Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 3/4/2009 21:34'(GMT+7)

Vấn đề tác quyền kịch bản điện ảnh

Một cảnh trong phim “Mây trắng ngang trời”.

Một cảnh trong phim “Mây trắng ngang trời”.

Thời gian qua, một số vụ tranh chấp, kiện tụng liên quan đến kịch bản điện ảnh khiến dư luận thực sự không thể thờ ơ.

Những ví dụ

Ngoài vụ tranh chấp tác quyền kịch bản "Tây Sơn hào kiệt", đang thu hút sự quan tâm của dư luận mà báo Hànộimới chủ nhật ngày 29-3 đã đưa. Phải kể đến bộ phim 4 tập "Biệt động Sài Gòn" nổi tiếng làm xúc động nhiều thế hệ khán giả được sản xuất từ 1982 đến năm 1987. Trong thời gian đó, 2 tập đầu đã gây tiếng vang. Kịch bản được đưa lên sách, báo đem lại nguồn thu lớn cho những nơi in mà không xin phép. Sự việc im lặng cho đến gần đây, nhà báo Nguyễn Thanh, tác giả kịch bản gốc, ốm yếu do chất độc da cam, làm đơn kiện Hãng Phim truyện Việt Nam và nhà biên kịch Lê Phương - người làm việc với Nguyễn Thanh và đứng tên đồng tác giả kịch bản. Nhưng theo nhà biên kịch Lê Phương, giờ cũng đã hơn 70 tuổi, thì hồi đó, kịch bản của Nguyễn Thanh không dùng được, Lê Phương phải viết lại. Nhuận bút phim,ông Phương 2 phần, ông Thanh 1 phần và ông Phương đã trao lại đầy đủ. Mới đây, TAND Hà Nội phải hoãn phiên tòa giải quyết vụ việc này vì đại diện một số đơn vị in ấn kịch bản bộ phim không có mặt. Các bên liên quan, nhất là nhà báo Nguyễn Thanh đang bức xúc chờ đợi.

Mới năm ngoái, kịch bản phim "Mây trắng ngang trời" của Huỳnh Ngọc Liên sau khi được HTV7 phát sóng 2 tháng rưỡi thì bị kiện do bà Hồ Tuyết Ngân cho rằng phim đã lấy ý tưởng, nội dung từ tự truyện "Khúc sông định mệnh 2" của bà với bút danh Lan Hồ Điệp. Nhưng tác giả Ngọc Liên phản đối vì kịch bản của mình chỉ dựa vào một số chi tiết chính trong cuộc đời Huỳnh Tiểu Hương - Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Quê Hương. Trước sự việc này, dư luận cũng đã quan tâm đến vụ kiện tác quyền giữa tác giả kịch bản phim "Phiên chợ số" với tác giả kịch bản phim "Sóng gió thương trường". Năm 1998 đã ghi nhận vụ kiện tác quyền điện ảnh đầu tiên khi ông Nguyễn Kim Ánh, tác giả kịch bản "Hôn nhân không giá thú" kiện Hãng Phim truyện I khi cho rằng hãng này sửa chữa, làm sai lệch kịch bản của ông.

Để kịch bản "dễ thở"

Các vụ việc trên và tương tự cho thấy khả năng "kiện tụng" trong điện ảnh dường như dễ xảy ra ở khâu kịch bản, nảy sinh từ quá trình cộng tác, trao đổi giữa các đồng tác giả, từ việc trùng lặp ý tưởng giữa tác giả phim này với tác giả phim khác, từ hiệu quả làm việc giữa tác giả với đơn vị dàn dựng. Bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan, kịch bản có thể bị điều chỉnh, sửa chữa, can thiệp trong thực tế dàn dựng. Phải làm gì để tránh xảy ra những phiền phức đáng tiếc hoặc không cần thiết đối với kịch bản và tác giả của nó?

Một thực tế là, thường thiếu những hợp đồng chi tiết và chặt chẽ trong quá trình làm việc giữa các tác giả và giữa tác giả với đơn vị làm phim. Trong đó quyền hạn, quyền lợi giữa các bên liên quan đối với kịch bản trong việc sử dụng cũng như tái sử dụng phải được quy định rõ.

Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ cần bổ sung và quy định rõ hơn về yêu cầu đối với việc đăng ký tác quyền kịch bản điện ảnh. Lấy đó làm một cơ sở xác định tác quyền và giải quyết những tranh chấp nếu xảy ra. Các hãng phim khi tiếp nhận kịch bản, nên chăng chỉ nhận những kịch bản đã đăng ký, hoặc chính hãng phim cần giúp đỡ, hỗ trợ tác giả trong việc đăng ký nhằm bảo đảm quyền lợi cho đối tác. Thực tế là, việc đăng ký bản quyền kịch bản điện ảnh cũng chưa được quan tâm tương xứng với tình hình điện ảnh sôi động hiện nay. Tác giả nhiều khi ngại đăng ký bảo hộ quyền của mình do thủ tục cồng kềnh, đi lại và chờ đợi mất thời gian. Nếu như cải tiến được khâu này, tăng cường giao dịch qua mạng và giao dịch với hệ thống đại diện Cục Bản quyền tại các địa phương (có thể phối hợp với Fafilm Việt Nam hoặc các sở VH-TT&DL, các trung tâm phát hành phim để thành lập) thì việc đăng ký tác quyền sẽ nhanh gọn và tác giả có thể yên tâm hơn. Dự thảo sửa đổi Luật Điện ảnh đang được lấy ý kiến rộng rãi để bổ sung, thống nhất. Hy vọng thực tế tranh chấp, kiện tụng về tác quyền kịch bản sẽ được nghiên cứu nhằm tạo ra trong luật những hành lang cần thiết để hạn chế điểm yếu của khâu cốt yếu trong điện ảnh hiện nay.

Lưu Nguyễn-Bao HaNoiMoi

-
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất