Thứ Ba, 26/11/2024
Thể thao
Thứ Sáu, 30/8/2013 21:55'(GMT+7)

V.League trước giờ hạ màn: Vòng đấu cuối vô nghĩa

Bầu Hiển (trái) và cầu thủ Thành Lương là những người góp phần làm nên chiến thắng của Hà Nội T&T.

Bầu Hiển (trái) và cầu thủ Thành Lương là những người góp phần làm nên chiến thắng của Hà Nội T&T.

Chẳng còn gì để phấn đấu

ĐTLA cho các cầu thủ xả trại sau vòng đấu với Hà Nội T&T. Các thành viên của đội bóng này đã hoàn thành mục tiêu và trong thời buổi kinh tế khó khăn, lãnh đạo đội bóng cũng “linh động” để cầu thủ nghỉ sớm cho đỡ tốn kém.


Ở một diễn biến khác, Hà Nội T&T - chủ nhân của chức vô địch V.League 2013 quyết định mở toang cửa các khán đài trong trận gặp V. Hải Phòng. Đây là việc làm “hợp ý trời, lòng người” vì ngoài việc họ đã vô địch, CĐV Hải Phòng cũng không mặn mà với việc lên Thủ đô xem một trận đấu vô thưởng vô phạt.


Khoảng một tháng trước, trên các diễn đàn fanpage của Hải Phòng, các CĐV đã hò hẹn biến sân Hàng Đẫy thành sân Lạch Tray ở vòng đấu cuối. Họ tin rằng, với sự so kè khốc liệt giữa Hà Nội T&T, SLNA, SHB Đà Nẵng và HAGL, V. Hải Phòng cũng là đội có tiếng nói quyết định ở vòng đấu cuối. Lúc đó, đội vô địch sẽ phụ thuộc vào thái độ và sự quyết tâm của các đối thủ. Tóm lại, CĐV đất Cảng đã chuẩn bị một bữa tiệc thực sự ở Hàng Đẫy. Nhưng tiếc là điều đó không xảy ra.


Về phía các cầu thủ Hà Nội T&T, chức vô địch tuy có lý, nhưng cũng chẳng phải ai cũng đồng tình với thành quả đó. Vì nếu SLNA không bị trừ đến 6 điểm sau sự kiện XT Sài Gòn, chưa chắc họ đã dễ dàng đăng quang. Mặt khác, ngay trong tâm tư các cầu thủ Hà Nội T&T, không phải cầu thủ nào cũng vui. Họ muốn nhận thách thức và lên ngôi thực sự, chứ không phải hưởng lợi từ một quyết định gây tranh cãi.

ĐTLA và Hà Nội T&T là hai ví dụ điển hình cho sự tẻ nhạt ở vòng đấu cuối, nhưng câu chuyện V.League 2013 vẫn chưa dừng lại. Các cặp đấu khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự vì họ ra sân thi đấu mà chẳng biết để làm gì. Phục vụ khán giả thì đúng rồi, vấn đề là ai sẽ đến sân để xem những trận đấu mà tinh thần rã đám đã xuất hiện từ vòng đấu trước? Thế nên mới có chuyện, đúng thời điểm tưởng sẽ là nước sôi lửa bóng nhất của mùa giải, các đội thi nhau giảm khối lượng và cho các cầu thủ xả trại. Một số đội bóng đi sân khách còn tính toán “vừa đủ” quân số thi đấu sao cho kinh tế nhất. Rõ ràng, V.League đã mất đi toàn bộ sự khốc liệt vốn có của bóng đá.


Tương lai nào cho mùa giải kế tiếp?


Ngay từ bây giờ, nhiều người đã đặt câu hỏi: Mùa giải tới sẽ như thế nào? Nhưng khổ nỗi, chẳng ai có thể dự tính trước điều gì.


Một trong những nguy cơ đầy lo lắng của những người am hiểu là họ sợ “vụ XT Sài Gòn” sẽ không dừng lại. Trào lưu bỏ bóng đá đang khiến các ông bầu cảm thấy… có lý.


Một số lo lắng về tiềm lực kinh tế bản thân không đủ trang trải cho một mùa giải quá nhiều chi phí. Số khác (không lo đến tiền) thì sợ các quyết định vừa khó hiểu, vừa khó chịu của BTC sẽ đánh bại nhiệt huyết của họ. Nghe đồn, sau V.League 2013, các ông bầu có thể sẽ cân nhắc quyết định “có nên tiếp tục hay không” chuyện đầu tư vào bóng đá?


Tất nhiên, nếu đấy là lựa chọn mang tính thể thao, nhiều người sẽ dừng cuộc chơi mà chẳng phải suy nghĩ. Họ đã quá nản với cách điều hành “giống nhau” của VFF, VPF và cả BTC giải. Tất cả không đưa ra được cái mới như lời hứa với NHM, trong khi những cái cũ vừa bị mai một, vừa bị biến tướng khiến V.League rối tinh, rối mù .


Ai đó bảo, để V.League đến nông nỗi này không phải chuyện của ngày hôm nay, mà nó kéo dài từ mùa này sang mùa khác, từ giải này sang giải khác. Đã đến lúc, người ta cần phải đặt câu hỏi về vai trò điều hành của VFF - tổ chức cao nhất của bóng đá Việt Nam, rằng: Họ đã làm gì cho bóng đá nước nhà trong 2 nhiệm kỳ vừa rồi?


Câu trả lời chính xác xin dành cho các CĐV đích thực. Người có tiền gọi là đầu tư vào bóng đá, nhưng thực chất là đầu cơ. Họ dễ dàng mua một CLB nào đó, đổi thành tên mình muốn và ngay lập tức được chơi ở hạng cao nhất. VFF có biết không? Có. Nhưng họ lờ đi hoặc tiếp tay cho các ông bầu kiểu này “hợp thức hóa” yêu cầu của AFC và cao hơn là FIFA. Mỗi năm, V.League lại xuất hiện một cái tên lạ hoắc được “đội lốt” người cũ của chính giải đấu này. Thế nên chúng ta mới có tình trạng thừa tên tuổi, nhưng chẳng đội nào có truyền thống cả. Một lịch sử non trẻ không biết “chết” lúc nào. Liệu có bao nhiêu người tin sân cỏ quốc nội sẽ phát triển như VFF từng hứa là họ sẽ đưa “bóng đá nước nhà đi lên”?


Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo sự khó khăn của các đội bóng cũng là một nguyên nhân. Nhưng sâu xa hơn, VFF - với vai trò điều hành và định hướng đã không xây dựng nổi hành lang pháp lý đủ chuẩn mực về khung lương cho cầu thủ và chế tài cho các CLB. Điều này đã khiến tình trạng lộn xộn, thổi giá, mua bán tùm lum. Đội có nhiều tiền “đè” đội ít tiền, cầu thủ có tý số má dùng cò “đè tiếp” lãnh đội để trục lợi. Cuộc chơi thiếu minh bạch này chỉ dừng lại khi bong bóng kinh tế vỡ vụn. Bây giờ, các cầu thủ vẫn là những người khổ nhất vì sống bấp bênh với nghề mà không biết bấu víu vào đâu khi có sự cố.


Sau V.League 2013, có lẽ chẳng thiếu vấn đề mà chúng ta cần phải bàn bạc và giải quyết. Nhưng e rằng, quả bóng trách nhiệm sẽ chẳng còn thuộc về VFF khi đại hội diễn ra vào tháng 10. Bởi khi đó, các nhân vật chính trong 2 nhiệm kỳ vừa rồi đã “cán đích an toàn”./.

Vũ Hải Nam (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất