Ngày 15/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt
Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Hồ Chí Minh và Viện Nghiên
cứu Phát triển Phương Đông phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học về "Vấn đề
độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam."
Theo bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước,
Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, sau khi Đảng chủ trương
"đường lối đổi mới kinh tế," đất nước Việt Nam trong một thời gian đã
phát triển tương đối nhanh, ghi được một số điểm sáng như phát triển
nông nghiệp, chương trình xóa đói giảm nghèo, bộ mặt đất nước có nhiều
thay đổi...
Nhưng các nghị quyết của Đảng nhiều năm gần đây nhận định kinh tế Việt
Nam có phát triển nhưng còn kém, chưa bền vững. Và cuộc khủng hoảng kinh
tế thế giới kéo dài tác động không nhỏ vào nền kinh tế, càng làm sâu
sắc thêm các khó khăn và nguy cơ.
Nhằm khắc phục những yếu kém của giai đoạn vừa qua, để Việt Nam vừa
thoát khỏi tình trạng nước nghèo chuyển sang nước thu nhập trung bình và
tiếp tục đi lên, Đảng đã đề ra nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tập
trung cơ cấu tập đoàn nhà nước, ngân hàng, đầu tư công; chủ trương chống
lạm phát, giữ vững kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Theo bà Nguyễn Thị
Bình, những chủ trương đúng đắn nói trên đến nay triển khai còn chậm,
đầy khó khăn.
Đề cập đến những thách thức của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, Phó giáo
sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng
sau 6 năm gia nhập WTO, khu vực nội địa yếu đi nghiêm trọng trong khi
khu vực đầu tư nước ngoài tăng lên. Một tổng kết gần đây cho thấy xu
hướng yếu đi của khu vực nội địa, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà
nước, khu vực tư nhân rất khó khăn, khu vực nông nghiệp đều yếu đi.
Theo ông Trần Đình Thiên, nền kinh tế của Việt Nam đang rơi vào "điểm
nghẽn" tăng trưởng, khi mà thế giới đang dần thoát khỏi khủng hoảng tài
chính và suy thoái toàn cầu thì chúng ta chưa biết khi nào mới thoát ra
khỏi một cách chắc chắn.
Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng đẳng cấp không cải thiện, chính vì vậy
vấn đề độc lập, tự chủ của Việt Nam rất khó khăn. Khi tính bền vững rất
thấp, chúng ta khó mà tự chủ được; so với những khái niệm kinh tế thông
thường của phát triển kinh tế hiện đại chúng ta còn ở khoảng cách rất xa
so với thế giới như dự trữ ngoại tệ, ngân sách, thâm hụt ngân sách, nợ
xấu... dẫn đến khó hội nhập.
Nêu ra những giải pháp cơ bản, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh trước tiên
phải khôi phục khu vực nội địa và căn cứ vào thực tế, phân tích thực tế
30 năm đổi mới để rút kinh nghiệm. Phải định hình nền kinh tế đảm bảo
hai tuyến, thứ nhất phải đảm bảo phúc lợi quốc gia, thứ hai là lợi nhuận
của doanh nghiệp.
Đồng thời, phải trở lại giải quyết những vấn đề cơ bản của đổi mới đất
đai và cải cách khu vực kinh tế nhà nước, trong đó hạt nhân là các tập
đoàn nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta phải bắt tay vào thực hiện thay đổi
hệ thống phân bổ nguồn lực quốc gia, tái cơ cấu nền kinh tế.
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp cũng đã
trao đổi các vấn đề liên quan như xây dựng chiến lược quốc gia trong bối
cảnh toàn cầu hóa; chúng ta cần phải làm gì trong hình hình hiện nay để
có thể độc lập, tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới vấn đề
giáo dục đào tạo...
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần phải xây dựng nền công nghiệp phát
triển, tạo ra những sản phẩm khác biệt để có lợi thế cạnh tranh, đồng
thời chú trọng đào tạo con người luôn lấy tiêu chuẩn độc lập, tự chủ làm
chuẩn mực...
Ở một khía cạnh khác, theo nhiều đại biểu, việc thực hiện các cam kết
quốc tế về kinh tế có liên quan đến tất cả các tầng lớp nhân dân, đặc
biệt là các doanh nghiệp, nên nhân dân cần được thông tin, phải biết đâu
là lợi ích của mình, đâu là rủi ro... qua đó để cùng nỗ lực, xác định
mục tiêu phấn đấu hướng đến xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ cho đất
nước./.
Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)