Thứ Sáu, 11/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 23/9/2014 15:58'(GMT+7)

Hưng Yên: Đẩy mạnh tuyên truyền về văn học, nghệ thuật trên báo chí

Hát trống quân chào mừng "Ngày thơ Việt Nam" tỉnh Hưng Yên lần thứ XII (Ảnh: Thanh Mai)

Hát trống quân chào mừng "Ngày thơ Việt Nam" tỉnh Hưng Yên lần thứ XII (Ảnh: Thanh Mai)

 

Báo chí là phương tiện truyền thông đại chúng thiết yếu của xã hội, góp phần hết sức quan trọng trong việc tạo môi trường để văn học, nghệ thuật tiếp cận rộng rãi và gần gũi với đông đảo người dân, làm phong phú đời sống tinh thần xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của nhân dân. Cách thức thể hiện sinh động, hấp dẫn, nội dung thông tin phong phú của báo chí đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí, qua đó, định hướng nhân cách, thẩm mỹ, lối sống cho độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có 4 cơ quan báo chí: Báo Hưng Yên, Đài PTTH tỉnh, Tạp chí Phố Hiến (Hội VHNT tỉnh), tạp chí Người làm báo Hưng Yên (Hội Nhà báo tỉnh). Báo Hưng Yên có các loại hình như: báo tờ ra 5 kỳ/tuần, phụ san ra hàng tháng, báo điện tử Hưng Yên. Đài PTTH tỉnh có các loại hình phát thanh, truyền hình và Trang thông tin điện tử Đài PTTH Hưng Yên. Thời gian phát sóng truyền hình từ 5 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút; phát thanh 3 buổi. Tạp chí Phố Hiến phát hành 2 tháng/kỳ; mỗi kỳ từ 700 - 1.000 cuốn. Tạp chí Người làm báo Hưng Yên phát hành 2 tháng/kỳ; mỗi kỳ từ 700 - 1.000 cuốn... Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 11 bản tin, 05 ấn phẩm và các trang thông tin điện tử mang tính báo chí của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh thường xuyên ra mắt bạn đọc theo định kỳ, cung cấp thông tin cần thiết, nhất là thông tin chuyên ngành tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Các ấn phẩm này hầu hết có các chuyên trang, chuyên mục văn nghệ hoặc tin bài phản ánh về đời sống văn hóa, văn nghệ trong nước và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú của nhân dân.  

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1997 đến 2010, Tạp chí  Phố Hiến, Báo Hưng Yên đã đăng tải, giới thiệu gần 8.000 tác phẩm văn học, nghệ thuật các loại, trong đó, thơ có 6.078 bài; văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn…) 1.041 bài; phê bình, nghiên cứu văn học, nghệ thuật 269 bài; giới thiệu (danh nhân, danh thắng, nghề truyền thống…) 443 tác phẩm; nhạc 82 tác phẩm; ngoài ra còn hàng nghìn bài thuộc các thể loại khác như truyện cười, câu đối… cùng lượng tin, bài trên các chuyên trang, chuyên mục văn học, nghệ thuật... Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật đã được các cơ quan báo chí chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác động tích cực đến dư luận xã hội, đến tư tưởng, tình cảm, cảm hứng sáng tạo và trách nhiệm công dân của các văn nghệ sỹ - lực lượng quyết định tạo nên những tác phẩm văn học,nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Tuy nhiên, dù số lượng có quan báo chí và các ấn phẩm báo chí trên địa bàn tỉnh tăng lên trong thời gian qua, nhưng chưa có nhiều ấn phẩm báo chí chuyên sâu thông tin, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng, chưa quan tâm đúng mức yêu cầu xây dựng con người, phát triển văn hóa... Tỷ lệ tin, bài mang tính chất phê bình, đấu tranh với những tồn tại trong lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật chưa cao; một số chương trình, tác phẩm chưa để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Vẫn còn tình trạng chưa coi trọng biên tập, công bố các tác phẩm phê bình văn học, nghệ thuật đang còn tranh cãi. Việc tiếp tục khai thác các chương trình ca nhạc, đặc biệt là phim của nước ngoài thiếu chọn lọc đã góp phần cổ súy cho văn hóa ngoại lai, làm giảm hiệu quả thông tin tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Việc phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị của dân tộc chưa được chú trọng. Thời lượng các chương trình, chuyên đề chuyên sâu về lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa nhiều.

Để góp phần đưa Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vào cuộc sống, ngày 01/8/2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Chỉ thị số 42/CT-BTTTT về việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về văn học, nghệ thuật trên báo chí. Theo đó, các cấp uỷ và chính quyền địa phương tỉnh Hưng Yên cần nghiêm túc triển khai nội dung của Chỉ thị số 42/CT-BTTTT của Bộ Thông tin – Truyền thông; tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước thông qua việc đẩy mạnh hoạt động phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình), qua các sản phẩm ghi âm, ghi hình, xây dựng các chuyên mục, các chương trình phát sóng định kỳ hàng tuần, hàng tháng để quảng bá các tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị với diện tích và thời lượng phù hợp.

Thực hiện xã hội hóa, mở rộng liên kết, huy động nguồn lực xã hội trên địa bàn tỉnh để sản xuất, phổ biến các chương trình, ấn phẩm, chuyên mục về văn học, nghệ thuật trên báo chí một cách có chọn lọc; bổ sung, làm phong phú thêm nguồn dữ liệu về tác phẩm văn học, nghệ thuật.
.. Đồng thời, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa các hoạt động thông tin về văn học, nghệ thuật; nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả trong xây dựng nội dung và thông tin về văn học, nghệ thuật đến với công chúng; bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ hoạt động báo chí văn học, nghệ thuật; tìm tòi, đổi mới hình thức, tăng cường truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về đất nước và con người Việt Nam với nhân dân và bạn bè quốc tế./. 


  Tin và ảnh: 
Hoàng Thị Thanh Mai

 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất