Thứ Tư, 30/10/2024
Lý Luận
Thứ Tư, 21/8/2019 20:36'(GMT+7)

Vai trò định hướng của báo chí với tin tức giả trên mạng xã hội

TIN TỨC GIẢ VÀ MÔI TRƯỜNG PHÁT TÁN

Những đặc điểm và tính năng của truyền thông xã hội và mạng xã hội đã giúp cho các tổ chức cũng như những người sử dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter, Youtube… có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chính những đặc điểm đó lại khiến tin tức giả ngày càng được phát tán một cách rộng rãi hơn. Chỉ cần một người dùng đăng tải một thông tin giả mạo, ngay lập tức hàng trăm bạn bè có thể tương tác với thông tin đó bằng việc thích (like), chia sẻ (share), bình luận (comment), đánh dấu thẻ (tag) bất kỳ ai vào chủ đề đó và nâng lượng tiếp cận thông tin đó lên cấp số cộng, số nhân.

Chưa kể, nếu người dùng đó là một người nổi tiếng hay có sức ảnh hưởng nhất định tới công chúng thì sự phát tán ngày càng mạnh mẽ. Đây chính là khả năng lan toả thông tin nhanh chóng của truyền thông xã hội.

Có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội để phát tán thông tin dưới dạng tin nhắn, hoặc đăng trong các hội/nhóm (kín, bí mật). Chính vì tính năng này mà một thông tin sai sự thật khi được đăng tải trên các hội nhóm sẽ có thể tiếp cận được số lượng người khổng lồ trong một vài phút khiến những thông tin giả được phát tán một cách nhanh chóng hơn.

Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2012, thuật ngữ “dark social” dành để mô tả các tương tác xã hội không thể đo lường và theo dõi bằng các cách phân tích thông thường, đáng chú ý trong đó là các ứng dụng tin nhắn và các tin nhắn được tích hợp cùng các mạng xã hội.  Cho đến nay, dark social vẫn là “lỗ đen dữ liệu” thường bị bỏ qua. Vấn đề ở đây là khi hoạt động chia sẻ thông tin của người dùng được xem là nguồn dữ liệu chính, thì việc xác định nguồn dẫn, người chia sẻ thông tin, cảm xúc và lý do chia sẻ thông tin của những dữ liệu từ dark social lại không có câu trả lời.

Một ví dụ điển hình của dark social chính là sự phát tán thông tin của các hội, nhóm chống lại vắc xin (anti vaccine) trên thế giới trong đó có Việt Nam. Bằng những nội dung kêu gọi “thuận theo tự nhiên”, những hội nhóm chống lại vắc xin đang bí mật lôi cuốn được rất nhiều cha mẹ ở nhóm những người trẻ tuổi tham gia và quay về với những cách phòng bệnh thời nguyên thủy, để cơ thể tự chống chọi với bệnh tật[1]. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng vắc xin là không đáng kể so với lợi ích của chúng. Nhưng vắc xin  đã bị công kích trên mạng bởi người có trí tưởng tượng phong phú, người bán các loại thuốc thay thế, những hội nhóm mang tính giáo phái (thuận theo tự nhiên…) hay đơn giản chỉ là những người nghiện Internet. Trong khi đó, tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng đánh giá việc "không tiêm vắc xin" là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu năm 2019.

NHÂN TỐ CƠ BẢN TRONG VIỆC HÌNH THÀNH, PHÁT TÁN TIN TỨC GIẢ

Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy có 3 nhân tố cơ bản trong việc hình thành và lan truyền tin tức giả

Thứ nhất là thông điệp truyền đi. Tin giả thường được xây dựng dựa trên sự kiện nóng, là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Nhờ vậy, tin tức giả được lồng ghép những yếu tố thực tế khiến công chúng khó có thể phát hiện được thật giả, thậm chí càng đễ dàng chiếm được niềm tin đối với công chúng. Những thông điệp được truyền đi trong những tin tức giả luôn sử dụng những ngôn từ và nội dung gây sốc, gây hoang mang cho dư luận xã hội và lợi dụng phản ứng rất mạnh mẽ của công chúng về các vấn đề liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội, đến sức khoẻ, tính mạng và quyền lợi của người dân. Ví dụ như sự lan tràn tin tức giả về dịch tả lợn châu Phi trong thời gian vừa qua tại Việt Nam. Những tin tức giả kiểu này đã thu hút hàng ngàn lượt thích và bình luận gây náo động dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và đến hoạt động kinh tế của các hộ chăn nuôi.

Thứ hai là truyền thông xã hội – chính là tác nhân mạnh mẽ lan truyền tin tức giả. Truyền thông xã hội là một trong những công cụ hữu hiệu nhất trong lan truyền tin tức giả bởi lẽ mạng xã hội với độ tương tác, tính lan toả cao đã tạo nên một mạng lưới cộng đồng người dùng khổng lồ với nhiều luồng thông tin đa dạng và nhiều chiều. Người dùng mạng xã hội (MXH) có thể thấy bất kỳ loại tin tức nào, một cách sớm nhất trên MXH thậm chí sớm hơn cả trên báo chí. Vì sự chi phối bởi “bong bóng lọc” thông tin từ MXH, bởi thuật toán của MXH hay nói cách khác, một vài yếu tố trong đó liên quan tới thuật toán của Facebook, mạng xã hội này căn cứ vào cách hành xử của người dùng  với một mối quan tâm nhất định nào đó về thông tin và sẽ dẫn dắt người dùng đến với mối quan tâm đó. Và tin tức giả bằng cách này sẽ “chủ động” tìm đến với công chúng. Có thể trong tương lai tới đây, tin giả có thể còn tăng mạnh hơn do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) nên việc tiếp cận công nghệ của người dùng cũng rẻ hơn, dễ hơn.

Thứ ba là người dùng mạng xã hội – tác nhân phát tán tin tức giả. Trong các nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của tin giả thì các yếu tố thông điệp và kênh truyền thông thông điệp chỉ là nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ chính bản thân những người dùng mạng xã hội. Những người khác chia sẻ tin giả vì tin rằng những thông tin từ bạn bè mình là thật mà không nghĩ đến việc xác thực những tin tức đó trên các trang báo chính thống. Động cơ của các đối tượng sản xuất loại tin tức giả này có thể vì mục đích tài chính, chính trị hay hạ uy tín của cá nhân, tổ chức một cách có chủ đích. Thậm chí, có những trường hợp, các đối tượng tạo ra tin tức giả chỉ đơn giản để được nổi bật, thu hút sự chú ý, tăng tương tác trở thành một “hot Facebooker” hoặc một “hot Youtuber”…. Dù với mục đích gì thì những hệ quả mà tin tức giả gây ra lại ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Trong đó có những hệ quả nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Ngoài ba nguyên nhân chính được đề cập, không thể không nhắc dến vai trò của báo chí đối với sự bùng nổ của tin giả. Thay vì kịp thời ngăn chặn và đối phó với tin giả, đối với một số vụ việc, trong một số thời điểm, báo chí chính thống vẫn còn chậm. Trong khi tin giả xuất hiện với tần suất dày đặc trên nhiều kênh khác nhau thì báo chí vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình trong việc thẩm định thông tin và  định hướng dư luận. Điều này có thể dẫn đến việc suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông nói chung và của báo chí chủ lưu nói riêng vì công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận.

Bên cạnh đó, thói quen và niềm tin của công chúng cũng chính là một vấn đề lớn khi họ có thể quan niệm rằng: “Tôi có thể không tin vào các phương tiện truyền thông - đặc biệt là trong cái nhìn của những người viết tin - nhưng tôi tin tưởng bạn bè của tôi”[2]. Điều quan trọng hơn hết là những tin tức từ bạn bè sẽ gần gũi và gắn bó với cuộc sống của người nhận tin hơn so với những tin tức đến từ các cơ quan báo chí lớn. Chính vì vậy, vai trò của báo chí và người làm báo càng trở nên nhạt nhoà hơn bao giờ hết nếu không có năng lực thẩm định được nguồn tin, sự khách quan, cập nhật và đủ nhân văn.

XÁC ĐỊNH ĐÚNG ĐẮN VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ

Với sự phát triển của mạng xã hội mọi người dân đều có thể trở thành nguồn phát thông tin (hiện nay họ còn được nhắc đến dưới thuật ngữ là “nhà báo công dân”). Vì người dùng tự sáng tạo nên nội dung họ muốn nên chắc chắn những gì họ tạo ra vẫn mang tính chất chủ quan của bản thân, tính khách quan không cao, thậm chí không có tính kiểm chứng. Nhiều cá nhân có sức ảnh hưởng, có lượt theo dõi lớn nên mỗi khi họ đăng tải một thông tin, nội dung đó sẽ có ảnh hưởng tới nhiều người vì có những người hâm mộ tin tưởng họ. Có rất nhiều ví dụ cho thấy công chúng đôi khi tin vào thông điệp của  một cá nhân nào đó hơn là tin vào thông tin từ báo chí chính thống.

Ví dụ điển hình là khi phân tích trường hợp liên quan đến dòng trạng thái kêu gọi “Ngưng ăn thịt lợn…” của ca sĩ Bùi Phương Thanh (Chanh) đăng tại facebook cá nhân vào ngày 15/3/2019 cho thấy, dù ca sĩ này dẫn nguồn từ một bài báo được đăng trên báo điện tử VietnamNet (bài gốc đăng từ 7/11/2018)[3] nhưng tin tức này được xem như là tin giả (tin bị can thiệp làm sai hướng). Mặc dù, rõ ràng là trong nội dung không có câu từ nào đề cập đến dịch tả lợn Châu Phi, nhưng nội dung này được đưa lên trong khoảng thời gian nhạy cảm, cao trào của dịch nên nhiều người lầm tưởng và liên tưởng. Việc đưa thông tin của ca sĩ này hoàn toàn không đúng thời điểm nếu xét về logic thời gian, bởi đến trung tuần tháng 3/2019 ca sĩ này mới đăng và trích lục lại nguồn link bài viết của VietnamNet đăng từ tháng 11/2018?!. Dòng nội dung kêu gọi mọi người ngưng ăn thịt lợn trên trang cá nhân facebook của ca sĩ Phương Thanh tuy đã được gỡ bỏ ngay sau đó (do có sự lên tiếng, can thiệp từ những cơ quan có chức năng) nhưng nó đã cán mốc 594 lượt bấm bày tỏ cảm xúc, 172 bình luận và đến 1.737 lượt chia sẻ. Điều này đủ minh chứng để thấy là người nổi tiếng nên chắc chắn những quan điểm, chia sẻ của ca sĩ này đưa ra sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của nhiều người khác.

Do đó, việc cung cấp kịp thời thông tin chính xác, khách quan và chân thực không những là nhiệm vụ của báo chí mà còn là sự đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi tự thân của xã hội. Xã hội càng văn minh càng cần đến thông tin chính xác, chân thực và nhân văn; đó chính là thế mạnh của báo chí chính thống.

Với ưu thế nhanh, nhạy, tính tương tác cao và sự lan tỏa lớn..., mạng xã hội đang ngày càng cạnh tranh quyết liệt với báo chí truyền thống. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, vai trò của báo chí chính thống không những không suy giảm mà ngày càng quan trọng trong một xã hội bùng nổ thông tin. Nhưng làm như thế nào để kiểm chứng nguồn thông tin từ mạng xã hội, định hướng lại dư luận về vấn đề này một cách hiệu quả?!

Làm báo thời truyền thông xã hội thì vấn đề quan trọng nhất là kiểm chứng nguồn tin. Henshall và Ingram (1991) cho rằng những người, những bức thư, các quyển sách, các túi tài liệu, các bộ phim và băng đĩa, thực ra là bất cứ người nào hoặc bất cứ điều gì mà nhà báo sử dụng để đưa vào câu chuyện của mình thì đều có thể xem đó là “nguồn tin”. Nguồn tin luôn được xem là yếu tố vô cùng quan trọng.

Khi New York Times trích dẫn các nguồn tin rất nhiều từ mạng xã hội Twitter hoặc kể cả từ tài khoản chính thống và tài khoản mạng xã hội của cá nhân khi làm trực tiếp về vụ xả súng khiến 50 người chết và hơn 200 người bị thương trong một buổi biểu diễn nhạc đồng quê tại Las Vegas(Mỹ) ngày 1/10/2017 cũng minh chứng cho xu thế này.

Việc nhúng trực tiếp đường dẫn (link) bài viết cũng đặt ra nhiều thách thức với các cơ quan báo chí nếu nguồn tin mạng xã hội cập nhật (chỉnh sửa) lại thông tin do đó (dẫn nguồn và chụp màn hình và liên hệ với nguồn tin là điều vô cùng quan trọng).

Yêu cầu kiểm chứng nguồn tin ngày càng cao, khi hiện nay có sự khác biệt giữa nhà báo công dân và nhà báo chính thống trong việc tiếp cận thông tin với nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là thông tin từ mạng xã hội. Năng lực và cách thức xử lý thông tin, thậm chí đã góp phần làm cho các các cơ quan báo chí và nhà báo khác biệt, đẳng cấp. Do sự phát triển như vũ bão của truyền thông xã hội, các nhà báo giờ đây không phải là người phát hiện ra thông tin nữa nên họ cần phải đảm trách sứ mạng thẩm định thông tin và giải thích thông tin đó. Tác giả Margaret Simons thậm chí còn viết trên tờ The Guardian của Anh: “Các nhà báo đã trở thành những người tiếp nhận thông tin chứ không phải những người tạo ra thông tin.”[4]

Với trách nhiệm xã hội của mình nhà báo với cơ quan báo chí nơi nhà báo công tác có vai trò rất lớn trong việc kiểm chứng nguồn tin và thông tin một cách công khai, minh bạch và thoả mãn nhu cầu nhận thức về các vấn đề liên quan đế lợi ích của công chúng. Yêu cầu kiểm chứng ngày càng được đề cao bởi chính nhà báo, cơ quan báo chí phải có trách nhiệm giải trình nhiều hơn với công chúng, cắt nghĩa, phân tích xem thông tin đó thiếu chính xác dựa trên căn cứ nào. Hoặc khi nhà báo, cơ quan báo chí sử dụng nguồn tin sai hoặc đăng tải thông tin thiếu chính xác, thiên kiến thì sự đính chính ra sao. Đồng thời, thông qua quyền được tiếp cận thông tin đúng đắn, chính xác của nhân dân đã được luật hoá (Luật tiếp cận thông tin), báo chí có trách nhiệm kiểm chứng dòng thông tin và phải chịu trách nhiệm trước những dòng thông tin chủ lưu của cộng đồng, của đất nước.

Mặc dù, không có một văn bản pháp luật nào ràng buộc việc kiểm chứng thông tin của báo chí nhưng ý nghĩa nhân văn của báo chí chính là nguyên tắc tôn trọng sự thật, tìm kiếm sự thật. Như vậy là, nhìn từ đặc trưng của báo chí để thấy sự thống nhất trong nhận thức, nguyên tắc và kỹ năng hành nghề của nhà báo nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm báo chí so với các sản phẩm thông tin từ mạng xã hội.

Dựa trên các nguồn tin hợp pháp của chính quyền, thường là các quan chức chính phủ, các cơ quan chức năng liên quan, các chuyên gia uy tín, tin tức chính thống cung cấp đến công chúng nhằm phản biện lại tin tức giả phải còn là sản phẩm của các nguồn tin dưới nhân sinh quan, thế giới quan của nhà báo. Do vậy, khi tiếp nhận, lựa chọn và sử dụng thông tin trên mạng xã hội báo chí phải kiểm chứng, khi thấy đúng sự thật mới chính thống hóa thông tin, đưa ra những bình luận sắc sảo góp phần nâng cao năng lực tư duy và nhận thức của độc giả. Chỉ có như vậy báo chí mới được xã hội tìm đọc, uy tín của tờ báo mới ngày một được nâng cao, mới góp phần đắc lực phục vụ xã hội, tờ báo mới ngày càng phát triển. Điều kiện để làm được việc đó đòi hỏi trách nhiệm, đạo đức, năng lực của nhà báo; tính nguyên tắc, kỷ cương, nhãn quan chính trị của cơ quan báo chí; tính nghiêm minh của pháp luật nhà nước. 

Ngô Thị Hồng Hạnh



[2] Rzysztof LwanekWhatsApp, Fake News? The Internet and Risks of Misinformation in India, https://thediplomat.com/2018/07/whatsapp-fake-news-the-internet-and-risks-of-misinformation-in-india/

[3] https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/108-nguoi-o-binh-phuoc-nhiem-au-trung-san-lon-gao-487518.html

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất