Thứ Sáu, 22/11/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Hai, 2/8/2021 0:40'(GMT+7)

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem đại đoàn kết dân tộc là kim chỉ nam cho mọi hành động. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem đại đoàn kết dân tộc là kim chỉ nam cho mọi hành động. (Ảnh tư liệu)

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là hệ thống những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp tập hợp quần chúng nhân dân, tổ chức lực lượng cách mạng nhằm phát huy cao nhất sức mạnh tolớn của toàn dân tộc. Trong lịch sử tư tưởng của Việt Nam, đã có nhiều người nhắc đến đoàn kết dân tộc nhưng đến Hồ Chí Minh, đoàn kết trở thành đại đoàn kết toàn dân. 

Đoàn kết có thể hiểu là sự tập hợp, kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung nào đó. Còn đại đoàn kết là đoàn kết rộng rãitức muốn nhấn mạnh tới thành phần, quy mô, lực lượng của khối đoàn kết. Đại đoàn kết có thể nhân lên sức mạnh to lớn của cả một dân tộc như Hồ Chí Minh khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”(1).

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy cụm từ “đoàn kết” được Người nhắc tới hơn hai nghìn lần và cụm từ “đại đoàn kết” được nhắc tới hơn tám mươi lầnĐiều đó nói lên sự quan tâm của Người đối với vấn đề đoàn kết, đại đoàn kết ở mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh lịch sử. 

Đoàn kết là một truyền thống quý báu của nhân dân tộc Việt Nam.

Khái quát quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Do đó, Người luôn kêu gọi mọi người, nhất là cán bộ phải luôn trân trọng truyền thống ấy và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc như giữ gìn “con ngươi trong mắt mình”. Người nói: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(2).

Đại đoàn kết là tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó liên minh giữa nông dân, công nhân và trí thức là nòng cốt.

Vớitư tưởng “lấy dân làm gốc”, Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của nhân dân và sức mạnh đoàn kết của nhân dân: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(3)Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân có một nội hàm rất rộngđể chỉ tất cả mọi con dân của nước Việt Nam nói chung. Do đó, đại đoàn kết dân tộc trongtư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các chính đảng, đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo, kể cả những người trước đây lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải, quay về với chính nghĩa của dân tộc. Đoàn kết trong tư tưởng của Người là đoàn kết rộng rãi, mở rộng và tranh thủ tất cả những lực lượng và bộ phận có thể tranh thủ sức mạnh của họ: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họAi có tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(4).

Theo Hồ Chí Minh, cốt lõi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân dân lao động mà trước hết là nông dân, công nhân. Người khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khácĐó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết với các tầng lớp nhân dân lao động khác”(5). Trong các tầng lớp nhân dân lao động khác mà Hồ Chí Minh nhắc đến, Người chú trọng đến đội ngũ trí thức vì đó là những người có thể giúp cho nước nhà phát triển và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”(6)Như vậy, khác với các nhà cách mạng tiền bối khi chỉ nhìn ra vai trò của giai cấp nông dân hoặc tầng lớp sĩ phu trí thức, Hồ Chí Minh đã thấy được vai trò to lớn của quần chúng nhân dân lao động và chỉ ra sự cần thiết phải đoàn kết, tập hợp họ thành một khối thống nhất, cùng với các giai cấp, lầng lớp khác để tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là tư tưởng tiến bộ của Hồ Chí Minh, trên cơ sở kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân và thể hiện tầm nhìn xa trộng rộng của Người về việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng.

Đại đoàn kết là một chiến lược quan trọng của cách mạng, là nhân tố quyết định mọi thành công

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết không phải là ý muốn chủ quan, cảm tính mà là một chiến lược quan trọng của cách mạng nhằm tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc để giành lấy thành công. Người từng khẳng định: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”(7). Điều này có nghĩa là đoàn kết là một chiến lược lâu dài của cách mạng, không phải là một thủ đoạn được áp dụng trong một tình huống nào đó. Do đó, đại đoàn kết dân tộc vừa là mục đích, vừa là nhiệm vụ hàng đầu mà sự nghiệp cách mạng cần hướng tới.

Trong quá trình khảo nghiệm thực tế, Người đã nhận ra rằng: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn(8)“Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”(9). Trong nhiều bài nói và viết, Người luôn nhấn mạnh đến luận điểm: Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là một lực lượng vô địch. Từ đó, Người đi đến khẳng định một vấn đề có tính chất giống như một chân lý của thời đại: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”(10).

Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam là một nước nhỏ, còn nghèo, dân số ít lại thường xuyên phải đối mặt với nhiều kẻ thù xâm lược vốn có ưu thế về vật chất, phương tiện chiến tranh, Hồ Chí Minh luôn khẳng định chỉ có quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mới có thể tạo nên sức mạnhto lớn để đương đầu và chiến thắngkẻ thù. Người đã từng khẳng định bằng một niềm tự hào về sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, chỉ có một ý chí: Quyết không chịu mất nước, chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng vững chắc xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”(11).

Phương thức để thực hiện đại đoàn kết dân tộc là thống nhất những điểm tương đồng, khắc chế những điểm khác biệt.

Không chỉ khẳng định vai trò của đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh còn chỉ ra phương thức để thực hiện sự đoàn kết rộng rãi đến các tầng lớp, giai cấp nhân dân. Người cho rằng, mỗi giai cấp, tầng lớp đều có đặc điểm riêng về lối sống, trình độ, nhận thức: “Cố nhiên, dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiền tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu”(12). Sự khác biệt đó đôi khi tạo nên những mâu thuẫn, xung đột về lợi ích giữa họ. Tuy nhiên, để quy tụ họ thành một khối đại đoàn kết, cần phải tìm kiếm, trân trọng và phát huy những điểm tương đồng, thống nhất để khắc chế, giải quyết các điểm khác biệt, mâu thuẫn. Hồ Chí Minh đã nhận ra yếu tố tương đồng để quy tụ sức mạnh của cả dân tộc làsự phản ánh khát vọng cháy bỏng của mọi người Việt Nam yêu nước, đó là tinh thần: “Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại, phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” ở mọi nơi và mọi lúc”(13).Việc tìm ra sợi dây kết nối mọi tầng lớp, giai cấp của Việt Nam là tinh thần yêu nước đã giúp Hồ Chí Minh mau chóng tập hợp được sức mạnh của quần chúng, tạo thành một khối đại đoàn kết vững chắc. Đây là thành quả cách mạng to lớn mà không phải vị lãnh tụ nào cũng có được.

Điều đặc biệt là Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra tư tưởng đại đoàn kết mà còn trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở thời đại Hồ Chí Minh, các tầng lớp, giai cấp nhân dân ở mọi vùng miền của Tổ quốc, kể cả đồng bào sinh sống ở nước ngoài đã cùng chung tay đoàn kết, thống nhất, tạo thành sức mạnh to lớn để Việt Nam lần lượt chiến thắng được kẻ thù xâm lược, thực hiện được mục tiêu độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân. Đây cũng là điểm đặc sắc vừa làm nên giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành “kim chỉ nam” để dẫn dắt, lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

VẬN DỤNG TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID-19

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã từng bước vào nhiều cuộc chiến với quy mô, tính chất khác nhau. Từ cuối năm 2019, có một cuộc chiến không có tiếng súng nhưng lại rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân trên phạm vi toàn cầu. Đó là cuộc chiến chống Covid-19.

Ngay từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên (ngày 22/1/2020), Việt Nam đã xác định đây là một dịch bệnh nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng đến nhiều người, trên phạm vi rộng nên cần phải nêu cao tinh thần: Chống dịch như chống giặc. Sự chủ động đó đã giúp cho Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp hữu ích. Một trong những giải pháp đã mang lại hiệu quả cao là huy động sự tham gia của đông đảo nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong công tác phòng, chống Covid-19.

Chủ trương của Đảng, Chính phủ huy động sức mạnh toàn dân tộc tham gia phòng, chống dịch.

Khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện không lâu, ngày 29/1/2020,Ban Bí thư đã ban hành công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh, thành phố, các cơ quan Trung ương yêu cầu phải coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ “trọng tâm, cấp bách”. Từ đó, kêu gọi toàn thểnhân dân cả nước đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động để tham gia chống dịch với quyết tâm cao, nỗ lực lớn

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19Lời kêu gọi nêu rõ: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Lời kêu gọi giống như một lời hiệu triệu khơi dậy tinh thần đoàn kết của cả dân tộc trong công tác phòng, chống dịch.

Để cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng, chống dịch và có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, ngày 17/3/2020 Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”. Mục đích của Lời kêu gọi là phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch.

Tỏa sáng truyền thống đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, kế thừa truyền thống đại đoàn kết của dân tộc và hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam lại cùng chung tay, đồng lòng chống dịch. Tất cả tỉnh, thành phố, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đều nhiệttình,tích cực tham gia phòng, chống dịch. 

Đi đầu là lực lượng cán bộ, nhân viên ngành Y tế. Họ đã không kể ngày đêm tham gia xét nghiệm, sàng lọc, cứu chữa bệnh nhân bị mắc Covid-19. Mặc dù cũng có không ít nhân viên y tế bị nhiễm bệnh nhưng với tinh thần “tất cả vì cộng đồng”, các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ những khó khăn, vất vả trong các khu điều trị cách ly để hàng ngày, hàng giờ cứu chữa người bệnh. Đặc biệt, có nhiều sinh viên ngành y mặc dù chưa tốt nghiệp nhưng đã tình nguyện tham gia chống dịch tại địa phương cũng như xung phong đến những vùng dịch lớn để tăng cường cho các y, bác sĩ. 

Lực lượng cán bộ các cấp, các ngành tại địa phương đã đồng sức, đồng lòng ngày đêm rà quét, khoanh vùng dập dịch tại các khu dân cư. Ở khắp cả nước, đã có nhiều Tổ Covid cộng đồng với sự tham gia của nhiều cán bộ cơ sở như công an, dân phòng, mặt trận, phụ nữ, thanh niên... Nhiều doanh trại quân đội được trưng dụng làm cơ sở cách ly cho nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng vào rừng nhường lại nơi ăn, chốn ở cho nhân dân có điều kiện tốt để cách ly. Trong các doanh trại cách ly của quân đội, người cán bộ, chiến sĩ vừa là người hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng quy định của Nhà nước về cách ly tập trung song họ cũng giống như những người thân trong gia đình, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người cách ly mỗi khi họ cần. Có thể nói, chưa bao giờ các doanh trại quân đội lại được sưởi ấm tình quân dân đến thế!

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã cùng vào cuôc để chung tay bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân cả nước không chỉ đóng góp công sức mà còn tích cực đóng góp tiền bạc, vật chất cho công tác phòng, chống dịch. Ở nhiều nơi trên khắp đất nước đã hình thành các ATM đặc biệt như ATM gạo, ATM mì, ATM khẩu trang và nhiều của hàng 0 đồng. Nhiều người dân, trong đó có cả những ca sĩ, người mẫu vốn chỉ quen ánh đèn sân khấu nhưng cũng đã chung tay phát đồ ăn, nhu yếu phẩm miễn phí cho nhân dân vùng dịch. Đã có nhiều bếp ăn từ thiện được mọc lên khắp nơi để lan tỏa tinh thần yêu thương, sẻ chia, tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Hiếm có một đất nước nào mà có sự tham gia đông đảo, đầy trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và các tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến chống covid-19 như Việt Nam.

Biểu tượng cao đẹp nhất cho tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch là Quỹ Vaccine. Quỹ được thành lập ngày 26/5/2021 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vacccine phòng, chống Covi-19 cho nhân dân. 

Ngay khi vừa thành lập, Quỹ Vaccine đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân trong cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ trong một thời gian ngắn, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, to lớn không chỉ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn... mà còn của các tầng lớp nhân dân, trong đó có nhiều em nhỏ, nhiều cụ già, cán bộ hưu trí và đông đảo kiều bào ở nước ngoài. Cho đến nay, Quỹ Vaccine đã tiếp nhận được 8.000 tỉ đồng số tiền đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Số tiền mà các tổ chức, cá nhân đóng góp không chỉ có giá trị vật chất mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm của nhân dân với Đảng và Chính phủ. Điều đó giúp cho Việt Nam tiếp tục được thế giới đánh giá cao trong việc phát huy được sức mạnh của cả dân tộc trong cuôc chiến chống đại dịch.

Cuộc chiến chống Covid-19 phía trước còn rất nhiều cam go với sự xuất hiện của nhiều ổ dịch mới, với những biến thể có tốc độ lây lan mạnh. Điều đó tiếp tục gây nên những khó khăn rất lớn cho Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, với tinh thần đại đoàn kết, sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục được nhân lên và trở thành động lực to lớn để nhân dân ta vượt qua những khó khăn, thử thách. Hơn bao giờ hết, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc đã được Đảng, Chính phủ kế thừa và phát huy có hiệu quả trong cuộc chiến chống đại dịch./.

TS. Lê Thị Chiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

___

(1) (4) (5) (7) (9) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật,H, 2011,t.9,tr.244, 244, 244, 244, 244.

(2) (11) (12) Hồ Chí Minh: Sđd,t.5tr.611,178-179336.

(3) (6) (10) Hồ Chí Minh: Sđd,t.10, tr.453, 376, 120.

(8)Hồ Chí Minh: Sđd,t.3, tr.217.

(13)Hồ Chí Minh: Sđd,t.2, tr.513.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất