Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh trong số những công cụ hiệu quả để kiểm soát dịch, bao phủ vaccine ở các quần thể dân số phù hợp được coi là biện pháp có thể tạo ra sự thay đổi toàn bộ cục diện.
Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đã khẳng định 5 công cụ hiệu quả để kiểm soát dịch COVID-19 gồm vaccine; các biện pháp y tế công cộng-xã hội (như 5K của Việt Nam); quản lý ca bệnh, quy trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân; giám sát và kiểm soát đường biên giới.
Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến tăng cường công tác an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tới điểm cầu các cơ sở y tế trong cả nước do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Tiến sỹ Kidong Park cũng nhấn mạnh trong số những công cụ này, bao phủ vaccine ở các quần thể dân số phù hợp được coi là biện pháp có thể tạo ra sự thay đổi toàn bộ cục diện. Cùng với các biện pháp 5K (như ở Việt Nam), đây là biện pháp hiệu quả nhất cứu sống con người trong đại dịch.
Số ca mắc COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của biến thể mới như Omicron, khiến chúng ta lo lắng hơn.
"Vaccine là công cụ quan trọng nhất để vượt qua sự lo lắng này," Tiến sỹ Kidong Park nêu rõ.
Tại nhiều nước trên thế giới, hiệu quả giảm mắc nặng, giảm tử vong của vaccine với người mắc COVID-19 cũng đã được chứng minh.
Trang tin 444.hu của Hungary dẫn dữ liệu thống kê tính hiệu quả của các vaccine ở những người đã tiêm chủng tại nước này, cho thấy đây rõ ràng là "vũ khí" quan trọng giúp giảm mạnh số ca phải nhập viện hay tử vong vì COVID-19.
Theo dữ liệu phân tích sau ít nhất 3 tuần tiêm mũi đầu tiên, chỉ 0,2% người đã được tiêm mắc COVID-19, chỉ 0,05% phải nhập viện và 0,012% tử vong.
Sau mũi tiêm thứ 2, khả năng bảo vệ được tăng mạnh hơn nhiều với chỉ 0,086% mắc COVID-19, chỉ 0,013% phải nhập viện và chỉ 0,003% tử vong vì căn bệnh này.
Tại Malaysia, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trong số người đã hoàn thành tiêm chủng chỉ là 0,009%. Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia, vaccine hoạt động hiệu quả và đã cứu sống rất nhiều người; bất kể là của nhà sản xuất nào, vaccine đều bảo vệ con người. Hiện nay, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trong số những người hoàn thành tiêm chủng chỉ là 90 ca/1 triệu người.
Do đó, Bộ trưởng Y tế Malaysia kêu gọi người dân đăng ký tiêm chủng và chấm dứt nghi ngờ về khả năng bảo vệ mà vaccine có thể mang lại trong việc chống SARS-CoV-2.
Tại Việt Nam, theo thống kê ở một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong tập trung chủ yếu vào nhóm người lớn tuổi, có bệnh nền và chưa được tiêm vaccine COVID-19.
Trong cuộc làm việc mới đây của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với tỉnh Đắk Lắk về công tác y tế và phòng, chống dịch trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La cho biết 87% số ca mắc COVID-19 ở Đắk Lắk chưa tiêm vaccine.
Tỉnh Đắk Lắk nhận được hơn 2,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế phân bổ. Hiện tỷ lệ tiêm mũi một đạt trên 95%, mũi 2 trên 54%. Trong số các ca mắc COVID-19 trên địa bàn có 640 trường hợp đã tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19 mũi 1 (chiếm 8,1%); 379 trường hợp tiêm đủ 2 mũi vaccine (chiếm 4,8%); còn lại 87% số mắc là chưa tiêm vaccine. Các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau những ngày giảm sâu, vừa qua số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại Thành phố đang có xu hướng gia tăng. Thành phố đang ghi nhận khoảng 60-70 F0 tử vong mỗi ngày, gấp 2-3 lần so với cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021, tập trung ở nhóm có bệnh lý nền, tuổi trên 50. Thành phố đang điều trị khoảng 86.000 F0, trong đó hơn 66.000 người điều trị tại nhà, còn lại tại các bệnh viện và khu cách ly tập trung.
Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy tỷ lệ tử vong tập trung chủ yếu vào nhóm người lớn tuổi, có bệnh nền và chưa được tiêm vaccine COVID-19.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình Hồ Hữu Đức, số liệu thống kê tỷ lệ tử vong bệnh nhân COVID-19 cho thấy độ tuổi trung bình của nhóm tử vong khá cao, ở mức trung bình 72 tuổi và là những người đa bệnh lý.
Riêng từ ngày 1-28/11, trong số những người tử vong thì chỉ có 36,8% là có tiêm vaccine (một mũi hoặc hai mũi), còn lại là chưa tiêm vaccine.
Đa phần người chưa tiêm vaccine đều có lý do như có nhiều bệnh lý nên chống chỉ định với vaccine hoặc nhiều người mang bệnh nền nên sợ không dám tiêm. Cũng có những người không tiêm vì cho rằng người già chủ yếu ở nhà, không đi ra ngoài nên không tiêm, sợ tuổi cao sẽ biến chứng ảnh hưởng sức khỏe…
Trước thực tế còn một số địa phương có tỷ lệ sử dụng vaccine/số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ và độ bao phủ vaccine còn thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền.
Hiện, Bộ Y tế đã cho phép tiêm liều bổ sung sau liều cơ bản ít nhất 28 ngày, hoặc tiêm liều thứ 3 vào 6 tháng sau; có thể tiêm trộn vaccine. Liều cơ bản là liều tiêm theo liệu trình vaccine được nhà sản xuất quy định như vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm tiêm một liệu trình hai liều (mũi 1, mũi 2) cách nhau 3-6 tuần; vaccine của Cuba liệu trình 3 liều tiêm cách nhau 14 ngày; vaccine của Johnson & Johnson, Sputnik Light liệu trình một mũi duy nhất.
Cụ thể, liều bổ sung tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine), suy giảm miễn dịch vừa và nặng, những người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...
Liều nhắc lại tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế./.
PV (TTXVN/Vietnam+)