Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 6/5/2015 21:0'(GMT+7)

Vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và sách giáo khoa

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: TH)

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: TH)

Ngày 6-5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông – kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Về yêu cầu đổi mới, cần kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển  phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trong quá trình thực hiện chuyển đổi, chúng ta còn rất nhiều bỡ ngỡ, băn khoăn. Việc học tập và vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông vào thực tiễn Việt Nam là điều rất cần thiết.

Tại  hội thảo, bà Andrea Carr, Giám đốc điều hành công ty Rising Stars and  Hodder Primary (Vương quốc Anh) đã trình bày tổng quan về chương trình giáo dục phổ thông mới của Anh. Theo đó, tháng 11-2013, Bộ Giáo dục giới thiệu chương trình giáo dục quốc gia của Anh quốc được thực hiện ở tất cả các trường tiểu học và trung học từ tháng 9-2014. Chương trình mới của Anh quốc đã tập trung vào sự trải nghiệm học tập của học sinh. Bộ Giáo dục cung cấp một khung nội dung bắt buộc và sự sáng tạo là nhiệm vụ của các trường. Giáo viên đóng vai trò chủ đạo trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm học tập của học sinh. Một chương trình tốt phải có một khung về nội dung để có thể tạo ra được một đội ngũ chuyên gia cho thị trường lao động.

Tất cả các giai đoạn của chương trình được xây dựng theo sự phát triển từng năm một cách liên tục. Chương trình được xây dựng để đạt được các chuẩn quốc gia và quốc tế, được đưa ra bảo đảm sự cân bằng toàn cầu và sự tiếp cận với các cơ hội giáo dục đại học quốc tế. Chương trình được xây dựng để giúp cho người học trong cả cuộc đời chứ không dừng lại ở cổng trường khi họ tốt nghiệp. Khung chương trình mới được biên soạn để nâng cao yêu cầu biết được và có thể thực hiện được ở đầu ra đối với học sinh. Một số các chủ đề đã được chuyển dịch giữa các nhóm lứa tuổi và một số môn mới (Ví du môn Computing (Máy tính).

Nội dung không có trong chương trình quốc gia là các kỹ năng học tập (Ví dụ: đa nhận thức, giải quyết vấn đề, suy nghĩ sáng tạo, tự quản lý, tư duy khái quát); hành vi với học tập (kiên trì, sôi nổi, sáng tạo, giải quyết vấn đề); học tập ngoài lớp học; kết nối với thế giới lao động (nhà máy và việc làm); kết nối quốc gia và quốc tế.

Theo bà Sally Griffin, Giám đốc cao cấp về giáo dục vùng Cornway, Giám đốc chương trình Cảm hứng, cần bồi dưỡng chuyên môn để thực hiện chương trình mới. Các thành tố của việc bồi dưỡng chuyên môn bao gồm các khía cạnh về bồi dưỡng chuyên môn hướng tới việc thực hiện chương trình và nâng chuẩn. Toàn bộ lực lượng lao động và các thực tiễn đào tạo trong chương trình.  Các phương pháp đào tạo khác nhau và các ví dụ. Việc bồi dưỡng chuyên môn cần được thực hiện ở các mức độ: lãnh đạo, quản trị và quản lý; các giáo viên mới vào nghề; đào tạo giáo viên ở các trường; đào tạo trợ giảng, hỗ trợ về quản lý và thương mại, hỗ trợ cha mẹ học sinh và các hội nghề nghiệp.

Trong việc biên soạn sách giáo khoa và các nguồn học liệu, chương trình giáo dục mới đưa ra các nội dung và các kỹ năng được dạy. Các nội dung này phần lớn được cấu trúc trong chương trình học tập các môn học, xác định các mục tiêu học tập thể cho các lứa tuổi. Đây chính là điểm bắt đầu cho một khóa học mới. Công việc này cần có một nhóm chuyên gia để thực hiện. Nhóm chuyên gia này có thể gồm các nhà sản xuất, biên tập viên, cố vấn và tổ chức cơ sở là những nơi có thể công nhận cho các khóa học, các tác giả. Trong đó, các nhà xuất bản cần có tầm nhìn về quy trình, hiểu được yêu cầu của thị trường, hiểu về chương trình nhưng không phải là các chuyên gia môn học. Nhóm chuyên gia có vai trò phác học ra quy trình, tìm chuyên gia thực hiện và viết nội dung.

Tài liệu cho học sinh có thể là sách in hoặc sách điện tử, có chức năng bao trùm sâu sắc các nội dung kiến thức, có thể dùng trên lớp hoặc ở nhà. Sách luyện tập được viết kèm theo cung cấp thêm câu hỏi để củng cố kiến thức và kỹ năng.

Tài liệu dành cho giáo viên cũng có thể là bản in hoặc bản số hóa. Trong đó, có hướng dẫn đáp án để tiết kiệm thời gian cho giáo viên; có quy trình làm việc như từ việc biên soạn bài cho tới kế hoạch trung và dài hạn tiếp theo; có các ý tưởng về giảng dạy; hướng dẫn gợi ý mẹo cho việc giảng dạy các chủ đề; có các phiếu bài tập.

Phần kiểm tra đánh giá được thiết kế cho khóa học, cho tất cả các bài học trong sách. Các bài thi kết thúc bài học đảm bảo sự hiểu biết và phản hồi cho việc giảng dạy. Đánh giá định kỳ cuối năm để xác định điểm mạnh, điểm yếu.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra ý kiến về tiêu chí đánh giá sách giáo khoa mới của Việt Nam. Đó là: thể hiện chủ trương của Đảng và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; phù hợp và cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm tính liên môn, phân môn và tính liên thông giữa cấp học, lớp; cung cấp nội dung kiến thức; hướng dẫn hoạt động giảng dạy; ứng dụng công nghệ thông tin; mỹ thuật và tiện ích sử dụng; cấu trúc văn bản sách giáo khoa.

Quy trình soạn thảo sách giáo khoa sẽ áp dụng bắt buộc cho các tổ chức, cá nhân biên soạn theo quy trình: dự thảo và thử nghiệm sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông; hội đồng quốc gia thẩm định; phê duyệt bản thảo sạch để in.

Từ quy trình trên đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn bộ sách giáo khoa theo quy trình như sau:

- Tổ chức tập huấn về biên soạn sách giáo khoa cho các thành viên các Ban biên soạn sách giáo khoa. 

- Biên soạn đề cương sách giáo khoa.

- Tổ chức góp ý bộ đề cương sách giáo khoa.

- Biên soạn bản thảo sách giáo khoa theo đề cương sách giáo khoa.

- Trưng cầu ý kiến về bản thảo sách giáo khoa.

- Thẩm định sách giáo khoa.

- Tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa.

- Chỉnh sửa, phê duyệt cho phép sử dụng sách giáo khoa.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất