Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 18/4/2014 14:27'(GMT+7)

Vai trò và những đóng góp của lực lượng công an nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đồng chí Trần Đại Quang phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: TH)

Đồng chí Trần Đại Quang phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: TH)

Ngày 18-4, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học Vai trò và những đóng góp của lực lượng công an nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và TS. Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì Hội thảo.

Cách đây 60 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ trên toàn thế giới. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, chấm dứt  ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới: miền Bắc tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, toàn thành độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất đất nước. Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca của một cuộc chiến tranh thần kỳ, đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Có thể khẳng định, Chiến dịch Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta; tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc chiến đấu giành độc lập và thống nhất đất nước. Sức mạnh Điện Biên Phủ đột phá vào thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, “làm thay đổi số phận thế giới”, “làm cho các dân tộc thuộc địa ngẩng cao đầu".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại tướng Trần Đại Quang khẳng định, trong thắng lợi chung của dân tộc, lực lượng Công an có vai trò và những đóng góp hết sức quan trọng, đã kề vai sát cánh với Quân đội nhân dân Việt Nam và nhân dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngay từ những ngày đầu, khi Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Công an xác định công tác bảo vệ chiến dịch là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn lực lượng CAND. Để thực hiện trọng trách đó, ngành Công an đã lập ra “Ban Công an tiền phương” nằm trong  Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương. Ở một số tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, ngành Công an thành lập “Ban Công an tiền phương” cấp tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ chỉ đạo công tác bảo vệ chiến dịch. Với khối lượng công việc đồ sộ phục vụ chiến dịch, trong thời gian ngắn, lực lượng CAND đã huy động hàng chục vạn cán bộ chiến sỹ ở hầu khắp công an các đơn vị, địa phương tham gia công tác bảo vệ ở tất cả các lĩnh vực, địa bàn từ hậu phương ra mặt trận. Công tác bảo vệ chiến dịch của lực lượng CAND trong giai đoạn này là một cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ với nhiều nhiệm vụ cụ thể rất khác nhau, từ bảo vệ lực lượng chiến đấu trực tiếp, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân, bảo vệ bí mật quân sự, bảo vệ giao thông vận chuyển, thuần khiết lực lượng tham gia phục vụ chiến dịch, thực hiện các biện pháp phản gián, bảo vệ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, bảo vệ kho tang, bến, bãi, khu tập kết lực lượng, vũ khí, khí tài, bảo vệ hậu phương, khu vực được giải phóng, tiễu phỉ, đấu tranh phòng, chống phản động, bóc gỡ các mạng lưới gián điệp, biệt kích…

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ của lực lượng CAND, nhiều cán bộ chiến sỹ công an đã anh dũng hy sinh, bị thương, để lại một phần xương máu trên các nẻo đường chiến dịch và mặt trận. Cũng không ít cán bộ chiến sỹ công an đã hy sinh thầm lặng, thực hiện các chuyên án đấu tranh, chống gián điệp, phản động, qua hoạt động điều tra, tiễu phỉ, trừ gian, bảo vệ các căn cứ, bảo vệ các cuộc hành quân, địa điểm trú quân… Ngay sau chiến dịch, do nhiệm vụ bảo vệ các vùng giải phóng, ổn định tình hình an ninh trật tự, tiễu phỉ, phát hiện, đấu tranh, gỡ bỏ mạng lưới gián điệp cài lại, đấu tranh phòng, chống phản động trong vùng dân tộc thiểu số, lực lượng CAND phải bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ mới cũng không kém phần quan trọng, trong bối cảnh tình hình mới vô cùng khó khăn, gian khổ.

Những tấm gương chiến đấu, dũng cảm, hy sinh của cán bộ, chiến sỹ công an trong công tác bảo vệ chiến dịch đã hun đúc truyền thống anh hùng vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam; là di sản tinh thần vô giá thôi thúc lực lượng Công an nhân dân tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay.

Đại tướng Trần Đại Quang cũng đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo, các đồng chí công an, quân đội lão thành, các nhà khoa học, bằng cách tiếp cận lịch sử cụ thể, hệ thống; tập trung phát biểu, trao đổi để làm rõ thêm về vai trò và những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ gắn với những sự kiện, nhân vật và thời gian cụ thể.

 
 Đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: TH)

Đồng chủ trì Hội thảo, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã khẳng định Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, không chỉ có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, tri ân những anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc, mà còn có ý nghĩa góp phần giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho toàn thể cán bộ chiến sỹ lực lượng CAND hiện nay.

Hơn 60 tham luận, báo cáo khoa học tại Hội thảo với nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực, phản ánh tương đối toàn diện về vai trò và những đóng góp của lực lượng CAND trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây cũng là diễn đàn bày tỏ hồi ức những kỷ niệm sâu sắc, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, những tình cảm sâu nặng và thiêng liêng của đồng chí cán bộ công an lão thành đã trực tiếp  tham gia bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ. Các đại biểu đã tập trung làm rõ những nội dung là:

Một là, phân tích, làm sáng tỏ và sâu sắc hơn sự lãnh đạo sáng suốt tài tình, mang tầm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hai là, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đoàn Bộ Công an và các khu ủy đối với lực lượng CAND trong công tác bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ba là, phân tích làm rõ hơn vai trò, nhiệm vụ và những đóng góp của lực lượng CAND, đặc biệt là công an các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, công an các tỉnh Bắc Trung Bộ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên tất cả các lĩnh vực: trực tiếp chiến đấu, bảo vệ chiến dịch, bảo vệ lực lượng, phương tiện chiến đấu, thuần khiết nội bộ, phòng gian bảo mật,  bảo vệ hậu phương, khu giải phóng, tiễu phỉ, diệt trừ gián điệp, biệt kích; xây dựng thế trận an ninh nhân dân, huy động sức mạnh toàn dân phối hợp với công an thực hiện nhiệm vụ chính trị to lớn đó.

Bốn là, phân tích về những  biện pháp công tác nghiệp vụ của ngành Công an được áp dụng thành công trong quá trình bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để phát triển, vận dụng vào thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CADN trong giai đoạn hiện nay.

Những kết quả của Hội thảo khoa học Vai trò và những đóng góp của lực lượng công an nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ thực sự là những bài học kinh nghiệm quý báu, góp phần cho lực lượng CAND tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất