(TG) - Ngày 6/4/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”. Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi với Tạp chí Tuyên giáo xung quanh nội dung này.
PV: Tiếp theo Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009, vào ngày 06/4/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” (Đề án). Đồng chí có thể cho biết những điểm mới trong Đề án?
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1002 ngày 13/7/2009 phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án, nhận thức chung của người dân và chính quyền các cấp đã có những chuyển biến tích cực. Tầm quan trọng của công tác nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được thể chế hóa tại Luật Phòng, chống thiên tai và quy định tại nhiều văn bản dưới Luật. Đề án đã kết thúc vào tháng 12 năm 2020. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu kế hoạch nên cần thêm thời gian thực hiện để đáp ứng các mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, nhiều bài học kinh nghiệm cũng như mô hình điển hình về nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã và đang được đúc kết trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, cần tiếp tục được phát huy, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tình hình thiên tai hiện nay để các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng ngày càng được triển khai rộng rãi, hiệu quả và bền vững. Các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế đã thống nhất nhận định, nâng cao nhận thức cộng đồng là hình thức đầu tư phi công trình có chi phí không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống thiên tai. Chính vì vậy, công tác này cần được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương, Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 phê duyệt “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”.
Một số điểm mới của Đề án đó là sự lồng ghép nội dung phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro tiên tai vào chương trình bồi dưỡng Quốc phòng - An ninh cho đối tượng 4 và đối tượng là cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư cũng như chương trình giảng dạy của các trường đại học liên quan. Bên cạnh đó, nội dung Đề án cũng nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ tuyên truyền viên và phóng viên các cấp, đặc biệt là đội ngũ sinh viên trường Đại học Sư phạm.
- Đề án đặt ra những mục tiêu rất cụ thể tới năm 2030. Theo đồng chí, để đạt được những mục tiêu này, chúng ta cần phải làm những gì?
- Các bộ, ngành, địa phương phải căn cứ vào mục tiêu của từng giai đoạn, từng chỉ tiêu cụ thể để xây dựng kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn của từng cơ quan; phù hợp với nguồn lực và tình hình thiên tai hiện nay.
Dự thảo kế hoạch cần đưa ra nội dung và tiến độ triển khai gồm:
Thứ nhất, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục, các hoạt động đặc thù trong phạm vi của Đề án.
Thứ hai, phải rà soát, hoàn thiện hệ thống tài liệu đào tạo, tập huấn; chuẩn hóa bộ tài liệu nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để sử dụng thống nhất trên toàn quốc
Thứ ba, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện Đề án tại các cấp, trong đó, vai trò của nhóm hỗ trợ kỹ thuật tại cơ sở là rất quan trọng.
Thứ tư, đổi mới, đa dạng hoá nội dung, hình thức phổ biến, đào tạo, tập huấn, áp dụng các hình thức phổ biến, giáo dục phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng thời điểm, địa bàn với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức trực quan, sinh động.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục đạt hiệu quả cao và đúng định hướng; xây dựng và phát hành phim, phóng sự, tiểu phẩm tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt...
Để thực hiện điều này, vai trò của cơ quan chủ trì thực hiện là rất quan trọng. Cụ thể ở đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc việc lập kế hoạch làm căn cứ cho các bên liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, ban hành bộ chỉ số đánh giá, giám sát để kiểm tra, theo dõi việc thực hiện của các bên một cách khoa học và có kế hoạch.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Tuấn Anh (Thực hiện)