Thứ Sáu, 22/11/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 28/12/2015 17:11'(GMT+7)

Vắcxin tiêm chủng mở rộng đã thanh toán nhiều bệnh nguy hiểm

Trẻ tiêm ngừa vắcxin Tiêm chủng mở rộng tại Viện Pastuer Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Trẻ tiêm ngừa vắcxin Tiêm chủng mở rộng tại Viện Pastuer Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia nhằm làm rõ hiệu quả các loại vắcxin trong Chương trình cũng như những khó khăn và nhiệm vụ của Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia trong thời gian tới. 

- Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắcxin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, vậy hiệu quả phòng bệnh của các loại vắcxin này như thế nào thưa Phó Viện trưởng? 

Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng: Đến nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia tại Việt Nam đã triển khai 12 loại vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; trong đó có 10 loại vắcxin do Việt Nam sản xuất trong nước. Đó là vắcxin phòng các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn. 

Tất cả các vắcxin dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu, trước khi đưa vào sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép và trải qua những kiểm định nghiêm ngặt, đảm bảo điều kiện về tính an toàn và hiệu quả. 

Với các vắcxin sản xuất trong nước được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng từ năm 1985 đến nay, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. 

Các bệnh truyền nhiễm khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước khi triển khai tiêm chủng. 

Vừa qua, Việt Nam cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trao Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin (NRA). Điều này có nghĩa là các vắc xin được sản xuất tại Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng của tổ chức Y tế thế giới. 

- Hiện nay công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đang gặp phải những khó khăn, thách thức như thế nào thưa bà? 

Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng: Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia tại Việt Nam là một trong những Chương trình mục tiêu ưu tiên về y tế, được Chính phủ và Nhà nước quan tâm và đầu tư; sự hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn lực từ các tổ chức quốc tế... Đó là thuận lợi rất lớn cho Chương trình. 

Mặc dù độ bao phủ của tiêm chủng đạt tỷ lệ cao trên 90% trên quy mô toàn quốc tuy nhiên đạt tỷ lệ tiêm chủng cao tại các vùng miền núi khó khăn vẫn là một thách thức; chất lượng tiêm chủng tại các vùng khó khăn cũng cần được tăng cường hơn nữa. 

Bên cạnh đó, viện trợ từ quốc tế đang có xu hướng giảm dần, dự án tiêm chủng mở rộng cần được sự đầu tư hơn nữa của Chính phủ cũng như chính quyền các cấp để đáp ứng nhu cầu của nhân dân; cung ứng đầy đủ vắcxin trong tiêm chủng thường xuyên và một số chiến dịch bổ sung, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắcxin chất lượng, công tác đào tạo, tập huấn… 

Một khó khăn nữa là một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắcxin phòng bệnh nhưng vẫn là gánh nặng bệnh tật ở trẻ em Việt Nam. 

Cụ thể như vắcxin phế cầu phòng bệnh viêm phổi, vắcxin phòng bệnh tiêu chảy do Rota virus... vẫn chưa được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Đồng thời, nhu cầu của người dân về sử dụng vắcxin thế hệ mới, an toàn cao cho trẻ em cũng là một thách thức của công tác tiêm chủng mở rộng. 

- Thưa bà, có một thực tế là hiện nay là nhiều gia đình ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tin tưởng vào vắcxin dịch vụ. Phải chăng là chất lượng và hiệu quả phòng bệnh của vắcxin dịch vụ tốt hơn? 

Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng: Hiện nay, một số bậc phụ huynh ở các thành phố lớn có tâm lý cho rằng vắcxin dịch vụ đắt tiền sẽ tốt hơn vắcxin miễn phí trong tiêm chủng mở rộng. Tôi khẳng định rằng dù là vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia hay vắcxin dịch vụ, trước khi đưa ra sử dụng đều phải được kiểm định nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. 

Vì vậy không thể nói là vắcxin dịch vụ an toàn hơn vắcxin tiêm chủng mở rộng. Vắcxin sử dụng trong tiêm chủng mở rộng được miễn phí do Chính phủ đầu tư. 

Hàng năm, Nhà nước cấp kinh phí đầy đủ để mua vắcxin sử dụng cho trẻ em và phụ nữ là đối tượng của Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. 

Các vắcxin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã được triển khai trên toàn quốc cho hơn 1,5 triệu trẻ, trong khi vắcxin dịch vụ chỉ sử dụng cho khoảng 5% trẻ em dưới 1 tuổi hàng năm. 

Thực tế, qua triển khai tiêm chủng mở rộng hơn 30 năm qua với hàng trăm triệu mũi tiêm đã minh chứng tính an toàn của vắcxin và hiệu quả phòng bệnh đã làm thay đổi cơ cấu bệnh tật ở trẻ em Việt Nam. 

Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh bằng vắcxin trong tiêm chủng mở rộng. Trong khi đó, trên thế giới vẫn còn một số quốc gia đến nay vẫn chưa thanh toán được. Việt Nam đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi. 

Trẻ em rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Các bậc cha mẹ hãy đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, đừng bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh cho trẻ.

- Xin bà cho biết năm 2016 Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì? 

Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng: Trong nhiều năm qua, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Một trong những thành quả quan trọng là duy trì được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt trên 90%.

Trong năm 2016, việc tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt cao trong cộng đồng là rất quan trọng trong việc dự phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và tiếp tục bảo vệ thành quả mà tiêm chủng mở rộng đã đạt được.

Cụ thể, duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi 8 loại vắcxin đạt trên 90%, nỗ lực triển khai các mũi tiêm nhắc vắcxin phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván; vắcxin sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%, đồng thời tiếp tục triển khai tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ em từ 1-5 tuổi hàng tháng nhằm chủ động phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản kịp thời; tăng cường tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ sau sinh nhằm phòng chống bệnh viêm gan B mạn tính ở trẻ nhỏ… 

Bên cạnh đó, công tác giám sát bệnh trong tiêm chủng mở rộng cũng cần được chú trọng, kịp thời phát hiện vùng nguy cơ cao cần được tổ chức tiêm chủng bổ sung, tiêm chủng chống dịch… 

Việc tăng cường chất lượng tiêm chủng, sự tiếp cận tiêm chủng mở rộng tại vùng sâu, vùng xa cũng là vấn đề ưu tiên đòi hỏi sự nỗ lực liên tục của cán bộ làm tiêm chủng trên toàn quốc. 

Đặc biệt, trong năm 2016, thực hiện mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu, Việt Nam sẽ triển khai thêm vắcxin bại liệt tiêm (IPV) cùng với việc uống đủ 3 liều vắcxin bại liệt. 

- Trân trọng cám ơn Phó Viện trưởng./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất