Thứ Bảy, 7/12/2024
Nghiên cứu
Thứ Năm, 27/4/2023 8:45'(GMT+7)

Vai trò của hậu phương miền Bắc trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975

Khắp cả nước rộn ràng các hoạt động míttinh, ăn mừng chiến thắng.

Khắp cả nước rộn ràng các hoạt động míttinh, ăn mừng chiến thắng.

Tổng kết thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, nước nước, Đảng ta khẳng định: “Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa”[1]. “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là tinh thần, ý chí, quyết tâm và tình cảm của quân và dân miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Đó là tính ưu việt của hậu phương xã hội chủ nghĩa trong chiến tranh. Một hậu phương không hề bị rối loạn, hoang mang và nao núng trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, một hậu phương mà ở đó mọi người thương yêu đùm bọc nhau trong gian khổ hoạn nạn và thử thách, là niềm tin, niềm thôi thúc cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam đang ngày đêm chiến đấu”[2]. Không chỉ chi viện sức người và sức của, miền Bắc còn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho những người ra trận, cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ở miền Nam.

Sau Hiệp định Giơnevơ (7/1954), với âm mưu “đắp con đê ngăn làn sóng đỏ” đế quốc Mỹ sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại công cuộc thống nhất nước Việt Nam, gạt Pháp ra khỏi miền Nam, xây dựng chính quyền tay sai Ngụy quyền, thành lập lực lượng ngụy quân nhằm thiết lập thuộc địa kiểu mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Đồng thời, Mỹ ồ ạt đưa các cố vấn quân sự, quân đội Mỹ và quân viễn chinh, ồ ạt viện trợ quân sự với hệ thống các loại vũ khí hiện đại nhất thời điểm đó; tăng cường tuyển mộ, bắt bớ để xây dựng ngụy quân, thiết lập chế độ ngụy quyền ở các địa phương.

Thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường vào miền Nam chiến đấu, năm 1968

Thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường vào miền Nam chiến đấu, năm 1968

Cùng với đó, Mỹ - Ngụy đã sử dụng mọi chiêu trò, thủ đoạn chống phá, đàn áp phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam; chúng ban hành Luật 10/59 “đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật” với chính sách khủng bố vô cùng hà khắc: “tố cộng, diệt cộng”, “giết nhầm hơn bỏ sót”, “dồn dân, lập ấp” xây dựng các “Ấp chiến lược” nhằm “tát nước, bắt cá”, thực hiện các cuộc càn quyét, bắt bớ biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Bên cạnh đó, với ý định ngăn chặn, cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu và niềm tin của nhân dân Việt Nam vào cuộc kháng chiến, Mỹ đã sử dụng không quân đánh phá quy mô lớn trên diện rộng vào tất cả các nhà máy, xí nghiệp; khu dân cư; trường học; sân bay, công trình thủy lợi, công trình giao thông trên toàn lãnh thổ miền Bắc Việt Nam.

Trước tình hình đó, Đảng ta xác định: “nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước hiện nay rõ ràng là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc ta, của nhân dân ta từ Nam chí Bắc... toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền phải giữ vững và nêu cao quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”[3]. Đảng chủ trương thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, Khóa II nhận định, miền Bắc là chỗ đứng của ta, bất kể trong tình hình nào miền Bắc cũng phải được củng cố. Hội nghị nhấn mạnh, muốn thống nhất nước nhà, điều cốt yếu là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam… Đường lối củng cố miền Bắc của ta là củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần từng bước vững chắc đến chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt. Làm cho miền Bắc vững mạnh và tiến bộ tức là thiết thực chiếu cố miền Nam”[4]. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc không chỉ xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân mà còn xây dựng, củng cố căn cứ địa, hậu phương chung của cả nước, chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Quán triệt và thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Bắc đã ra sức thi đua trên tất cả các lĩnh vực, các địa phương, địa bàn, các mặt trận, ở mọi lứa tuổi, ngành nghề: Thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, nông dân “Tay cày tay súng”, công nhân “Tay búa tay súng”, học sinh làm “Nghìn việc tốt chống Mỹ”, Khối công nhân viên chức cũng thực hiện các phong trào “Ngày thứ bảy năng suất cao”, “Luyện tay nghề thi thợ giỏi”... và giành được nhiều thành quả quan trọng, thực sự là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần vững chắc, đồng thời kịp thời chi viện sức người, sức của miền Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Qua thực hiện các kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng, phát triển kinh tế, miền Bắc đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, trong điều kiện đế quốc Mỹ leo thang ném bom phá hoại, miền Bắc đã kịp thời chuyển hướng kinh tế từ thời bình sang thời chiến, vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Nhờ sự nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế - xã hội, miền Bắc nhanh chóng khôi phục và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện và chi viện cho miền Nam để “đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Mặc dù bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề, nhưng nhân dân miền Bắc không bị khuất phục mà vẫn “vững vàng trong lửa đạn, vượt thử thách hy sinh, hậu phương miền Bắc đã đánh bại các bước leo thang của không quân và hải quân Mỹ ra sức tăng viện cho cách mạng miền Nam”[5]. Quân và dân miền Bắc luôn dũng cảm, hiên ngang, mưu trí, vừa đánh trả các cuộc chiến tranh phá hoại của địch, chia lửa với tiền tuyến, vừa hăng say lao động trong mưa bom bão đạn, “thắt lưng, buộc bụng” để chi viện cho miền Nam ruột thịt. Với tinh thần, ý chí, quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trong suốt năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước quân và dân miền Bắc đã chi viện vào chiến trường miền Nam hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, hàng triệu tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược, xăng dầu. Sự tăng viện của quân và dân miền Bắc không chỉ có ý nghĩa rất lớn cho việc củng cố, phát triển khối quân chủ lực ở miền Nam mà còn là nguồn sức mạnh cổ vũ đồng bào miền Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Được sự chi viện của niềm Bắc, ta đã xây dựng và phát triển các đơn vị chủ lực có sức mạnh chiến đấu cao, sát cánh và tạo thế, tranh thời, chuyển lực cùng quân và dân miền Nam tham gia nhiều trận đánh, các chiến dịch lớn chống sự xâm lược của Mỹ - Ngụy. Đến cuối năm 1974, trên chiến trường miền Nam chúng ta đã có 113 trung đoàn bộ binh, 5 trung đoàn Tăng - Thiết giáp với 700 xe các loại, 1.300 khẩu pháo cao xạ... Đây là nguồn sức mạnh to lớn, có tính chất quyết định để giành thắng lợi trên chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris “về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, đồng thời, đập tan ý định phá hiệp định Paris của ngụy quyền, tiến tới “đánh cho ngụy nhào”.

Sau Hiệp định Paris, với bản chất xâm lược, Mỹ tiếp tục tăng cường viện trợ cho ngụy quyền, ráo riết thực hiện chủ trương “hiện đại và tinh nhuệ hoá” ngụy quân, tăng cường chi viện quân sự và xúi dục quân ngụy vi phạm Hiệp định Paris một cách trắng trợn, gây cho ta rất nhiều khó khăn trong thực thi Hiệp định và bảo toàn vùng giải phóng. Trước tình hình đó, tháng 7/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III đã ban hành Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiệm vụ cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 21) khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kỳ trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”[6]. Đồng thời, xác định: “Con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng, tư tưởng chiến lược vẫn là tư tưởng tiến công, tuyệt đối không thể mơ hồ, ảo tưởng. Phương hướng hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là phải ra sức nhanh chóng tạo thế mới, quyết tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”[7]. Nhận thức đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, với ý chí và khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, với quyết tâm “đánh cho ngụy nhào”, quân và dân miền Bắc tiếp tục tăng cường chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Do đó, thế và lực trên chiến trường miền Nam ngày càng thay đổi có lợi cho ta, là thời cơ hết sức thuận lợi để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trước tình hình phát triển thuận lợi của cách mạng miền Nam, từ ngày 30/9 đến 8/10/1974, Hội nghị Bộ Chính trị khoá III và Quân uỷ Trung ương họp, đã đánh giá: bước ngoặt căn bản trong so sánh lực lượng giữa ta và địch đã hoàn toàn có lợi cho ta. Ta đã thúc đẩy thời cơ chiến lược chín muồi, tạo nên yếu tố chiến lược quan trọng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Trên cơ sở đó Hội nghị “hạ quyết tâm lịch sử hoàn thành giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976… nhất trí duyệt kế hoạch chiến lược cơ bản dự thảo lần thứ VII do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị”[8]và nhấn mạnh: “Thực hiện kế hoạch cơ bản năm 1975-1976 nhưng phải ra sức chuẩn bị về mọi mặt để khi thời cơ lịch sử đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức tập trung lực lượng của cả nước giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975”[9].

Trước diễn biến mau lẹ của tình hình trên chiến trường miền Nam, Hội nghị Bộ Chính trị cuối tháng 12/1974 đã bổ sung và hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược, kế hoạch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên cơ sở nắm vững quy luật “mạnh được, yếu thua” của chiến tranh, với quyết tâm chiến lược đã xác định, Đảng đã lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chủ động chuẩn bị lực lượng mạnh, tạo thế áp đảo, giành thắng lợi cuối cùng. Để thực hiện chiến lược đã đề ra và sẵn sàng đón thời cơ, chuẩn bị cho các đòn tác chiến chiến dịch quy mô lớn, từ tháng 10/1973, Đảng ta chủ trương thành lập các binh đoàn cơ động chiến lược mạnh để đánh các đòn quyết định chiến trường. Đồng thời, tiếp tục động viên sức người, sức của, vật chất, tinh thần của quân và dân miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Với ý chí, khát vọng hòa bình và thống nhất Tổ quốc; quán triệt và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Là đồng bào ruột thịt, nhân dân miền Bắc nhất định hết lòng hết sức ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước, chống Mỹ của đồng bào miền Nam”[10], từ đầu năm 1975, miền Bắc cung cấp cho miền Nam 560.000 tấn vật chất, trong đó tăng cường chi viện cho Nam Bộ gấp 4 lần, Khu V gấp 2 lần và tăng cường dự trữ gấp 4 lần so với năm trước. Bằng sự cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nên chỉ 2 tháng đầu năm 1975, miền Bắc đã huy động 57.000 cán bộ, chiến sĩ; 260.000 tấn vật chất, trong đó có 46.000 tấn vũ khí, đạn dược; 124.000 tấn gạo; 32.000 tấn xăng dầu chi viện cho chiến trường miền Nam.

Để huy động sức người, sức của cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Chính trị thành lập Hội đồng Chi viện chiến trường. Thực hiện phương châm “thần tốc, quyết thắng”, hậu phương miền Bắc đã chuyển nhanh một khối lượng vật chất hết sức to lớn, đưa tổng số vật chất kỹ thuật đã dự trữ ở chiến trường lên gần 255.000 tấn, trong đó có 93.540 tấn xăng dầu, 103.455 tấn vũ khí.

Quân giải phóng ăn mừng chiến thắng với người dân trên đường di chuyển tiến vào thành phố

Quân giải phóng ăn mừng chiến thắng với người dân trên đường di chuyển tiến vào thành phố

Để phục vụ cho Chiến dịch Tây Nguyên vào đầu tháng 3 năm 1975, ta đã dự trữ ở đây gần 54.000 tấn vật chất, trong đó có 7.286 tấn gạo bảo đảm cho lực lượng vũ trang hoạt động dài ngày. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã sử dụng 5 cánh quân với các quân đoàn binh chủng hợp thành gồm nhiều đơn vị được cơ động thần tốc từ miền Bắc vào cùng với lực lượng vũ trang miền Nam tiến công với khí thế “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” . Nhờ sức mạnh áp đảo, ta đã nhanh chóng đập tan lực lượng ngụy quyền, ngụy quân, giải phóng hoàn toàn miền Nam kết thúc sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Trong thắng lợi chung đó, hậu phương lớn miền Bắc đóng vai trò hết sức quan trọng.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, đó là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Trong đó, “có sự đóng góp to lớn và kịp thời về sức người, sức của từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. … thể hiện sự trưởng thành về chính trị và tinh thần đoàn kết của nhân dân cả nước ta”[11], khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, ý chí thống nhất Tổ quốc của nhân dân cả nước không bao giờ lay chuyển”[12].

Tiếp tục khẳng định giá trị, ý nghĩa và khí thế, sức mạnh của Đại thắng Mùa xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, nâng cao chất lượng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, bảo vệ cán bộ “năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” góp phần đưa tiềm lực, vị thế và uy tín đất nước ngày càng nâng cao; hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc./.

TS. Nguyễn Đình Tương
Học viện Chính trị
Nguyễn Chí Phương
Binh chủng Tăng - Thiết giáp



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, H, 1976.

[2] Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2 (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995,  tr.356

[3] Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Sự thật, H, 1986, t. 2 (1965-1970), tr. 18 – 19.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 130

[5] Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (1995), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2 (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 377

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 34, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 232

[7] Tổng cục Chính trị, Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam 1944-2000, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 554, 555

[8] Tổng cục Chính trị: Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam 1944-2000, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2002, tr. 571

[9] Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - những sự kiện quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1980, tr.281

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.666

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37 Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 27

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 13, Nxb Chính trị quốc gi Sự thật, Hà Nội, tr. 245

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất