tập.
Người thương binh cụt chân tự tay đào đắp 3 km đường
Đây không phải là lần đầu tiên ông Hồ Mơ, 74 tuổi, ở thôn Prin C, xã À Dơi, huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị được đi dự hội nghị, mà ông đã đi khắp trong nam ngoài bắc, đi bao nhiêu lần cũng không nhớ nữa. Lần này, trong 10 người tiêu biểu của cả huyện Hương Hóa, người ta cũng chỉ chọn mỗi mình ông đi dự.
Tôi nhìn thấy ông mặc chiếc áo thổ cẩm, dáng người nhỏ thó, chân khập khiễng, đi rất nhanh dọc hành lang của hội trường. Ông Hồ Mơ kể, ông đi bộ đội từ năm 1956, qua rất nhiều đơn vị và cuối cùng là tiểu đoàn trưởng K2 chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Tiểu đoàn của ông hồi đó trăm trận trăm thắng, vì ông đã đưa ra kỷ luật “sắt” không cho phép ai rút quân khi chưa có lệnh ông, nếu không sẽ bị bắn. Tất cả mọi người đều răm rắp tuân theo. Có trận, tiểu đoàn của ông đánh thắng ba tiểu đoàn địch, rồi rút lui đúng lúc, trước khi địch dùng máy bay oanh tạc vùng đất đó đến không còn một cọng cây ngọn cỏ, vì chúng nghĩ chắc phải cả sư đoàn đang đóng quân ở đó.
Vào năm 1969, ông đã bị thương trong một trận đánh vì vướng vào mìn. Ông kể, ông vẫn rất tỉnh táo khi cả chân phải đã dập nát, và ra lệnh cho đồng đội rút quân vì biết còn rất nhiều mìn chưa nổ.
Từ đó, ông được chuyển ra bắc để điều trị vết thương. Khi chân phải bị cưa, mất cả năm trời ông mới tập đi được trên cái chân giả, đau đến nước mắt và mồ hôi cùng túa ra. Giờ thì cái chân ông đã ổn lắm rồi, ông nhanh nhẹn đến mức không ai biết ông đang phải đi lại trên cái chân giả.
Năm 1980, ông nghỉ hưu, về làm chủ tịch xã À Dơi hai năm, rồi nhận cai quản 54 ha rừng ở đồi Phù Nhoi. Hồi đó, xã của ông còn chưa có đường, một mình ông, với cái chân giả, đã dùng cuốc, xẻng đào đắp được hơn ba cây số đường trong hai tháng. Cứ buổi sáng, ông lại đeo bên mình ống nước, ống cơm, dao rựa đi làm đường cả ngày. Một mình ông vật lộn với rừng rú, cuối cùng cũng đã làm được con đường ô tô có thể đi lên được. Nhờ có con đường ấy, bà con dân bản mới đi lại để trồng trọt, kiếm ăn, họ biết ơn ông lắm. Cũng nhờ con đường ấy, ông khai phá được hơn 3 ha ruộng, và trồng bời lời, cao su trên rừng.
Thấy con đường đất mình làm cho bà con thỉnh thoảng lại bị sạt lở, mà sức người không còn đủ để lăn ra đào đắp, ông mua cho thằng con trai một cái xe ủi, lúc đường sạt lở là lái xe ra ủi lại, nên dù mùa mưa hay nắng, đường bao giờ cũng thông.
Ông kể giờ đây ông có 15 con trâu, 30 con bò, 15 con dê và trên dưới 100 con ngan, vịt. Mỗi năm, tổng thu nhập của ông phải lên đến 400 triệu đồng, nhưng ông chỉ giữ lại 50 triệu, còn 350 triệu ông mang ra cứu đói cho bà con, mua trâu bò lợn gà cho họ nuôi đề thoát nghèo...
Ông bảo, được đi dự hội nghị như thế này là vinh dự lớn. Khi trở về, ông phải có trách nhiệm báo cáo ở tỉnh, rồi báo cáo về huyện, về xã rằng ông đã được đi dự hội nghị người có công như thế nào, ông sẽ kể Chủ tịch nước đã nói gì, và Nhà nước ta đã đền ơn đáp nghĩa những người có công như ông ra sao.
Bán vé số lấy tiền xây mộ đồng đội
Những việc làm của bà Đặng Thị Bảy, 68 tuổi ở ấp Hưng Mỹ, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp khiến nhiều người tự vấn, rằng không phải đợi đến lúc có điều kiện đủ đầy mới có thể làm việc nghĩa. Bà Bảy sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em, không ruộng đất, cuộc sống nghèo khổ và khó khăn. Năm 13 tuổi, bà được chính anh ruột của mình giác ngộ và đi theo cách mạng. Vì nhỏ tuổi nên các cô chú, anh chị trong đơn vị gọi bà là Bảy Nhỏ và phân công nhiệm vụ làm giao liên. Bà Bảy nhớ lại: “Vào thời điểm chiến dịch Mậu Thân 1968, trong trận đánh chiếm đồn Gò Dầu thuộc xã Tân Mỹ, trên đường rút quân về Mương Điều (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò), đơn vị bị pháo địch trả đũa. Anh chị em hy sinh nhiều lắm. Tôi thoát chết, nhưng mảnh pháo trúng vào vùng đầu làm liệt nửa thân người và được phân công vào tuyến sau.
Khi đó, tôi nhớ lời hứa mà 20 người đồng đội nói với nhau trong lễ kết nạp Đảng năm 1965, “đến ngày độc lập, ai còn sống sẽ xây mồ, làm mả cho người nằm xuống”. Sau chiến dịch Mậu Thân, 19 đồng đội cùng chung ngày kết nạp Đảng với tôi đều hy sinh hết. Chỉ mình tôi sống sót trở về, vì thế tôi nung nấu ý định thực hiện lời hứa đó”.
Tuy nhiên, cuộc sống sau chiến tranh của một phụ nữ là thương binh nặng càng vô cùng gian nan vất vả. Bà Bảy phải đi bán vé số để kiếm sống. Bất chấp thương tật, ngày nắng cũng như ngày mưa, bà đi khắp xóm làng để bán vé số. Nhưng bà vẫn quyết tâm thực hiện lời hứa năm xưa với đồng đội. Từ năm 1997, bà trích một phần tiền trợ cấp thương tật bỏ “ống heo” mỗi ngày. Và cũng từ năm 1997, toàn bộ tiền bán vé số hoặc mỗi khi có vé được trúng thưởng, bà cũng cho hết vào ống heo. Đến năm 2010, trong lúc xã Long Hưng A sửa chữa lại nghĩa trang liệt sĩ của xã, bà đập ống heo và vui mừng vì số tiền mình dành dụm trong 12 năm 6 tháng đã được 72 triệu đồng. Bà Bảy đến gặp lãnh đạo xã để bày tỏ nguyện vọng của mình, đóng góp vào việc sửa chữa nghĩa trang, xây cất mồ mả các đồng đội của mình thêm khang trang. Lúc đó, lãnh đạo xã thấy bà thương tật, hoàn cảnh khó khăn nên không chịu nhận số tiền đó, thuyết phục bà giữ lại để dưỡng già. Tuy nhiên, bà Bảy cũng cho biết đó là tâm nguyện cả đời của bà và cũng là lời hứa với đồng đội, nên cuối cùng, lãnh đạo xã đã đồng ý dùng số tiền ấy để ốp gạch toàn bộ 144 ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ xã.
Nữ Anh hùng trong một làng anh hùng
Bà Kpă Ó, 58 tuổi, Anh hùng LLVT nhân dân nói, hiện nay bà đang sống trong một làng Anh hùng. Đó là làng Bạc 1- Ia phìn, Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Ở đây có rất nhiều thương binh, bệnh binh, hầu hết cả làng đều là “người có công” với cách mạng. Khi đất còn chiến tranh, bản thân Kpă Ó là một người rất trẻ. Tham gia đội du kích E5 khu E5, với tuổi 17 năng nổ, bà được phong là Trung đội trưởng, chỉ huy trung đội lập nhiều thành tích xuất sắc: Diệt xe tăng địch, bắn rơi máy bay Mỹ, vận động dân làng phá ấp giành dân, bảo vệ buôn làng. Năm 1978, nữ du kích Kpă Ó vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Từ đó, bà được gọi với cái tên rất đỗi tự hào: “Nữ anh hùng làng Bạc”.
“Kỷ niệm” về chiến tranh trong Kpă Ó gần như còn nguyên vẹn, nhưng bà nói, nhớ nhất là trận đánh xe tăng địch. Mặc dù nhỏ nhất đội du kích, nhưng Kpă Ó vẫn xung phong nhận nhiệm vụ quan trọng: Chặn đầu đoàn xe địch. Hôm đó, giặc Mỹ sử dụng 4 xe đi càn, thì hai chiếc vướng mìn và nổ tung tại chỗ, hàng chục tên giặc Mỹ bị chết. Số còn lại nhảy ra khỏi xe, bị Kpă Ó và đội du kích tiêu diệt. Hai chiếc xe còn lại chạy “bán sống, bán chết”. Cuộc hành quân của địch bị du kích làng Bạc bẻ gãy.
Trở về sau chiến tranh, đồng đội Kpă Ó người thì bị cụt tay, cụt chân, người thì mù mắt, người an nghỉ tại chiến trường, người trở về không còn nguyên vẹn. Tự nhận rằng đồng bào mình trình độ dân trí chưa cao, không được học hành nhiều và hiểu hiểu biết kém, Kpă Ó tiếp tục đi vận động, tuyên truyền, giải thích để đồng bào biết cách làm ăn, cải thiện đời sống, đồng thời không nghe lời kẻ xấu chia rẽ đoàn kết trong buôn làng. Hiện nay, gia đình Kpă Ó trồng được hơn 1 ha cà phê, 300 trụ tiêu, nuôi heo, nuôi bò. Các con Kpă Ó đều khôn lớn…
Theo Nhân Dân