Ngày 29/6, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Irina Bokova khẳng định khoa học xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng giúp phát triển các chính sách công nhằm xây dựng các xã hội xanh và bền vững.
Đây cũng là thông điệp của Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) về khoa học xã hội hỗ trợ các chính sách thúc đẩy xã hội hướng tới phát triển bền vững.
Phát biểu trước báo giới, bà Bokova nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức chung của công chúng về nhu cầu khoa học xã hội trong việc góp phần tạo ra tương lai mà nhân loại mong muốn cũng như sự cần thiết phải tăng cường giao diện giữa chính sách và khoa học. Ý tưởng về phát triển bền vững phụ thuộc vào sự sẵn có của cơ sở tri thức và khả năng sử dụng tri thức. UNESCO sẽ hành động để tăng cường cơ sở khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời tăng cường sự đóng góp của cơ sở khoa học này nhằm làm cho các chính sách phát triển thấm đẫm tri thức khoa học.
Tổng Giám đốc UNESCO cũng nêu rõ nhân loại ngày nay phải xử lý các vấn đề và thách thức mới về xã hội cũng như về đường lối mới hướng tới bền vững. Khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng sống còn để phát triển các chính sách tốt hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu và giải quyết các thách thức mà nhân loại đang đối mặt. Đây là vấn đề cốt lõi để đảm bảo phát triển bền vững trong thế kỷ tới. Bà Bokova cũng nhấn mạnh các chính sách công phải được phát triển trên nền tảng khoa học xã hội và nhân văn nhằm xây dựng các xã hội tri thức và xanh hơn.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Hội đồng Khoa học xã hội quốc tế (ISSC) Heide Hackmann nhấn mạnh đến nhu cầu về một hợp đồng mới giữa khoa học xã hội và chính sách, về nghiên cứu đa lĩnh vực, bao gồm cả Sáng kiến về Trái Đất tương lai. Theo Tổng Giám đốc ISSC, đây là các nhân tố cần thiết để biến tri thức thành thực tế./.
(TTXVN)