Rời cuộc sống quân ngũ, ông sống khiêm nhường cùng gia đình ở vùng quê thanh bình xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Dù tuổi đã ngoài 80 nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Giọng nói của ông hào sảng mang khí phách của người lính trinh sát năm xưa đã đi suốt cuộc trường chinh của dân tộc với biết bao trận chiến lẫy lừng. Trong căn nhà bình dị và quen thuộc như bao làng quê Việt, chúng tôi được cùng ông trở về những ngày tháng lịch sử cách đây 60 năm, khi cả nước hướng về Tây Bắc.
Năm 1947, Phan Xuân Khu chính thức trở thành chiến sỹ Vệ quốc quân khi vừa tròn 20 tuổi và được điều động về Trung đoàn sông Lô. Trận chiến đấu với giặc Pháp đầu tiên của ông cùng đơn vị vào chiến dịch Thu Đông 1947. Trung đoàn của ông truy quét địch tại bến Bình Ca, bắn chìm nhiều tàu chiến, canô của giặc Pháp. Sau đó, đơn vị của ông tiếp tục truy quét địch lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Năm 1948, chiến sỹ Phan Xuân Khu được giao nhiệm vụ lính trinh sát, bám địch, bám dân.
Ông chia sẻ: Lính trinh sát phải nhanh nhẹn, "tai thính, mắt tinh, mũi nhạy," đặc biệt phải thật gan dạ, trong hoàn cảnh nào cũng không lùi bước trước quân thù. Không những thế, thông tin thăm dò được sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi trận đánh. Mỗi khi bước vào trận, anh em trinh sát phải vào tận hang ổ của địch, luồn lách qua từng hàng rào dây thép gai xem địch bố trí hỏa lực, hay rào thép gai như thế nào để đồng đội tiến công. Nhiều khi phải lao đi giữa làn đạn địch để truyền đạt thông tin, mệnh lệnh của cấp trên.
Chiến dịch nối tiếp chiến dịch, chiến công nối tiếp chiến công, từ Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi, Tây Bắc rồi sang nhận nhiệm vụ ở Lào... Có những trận thắng giòn giã, có cả những thất bại, tất cả đều để lại kỷ niệm trong ông. Ông còn nhớ như in hình ảnh những đồng đội đã hy sinh, quãng đường hành quân không biết đến điểm dừng, vượt đèo, vượt sông, suối, cánh đồng trũng, vách đá cheo leo. Trong máu lửa đạn bom, ý chí và quyết tâm của người lính trinh sát Phan Xuân Khu được thử thách, rèn luyện và trưởng thành.
Năm 1953, đơn vị ông nhận nhiệm vụ hành quân lên chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông được giao nhiệm vụ đặc biệt, cải trang và trà trộn vào dân để theo dõi từng hành động, di chuyển của địch tại thị xã Mường Lay, sau đó báo về cho chỉ huy tại Điện Biên Phủ. Ban ngày, ông Khu cùng đồng đội cải trang để theo dõi quân địch, phải nắm chắc quân số và phân biệt được đâu là lính đánh thuê, lính Bắc Phi... Ban đêm, ông và đồng đội tham gia đào hầm, đào hào. Chỉ cần nhầm lẫn một chút cũng gây ảnh hưởng đến hướng đánh của quân ta. Để nắm chắc tình hình địch, nhóm trinh sát của ông tìm kế dụ hàng địch nhằm khai thác thông tin, khi không dụ hàng được địch thì tìm cách bắt sống.
Ông Khu kể tháng Tư, Điện Biên vào mùa mưa. Dưới hầm hào, công sự bùn đất bê bết từ đầu đến chân nhưng không tìm đâu ra nước mà tắm gội. Việc ăn uống cũng rất kham khổ, chỉ có cơm nắm với muối. Ngủ thì phải ngủ ngồi. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó, ông và đồng đội vẫn vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Cuộc chiến đấu ngày càng cam go, khốc liệt, toàn quân ta dồn hết sức quyết tâm chiến thắng. Sau khi quân ta giành chiến thắng ở đồi E, tiểu đội của ông Khu lại nhanh chóng nhận nhiệm vụ sang trinh sát bên đồi Độc Lập. Để có thể kịp thời nhận nhiệm vụ và báo tin kịp thời về cấp trên, ông Khu và đồng đội phải vừa đi vừa nấu cơm ăn, chín đến đâu ăn đến đó. Đến giờ, chiếc cạp lồng cơm tốc hành đó vẫn được ông gìn giữ như kỷ niệm của một thời chinh chiến.
Đưa ánh mắt nhìn xa xăm, giọng ông Khu thoáng buồn: “Khi nhận nhiệm vụ trinh sát đồi Độc Lập, đơn vị của tôi bị máy bay địch phát hiện và ném bom. Đơn vị tôi hy sinh gần hết, tôi cùng vài đồng chí khác may mắn sống sót. Vượt lên đau thương, tôi và các đồng chí còn lại cố bám trụ chốt trinh sát hoàn thành nhiệm vụ."
Những ngày gần giải phóng, máy bay địch lên, xuống nhiều, để tiếp viện cho Điện Biên Phủ và các nơi. Công việc theo dõi vất vả hơn nhưng ông và đồng đội không hề bỏ sót một chiếc máy bay nào khi hạ cánh, hay những hoạt động nhỏ của địch. Chính việc báo cáo kịp thời hướng đi của địch khi vận chuyển thuốc, vũ khí, lương thực đã góp phần để bộ đội ta phục kích và chặn đánh nhiều chuyến hàng tiếp viện của địch, góp phần làm nên chiến thắng.
Trong ký ức của người lính trinh sát Phan Xuân Khu, ông vẫn nhớ như in trận đánh của quân ta ở sân bay Mường Thanh.
Ông cho biết: Trong trận này, quân đội của ta với địch luôn trong thế giằng co, bởi quân mình cứ chiếm được sân bay một ngày thì địch lại tập hợp lực lượng để phản kích chiếm lại. Đã có rất nhiều anh em hy sinh để quyết tâm giữ cho được sân bay. Nhưng cuối cùng ý chí và lòng quyết tâm của quân ta đã chiến thắng.
Ngay sau khi vào tiếp quản Điện Biên Phủ, ông Khu cùng đồng đội không một ngày nghỉ ngơi mà tiếp tục nhận nhiệm vụ hành quân đến những chiến trường khác chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo của quân ta.
Với chiến sĩ trinh sát Phan Xuân Khu, hồi ức về chiến dịch Điện Biên Phủ không phải là tập đoàn cứ điểm bị đánh tan rã mà chính là khí thế ra quân khi ấy. Ông kể hồi đó, khí thế ra quân rất rầm rộ. Ai được ra tiền tuyến đều tự hào, mà được ra sát hỏa tuyến càng tự hào hơn.
Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù nhưng những đóng góp của ông và đồng đội đã góp phần vào chiến thắng của quân đội ta. Với những hy sinh, đóng góp trong cuộc kháng chiến của đất nước, ông Phan Xuân Khu vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến thắng và 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
Cuộc chiến đã qua sáu thập kỷ nhưng ký ức về những trận đánh hào hùng năm xưa vẫn đọng mãi trong tâm trí những người cựu chiến binh, những người đã góp phần làm nên một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"./.
Nguyễn Thị Thảo (TTXVN)