Chủ Nhật, 6/10/2024
Thể thao
Thứ Ba, 24/8/2010 12:33'(GMT+7)

"V.League 2010 giàu tính cạnh tranh"

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ

PV: Thưa ông Nguyễn Trọng Hỷ, trong buổi café sáng ngày hôm qua, một đồng nghiệp của tôi khi nói về V.League 2010 đã không khỏi ta thán về tính cạnh tranh của nó. Anh cho rằng việc HN.T&T vô địch trước 2 vòng đấu và M.NĐ xuống hạng hơi sớm đã khiến giải đấu giảm tính cạnh tranh rất nhiều ở 2-3 vòng đấu cuối. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: Tôi tôn trọng quan điểm trên nhưng bạn đã hỏi thật thì tôi cũng trả lời rất thật là tôi không đồng tình. Khi nói đến tính cạnh tranh của V.League người ta vẫn hay nghĩ đến vị trí vô địch và những vị trí xuống hạng. Đúng là ở đấy, tính cạnh tranh được thể hiện cao nhất. Nhưng bên cạnh đó, vị trí thứ Hai, thứ Ba - đồng nghĩa với việc nhận HCB, HCĐ - cũng phản ánh tính cạnh tranh của giải đấu đấy chứ. Và nếu nhìn như thế để thấy rằng trong vòng đấu cuối cùng - vòng đấu 26 - mà các đội bóng như XM.HP, CS.ĐT, ĐT.LA, K.KH vẫn chơi đầy quyết tâm để cạnh tranh huy chương thì khó có thể nói rằng V.League 2010 thiếu tính cạnh tranh.

Vậy theo quan điểm của ông, bên cạnh yếu tố “cạnh tranh” thì cái được nhất của V.League 2010 là gì?

Theo tôi, cái được nhất chính là ý thức thương hiệu của từng cầu thủ, từng đội bóng đã được nâng cao. Bạn nên nhớ rằng trong xã hội hiện đại, thương hiệu là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Trong bóng đá hiện đại, thương hiệu cũng có một ý nghĩa quan trọng giống như vậy. Nếu bạn là một cầu thủ có thương hiệu và bạn biết đánh bóng thương hiệu của mình bằng một năng lực chuyên môn tốt cùng những ứng xử tốt, chắc chắn bạn sẽ nhận được mức đãi ngộ cao. Khái niệm “đãi ngộ” ở đây không chỉ có ý nghĩa ở góc độ vật chất, mà còn có nằm trong tình yêu mến của khán giả.

Image
Chất lượng các trận đấu tại V.League mùa này đã được cải thiện đáng kể

Trước nay, phần lớn các cầu thủ của chúng ta đều chưa ý thức rõ điều này. Nhưng ở mùa giải 2010, tôi thấy họ đã biết chiến đấu cho chính họ. Nghĩa là họ hiểu rằng khi vào sân thì phải đá cho chính hình ảnh của mình và khi ra khỏi sân, họ phải ứng xử để bảo vệ chính hình ảnh đó. Dĩ nhiên từ “ý thức” cho đến “thực tiễn” tồn tại những khoảng cách nhất định. Nhưng ít ra, khi từng cá nhân trong một đời sống bóng đá đã bắt đầu ý thức rõ tầm quan trọng của “thương hiệu cá nhân” thì cũng là khi thương hiệu của một tập thể, một đội bóng, một giải đấu vì thế mà được cải thiện.

Nhưng thưa ông, cũng phải thẳng thắn nhìn ngược trở lại vấn đề để thấy rằng đã tồn tại những đội bóng, bằng những cách làm bóng đá “ăn xổi” nên đã phá hỏng ý thức phát triển thương hiệu cần phải có?

Dùng chữ “phá hỏng” có thể hơi nặng, nhưng tôi thừa nhận rằng có những đội bóng chưa ý thức rõ về việc phải phát triển thương hiệu lâu dài. Xin lấy một ví dụ cụ thể như The Vissai Ninh Bình. Tôi cho rằng đội bóng này có lực lượng, có khát vọng và năng lực tài chính. Nhưng việc họ thay HLV như thay áo, rồi không ký những bản hợp đồng dài hạn với các cầu thủ rõ ràng đã khiến cho họ không đạt được thành tích như mong muốn. Trong quan niệm của tôi, điều tối kỵ nhất của một đội bóng là khi chưa đá xong trận đấu cuối cùng mà người ta đã biết chắc việc cầu thủ này, HLV nọ sẽ phải ra đi.

Hãy gạt vấn đề thương hiệu sang một bên để trở lại với một câu chuyện rất thực tiễn: chức vô địch của HN.T&T. Nhiều người nói HN.T&T vô địch không xứng đáng, không thuyết phục và đã chứng minh nó bằng những lý do như họ là nhà vô địch có số điểm ít nhất trong số những nhà vô địch trước đó. Ông có thể đánh giá về vấn đề này?

Khi bạn đứng trên hệ quy chiếu nào, góc độ nào đó thì bạn sẽ có quan điểm của mình từ hệ quy chiếu và góc độ ấy. Ở đây, nếu đứng ở góc độ điểm số của các nhà vô địch, dĩ nhiên tôi phải đồng tình với nhận định trên. Nhưng hãy thử hỏi ngược lại: Góc độ ấy và hệ quy chiếu ấy đã mang tính phổ quát hay chưa? Tôi thử đưa ra một hệ quy chiếu khác, một góc độ khác để chúng ta cùng bàn bạc nhé. Đó là đội vô địch không nhất thiết phải là đội chơi đẹp nhất và hay nhất mà phải là đội biết toan tính chuyên môn một cách có lợi. Trong sự toan tính ấy, đội bóng phải biết thắng khi cần thắng, biết hòa khi cần hòa, và biết giữ người khi cần phải giữ người. Ở góc độ này, tôi nghĩ rằng HN.T&T đã và đang làm rất tốt. Và như thế, việc họ vô địch V.League 2010 cũng hoàn toàn xứng đáng!

Đúng là xứng đáng hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào góc độ của người tiếp cận. Vậy thì xin được hỏi thêm một ý nữa: Ở góc độ của mình, ông nghĩ sao về việc V.League 2010 tiếp tục chứng kiến sự leo thang chóng mặt về giá của những cầu thủ nội?

Quả đúng là mùa bóng chưa kết thúc nhưng đã có những thông tin về việc cầu thủ này, cầu thủ kia có thể nhận lót tay đến cả chục tỷ đồng. Ở đây, tôi cho rằng giá cầu thủ tăng lên chứng tỏ giá trị của cầu thủ đã được trân trọng một cách xứng đáng. Và đấy là một biểu hiện mà không phải giải đấu nào, nhất là ở những giải VĐQG tại khu vực Đông Nam Á cũng có thể làm được. Nhưng tất nhiên, ở đây lại nảy sinh một mặt trái: Khi cầu thủ kiếm tiền dễ quá thì không loại trừ trường hợp họ sẽ bị đồng tiền làm phương hại. Theo tôi, chỗ này thì bản thân các cầu thủ phải ý thức rõ về giá trị năng lực của mình. Bản thân các CLB cũng phải ý thức rõ về sự xứng đáng giữa đồng tiền một cầu thủ được nhận với khả năng cống hiến của anh ta. Ngay cả bản thân chúng tôi, những người có trách nhiệm ở VFF cũng phải suy nghĩ, mổ xẻ, nghiên cứu một cách thật sự kỹ lưỡng những vấn đề phát sinh.

Chúng ta đã nói về chuyện tiền bạc của cầu thủ, chuyện làm thương hiệu ở các đội bóng, rồi sự xứng đáng hay không xứng đáng của HN.T&T với chức vô địch mùa này. Giờ xin được hỏi ông một câu rất “vi mô” như thế này thôi: Trong suốt thời gian V.League 2010 diễn ra, ông có kỷ niệm nào với giải đấu mà có thể chia sẻ được không?

Kỷ niệm thì nhiều lắm. Nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là những lần ngồi ở sân Lạch Tray - Hải Phòng xem bóng đá. Nói thật là không khí cuồng nhiệt ở sân Lạch Tray luôn đem đến cho tôi những xúc cảm đặc biệt. Mà đến với bóng đá, xét cho cùng người ta cần phải có được những cảm xúc đặc biệt như thế chứ. Nhưng chỉ tiếc là bầu không khí bóng đá cuồng nhiệt ấy lại bị một số kẻ quá khích lợi dụng, dẫn đến hàng loạt hiện tượng đáng lên án như đốt pháo sáng, ném chai lọ, lăng mạ trọng tài. Nếu khắc phục được những điểm xấu đó, tôi tin rằng sân Lạch Tray sẽ rất tuyệt. Và khi ấy VFF hoàn toàn có thể đưa một số trận đấu quốc tế của ĐTQG về Lạch Tray.

Xin cảm ơn ông!

Trịnh Phan Phan - Báo Bóng Đá

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất